Nguồn tin: Báo Phú Yên, 08/12/2018
Ngày cập nhật:
10/12/2018
Cán bộ thú y kiểm tra chất lượng đàn heo giống tại Trại thực nghiệm giống gia súc Hòa Thắng - Ảnh: THỦY TIÊN
Sau 3 năm triển khai, Chương trình Quản lý heo đực giống đã góp phần thay đổi nhận thức của người dân đối với công tác giống. Hầu hết người chăn nuôi đã biết được tầm quan trọng của con đực giống và có những đầu tư phù hợp góp phần nâng cao chất lượng đàn heo thương phẩm, tăng hiệu quả kinh tế.
Trang bị kiến thức cho người chăn nuôi
Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Phú Yên, đàn heo toàn tỉnh hiện có khoảng 105.000 con, bình quân mỗi năm cung ứng cho thị trường hơn 15.000 tấn thịt. Nghề nuôi heo được phát triển ở hầu hết các địa phương, nhưng tập trung nhất tại các huyện đồng bằng như Phú Hòa, Tuy An, Tây Hòa... với quy mô khá nhỏ lẻ, chủ yếu là chăn nuôi gia trại, rải rác trong khu dân cư. Vì vậy, nhiều hộ chăn nuôi vẫn chưa quan tâm đúng mức đến công tác giống trong chăn nuôi, đặc biệt là heo đực giống khi phối sinh sản.
Ông Nguyễn Lực, Trưởng Phòng Quản lý giống và kỹ thuật chăn nuôi (Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh), cho biết: Trong chăn nuôi, yếu tố giống quyết định khá lớn đến thành bại của việc sản xuất, muốn chăn nuôi đạt hiệu quả người dân phải thực sự chú trọng đến con giống khi sản xuất.
Để tăng cường công tác quản lý heo đực giống, nâng cao hiểu biết của nông dân trong chăn nuôi, từ năm 2016 đến nay, UBND tỉnh đã triển khai Chương trình Quản lý heo đực giống trên địa bàn tỉnh. Từ chương trình này, nhiều hộ chăn nuôi heo sinh sản, heo đực giống đã được trang bị thêm kiến thức để áp dụng vào sản xuất của gia đình.
Ông Lê Văn Niệm ở xã Hòa Quang Nam (huyện Phú Hòa), cho hay: Gia đình tôi đã có gần 10 năm nuôi và khai thác heo đực giống phục vụ phối giống cho các hộ nuôi heo sinh sản ở địa phương. Nhưng lâu nay, bản thân chưa nắm rõ các quy định về quản lý, kinh doanh heo đực giống; việc chăm sóc, khai thác cũng chỉ có được từ kinh nghiệm bản thân nên hiệu quả sản xuất còn hạn chế.
Từ khi Nhà nước bắt đầu triển khai Chương trình Quản lý heo đực giống trên toàn tỉnh, năm nào tôi cũng tham gia tập huấn, được cán bộ chuyên môn hướng dẫn cách chăm sóc, khai thác, đánh giá chất lượng con giống cũng như cách theo dõi thể trạng của heo đực giống để điều chỉnh khai thác hợp lý.
Ngoài ra, thông qua các lớp tập huấn tôi còn được tìm hiểu các quy định của Nhà nước, của các cơ quan chuyên ngành về quản lý, kinh doanh heo đực giống, vai trò và trách nhiệm của người nuôi... nên bản thân biết để thực hiện đúng, đủ các quy định, mang lại hiệu quả tốt nhất.
Còn theo ông Bốn Thiên ở xã Krông Pa (huyện Sơn Hòa), nhờ tham gia các lớp tập huấn nên bây giờ ông không những biết cách chăm sóc tốt cho heo đực giống mà còn biết cách đánh giá chất lượng của tinh dịch, biết thời điểm, mật độ khai thác tinh để mang lại hiệu quả cao.
Tăng hiệu quả sản xuất
Từ khi Chương trình Quản lý heo đực giống được triển khai không chỉ góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý heo đực giống mà còn góp phần nâng cao chất lượng đàn heo thương phẩm, tăng hiệu quả sản xuất của người chăn nuôi heo.
Bà Lê Thị Liên ở xã An Mỹ (huyện Tuy An), cho hay: Gia đình có trại nuôi heo rộng gần 100m2. Trại nuôi được quy hoạch thành 3 khu nuôi heo nái sinh sản, heo sữa và heo thịt. Lâu nay, tôi chỉ chú trọng đến chất lượng con nái giống, vì nghĩ con nái mới chi phối đến chất lượng heo con.
Từ khi được cán bộ chuyên môn tuyên truyền, hướng dẫn tôi mới biết được con đực giống cũng rất quan trọng, quyết định lớn đến chất lượng, số lượng của heo con sinh sản được. Vì vậy, bây giờ mỗi khi phối giống tôi đều đặt mua tinh ở các cơ sở đã được bình tuyển đảm bảo chất lượng, nhờ vậy chất lượng heo sinh sản cũng được cải thiện đáng kể.
Trước đây, mỗi lứa heo sinh sản chỉ từ 10-12 con, trọng lượng sơ sinh, tỉ lệ nuôi sống sau cai sữa cũng thấp thì nay mỗi lứa đã đẻ được 12-15 con, trọng lượng bình quân heo con mới sinh cũng tăng và tỉ lệ heo con sống sót trước cai sữa đạt cao.
Còn theo ông Nguyễn Thái Sơn ở xã Hòa Trị (huyện Phú Hòa), từ khi Nhà nước tăng cường quản lý đàn heo đực giống, đồng thời thực hiện tuyên truyền rộng rãi ở các địa phương nên những hộ nuôi heo có thêm nhiều kiến thức để áp dụng vào sản xuất, tăng hiệu quả kinh tế.
Nếu như trước đây, mỗi khi cần phối cho heo nái bà con chỉ biết tin tưởng hoàn toàn vào giới thiệu của các chủ nuôi. Còn nay, toàn bộ đàn heo đực giống đã được bình tuyển, đánh số và đeo thẻ tai.
Người chăn nuôi căn cứ vào các thông tin trên thẻ tai mỗi con heo đực giống để nhận biết được con giống thuộc dòng nào, loại giống gì..., qua đó có thể lựa chọn con giống thích hợp để phối sinh sản. Một khi con nái giống chất lượng được phối với con đực giống đạt chuẩn thì sẽ sản xuất ra heo con có thể trạng khỏe, sinh trưởng tốt, tỉ lệ hao hụt thấp...
Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Nguyễn Văn Lâm cho hay: Ngoài thực hiện công tác quản lý đàn heo đực giống, ngành còn chú trọng, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giúp người chăn nuôi biết được tầm quan trọng của con đực giống trong công tác giống.
Từ đó giúp người chăn nuôi có sự đầu tư phù hợp cho công tác này, góp phần nâng cao chất lượng đàn heo thịt, tăng hiệu quả kinh tế từ chăn nuôi heo.
THỦY TIÊN
- Kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm và các loại đặc sản
- Kỹ thuật trồng trọt cây ăn trái, rau màu và các loại cây lương thực, cây công nghiệp khác
Các tin mới:
Kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng và chế biến thủy hải sản
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.