• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Khi đàn yến quay về đảo

Nguồn tin: Báo Phú Yên, 10/12/2018
Ngày cập nhật: 12/12/2018

Tổ bảo vệ bơi thuyền thúng ra đón các kỹ thuật viên vào khai thác tổ yến - Ảnh: THÁI HÀ

Nhiều nghiên cứu trước kia cho thấy, ở các hang đảo tỉnh Phú Yên từng có chim yến hàng tồn tại. Tuy nhiên, việc con người tác động quá mức, không đúng cách khiến cho chim yến rời đi. Để phục hồi lại các hang đảo, đưa đàn yến trở về, đội ngũ những kỹ thuật viên Công ty TNHH Nhà nước MTV Yến sào Khánh Hòa cùng các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương đã bỏ ra nhiều tâm huyết, công sức… Từ nhiều nỗ lực, những cánh chim yến lại trở về, chao liệng giữa bao la biển đảo Phú Yên.

Nơi đầu sóng, ngọn gió

Từ một bến cảng nhỏ ở thôn Phú Hội, xã An Ninh Đông (huyện Tuy An), tàu mang số hiệu KH 0397 do thuyền trưởng Nguyễn Văn Tâm điều khiển đưa chúng tôi đến thăm những đảo yến nằm dọc từ huyện Tuy An đến cuối TX Sông Cầu. Trước đó, chúng tôi ăn sáng cùng với những thành viên trên tàu và bữa ăn diễn ra nhanh chóng để còn kịp lên đường.

Công việc của chuyến đi lần này là kiểm tra định kỳ và thu hoạch tổ yến trên các đảo. Đoàn xuất phát, biển rất êm, thuyền trưởng cho hay vì tàu còn đang trong vịnh, chứ ra khơi, sóng và gió sẽ dữ dội hơn nhiều lần.

Đúng như dự báo, càng ra khơi, sóng càng lượn thành từng đợt lớn, vỗ lên mạn thuyền. Biển mênh mông, dữ dội, nước văng tung tóe khắp nơi. Xuất phát từ bến cảng, đến khoảng 30 phút sau, hơn chục người trên tàu đi ngang qua đảo yến đầu tiên. Người trông coi đảo yến, một chàng trai trẻ tuổi mới 25 thấy tàu đi qua, chạy xuống vẫy tay. Chỉ nhìn qua dáng thôi là cũng biết anh vui như mở cờ trong bụng. Giữa biển trời mênh mông, anh sống trong một lán trại nằm cheo leo được làm bằng cây gỗ nhỏ, lót ván, mái tôn trên vách núi.

Thấy tàu ghé qua, anh điều khiển ca nô ra đón. Từ ca nô, đoàn khai thác lại chuyển sang thúng. Từ thúng mới bắt đầu đặt chân lên đảo. Do cửa hang yến này nhỏ hẹp, khó di chuyển vào phía trong nên chỉ những kỹ thuật viên lành nghề mới tiếp cận. Phần còn lại, tất cả đều chờ ở trên tàu. Khỏi phải nói cảm giác phải ngồi trên một chiếc tàu dừng, ruột gan cứ nôn nao hết cả lên.

Cũng may, tầm 20 phút sau là việc khai thác hoàn thành, nhóm kỹ thuật viên lên tàu và tiếp tục di chuyển đến các đảo khác. Trên các đảo đi qua, đâu cũng chỉ thấy trời nước, một hòn đảo nhô lên, một người canh giữ đảo vẫy tay khi gặp người quen. Trên một hòn đảo khác nữa, có hai người cùng canh giữ, khi thấy tàu đi qua, một người đàn ông tuổi ngoài 50 đi thúng chai ra tận tàu, xin đi cùng cho vui, khi nào hết hành trình sẽ quay lại. Cứ thế, chúng tôi đi từ đảo này sang đảo nọ.

Hiện nay, lực lượng bảo vệ đảo có tất cả 40 người, một số quê Phú Yên, số còn lại là người ở Khánh Hòa. Cứ mỗi tháng, họ làm việc khoảng 3 tuần tại đảo, một tuần lên bờ để về nhà cùng gia đình. Những tháng biển êm, hàng tuần, những người coi đảo mới gặp được đồng nghiệp trong các chuyến tiếp phẩm và thỉnh thoảng gặp những người đánh cá hay những tay câu mê mạo hiểm vẫn thường qua lại đảo. Thời gian biển động, hầu như phải vài tuần đội tiếp tế mới có thể ra đảo một lần. Riêng những ngày có bão, những người này được lệnh từ công ty chằng lại chòi và rời đảo để đảm bảo an toàn.

Tôi gặp được ông Lê Quốc Hải, 55 tuổi ở Khánh Hòa. Tuổi tác tuy chưa gọi là già nhưng cả một quãng dài sống nơi đầu sóng ngọn gió, trông ông có vẻ khắc khổ. Để vợ con ở Khánh Hòa, ông ra Phú Yên làm người trông đảo yến, mỗi tháng về một lần.

Ông Hải chia sẻ: “Ngày trước, phương tiện liên lạc còn khó khăn, buổi tối chẳng có đèn đóm, đem theo cái đài cũng không dám mở nhiều vì sợ hết pin. Đã vậy, khi ở trên đảo, mọi công việc nhà đều phó mặc cho vợ con. Bạn bè trên đảo ngoài người đồng hành cùng trông coi đảo ra thì thứ quý nhất là một bể nước ngọt. Những năm gần đây, nhờ sự quan tâm của lãnh đạo công ty, đời sống vật chất, tinh thần của người canh giữ đảo yến đã ngày càng tốt hơn, nên anh em càng yên tâm làm việc”.

Thành quả từ hành trình gian nan

Năm 2015, Phú Yên có 4 hang đảo với 200 chim yến sinh sống ổn định và làm tổ. Đến tháng 9/2016, số lượng yến tăng lên 500 cá thể. Trong chuyến đi vừa qua (tháng 8/2018), nhóm khai thác đã thu được 118 tổ tại 4 hang đảo thuộc các xã Xuân Thịnh, Xuân Cảnh, Xuân Hòa (TX Sông Cầu), nâng tổng số tổ yến khai thác được trong năm 2018 lên 213 tổ. Để có được số tổ yến này là cả một hành trình gian nan.

Từ năm 2011, Công ty TNHH Nhà nước MTV Yến sào Khánh Hòa thực hiện dự án Phục hồi, quản lý và bảo vệ quần thể chim yến hàng, hướng đến xây dựng một thương hiệu Yến sào Phú Yên. Để thực hiện dự án này, phía công ty đã đưa chim yến con ấp nở từ Khánh Hòa ra các đảo Phú Yên; chăm sóc khi chim còn nhỏ; tập bay khi chim bắt đầu cứng cáp; tập cho chim săn mồi; tập cho chim kiếm ăn xa và quay về hang làm tổ…

Cùng với đó, các kỹ thuật viên công ty còn áp dụng hàng loạt các giải pháp kỹ thuật như: cải tạo hang, tạo mùi, mở hệ thống âm thanh, bật hệ thống phun sương. Kết quả là chim yến đã định cư làm tổ tại đảo và thu hút các chim yến sống hoang dã về hang. Đưa đàn yến về đảo thành công là cột mốc đánh dấu thành công trong ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật phát triển hang đảo yến mới tại Phú Yên.

Không chỉ quản lý đảo yến và áp dụng hàng loạt các giải pháp phát triển đàn yến, hàng ngày, những người giữ đảo còn chia ca để canh giữ đảo, bảo vệ môi trường sống cho đàn yến, canh chừng không cho ngư dân dùng thuốc nổ đánh cá ở vùng biển xung quanh các đảo yến và tìm cách tiêu diệt kẻ thù của chim yến như: chim cắt, chuột. Họ còn tham gia đảm bảo an ninh trật tự trên vùng biển đảo được giao quản lý; tham gia giữ gìn môi trường sinh thái; phối hợp chặt chẽ với những đơn vị chức năng thường xuyên tuần tra, kiểm soát, ngăn chặn ghe thuyền ngư dân đánh bắt hải sản bằng vật liệu nổ và chất độc hại trái phép, vi phạm quy chế hoạt động vùng biển đảo. Lực lượng bảo vệ đảo yến còn thường xuyên phối hợp chặt chẽ với các lực lượng công an, biên phòng, quân đội thực hiện các kế hoạch đảm bảo an ninh trật tự và bảo vệ chủ quyền biển đảo.

Chuyến hành trình kết thúc, tàu không quay lại bến mà dừng ở một bãi biển của TX Sông Cầu. Chúng tôi lại xuống ca nô, xuống thuyền thúng, vào bờ. Vẫy tay chào các thuyền viên tàu KH 0397 nhưng tôi vẫn nhớ khuôn mặt trẻ trung của chàng trai trông coi đảo Nguyễn Hoàng Đệ, 25 tuổi quê Khánh Hòa. Đệ sinh ra trong một gia đình có truyền thống trông coi và khai thác đảo yến. Đệ chưa có gia đình nên tham gia vào tổ bảo vệ. Khi thấy tàu, cậu chạy vội từ lán ra một mỏm đá cao, tay vẫy vẫy, dáng vẻ hớn hở đến xúc động vì chiếc tàu đông đúc hơn ngày thường đang cập vào đảo. Và sau đó là sự hụt hẫng, tủi tủi khi thời gian tàu dừng lại đảo không lâu.

Xem đảo là nhà, cuộc sống của những người giữ đảo yến cứ trôi đi rất thầm lặng, niềm vui của họ là những chuyến tàu đến và đi vội vã. Tuy nhiên, sự thầm lặng ấy đã góp phần không nhỏ trong việc gìn giữ và phát triển nguồn lợi yến sào.

THÁI HÀ

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang