Nguồn tin: Báo Vĩnh Phúc, 31/01/2018
Ngày cập nhật:
3/2/2018
Trong những năm trở lại đây, nuôi gà bán thả đã trở thành hướng phát triển kinh tế có hiệu quả cao ở Ngọc Thanh (Phúc Yên, Vĩnh Phúc) giúp không ít hộ gia đình “ăn nên làm ra”. Một trong số đó không thể không kể đến trang trại của anh Lê Văn Mạnh, thôn Đồng Câu.
Sinh ra và lớn lên ở vùng quê Mê Linh (Hà Nội), không bằng lòng với của mức thu nhập 1,2 triệu đồng/tháng những ngày làm công nhân, năm 2008, chàng thanh niên Lê Văn Mạnh theo bố về Ngọc Thanh bắt đầu chăn nuôi.
Trang trại của anh Lê Văn Mạnh, Ngọc Thanh (Phúc Yên) với quy mô 1,2 vạn con gà cho thu nhập 400 - 600 triệu đồng/năm.
Nhớ lại những ngày đầu, anh Mạnh chia sẻ: “Cũng như dâu mới về nhà chồng, ngày mới về Ngọc Thanh, chúng tôi phải tập quen với cuộc sống ở núi đồi, học cách chăn nuôi. Vừa bỡ ngỡ, lạ lẫm với vùng đất mới vừa khó khăn về vốn bởi thế mà 2 bố con chỉ chăn nuôi nhỏ chừng 1 -2 nghìn con”.
Sau gần 7 năm tích lũy vốn liếng, kinh nghiệm, năm 2015, anh Mạnh cùng vợ tách ra xây dựng trang trại riêng. Bằng vốn tự có, vay mượn thêm, anh đầu tư hơn 1 tỷ đồng xây dựng 2 chuồng với tổng diện tích 700 m2, chăn nuôi gà ta lai theo hình thức bán thả.
Mặc dù là chăn nuôi bán thả, song quy mô trang trại của anh Mạnh lại không hề nhỏ. Từ quy mô ban đầu 8 nghìn con, năm 2016, anh tiếp tục đầu tư xây dựng thêm một chuồng với diện tích 300 m2. Đến nay, quy mô trang trại vào khoảng 1,2 vạn con gà ta lai.
Anh Mạnh cho biết: Khác với chăn nuôi khép kín như nhiều địa phương, hình thức bán thả khá phù hợp với điều kiện địa hình, khí hậu ở Ngọc Thanh, đồng thời đây cũng là hình thức có nhiều ưu điểm. Với không gian rộng rãi, thoáng mát không chỉ nuôi được nhiều đầu con mà gà cũng ít dịch bệnh hơn, chất lượng thịt tốt hơn, phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng.
Cũng theo anh Mạnh, yêu cầu quan trọng nhất của nuôi bán thả là phải có sân chơi cho gà. Do đó ở cả 3 khu, ngoài diện tích chuồng anh Mạnh xây dựng thêm sân chơi cho gà với diện tích trung bình 600 -700m2/khu. Không chỉ vậy, anh Mạnh còn áp dụng tiến bộ KHKT, đầu tư xây dựng hệ thống cho uống nước tự động với kinh phí 120 triệu đồng/bộ ở mỗi chuồng,giảm đáng kể công lao động.
Bằng quyết tâm làm giàu, cũng như lựa chọn hình thức chăn nuôi hợp lý, đến nay, trang trại của anh Mạnh thu lợi nhuận vào khoảng 400 - 600 triệu đồng/năm. Đây là con số mà không phải người nông dân nào cũng có được, đặc biệt là trong bối cảnh chăn nuôi còn gặp nhiều khó khăn như hiện nay. Anh Mạnh cho biết: “Xác định chăn nuôi là nghề chính của gia đình, do đó trong thời gian tới, tôi sẽ đầu tư xây dựng thêm một chuồng với diện tích 400 m2, nâng quy mô đàn gà của trang trại lên 1,6 vạn con”.
Nguyễn Hường
- Kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm và các loại đặc sản
- Kỹ thuật trồng trọt cây ăn trái, rau màu và các loại cây lương thực, cây công nghiệp khác
Các tin mới:
Kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng và chế biến thủy hải sản
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.