Nguồn tin: Cổng TTĐT tỉnh Kiên Giang, 13/12/2018
Ngày cập nhật:
16/12/2018
5 năm thực hiện Dự án “Cải thiện sinh kế cho nông hộ nghèo tại tỉnh Kiên Giang” (dự án), đến nay nhiều hộ nghèo, cận nghèo, khó khăn được hỗ trợ bò giống đã có điều kiện vươn lên phát triển kinh tế.
Dự án là hình thức “mượn bò trả bê”, được Ban quản lý Dự án (BQLDA) thuộc Trung tâm Khuyến nông tỉnh triển khai năm 2013 tại xã Bàn Thạch và Bàn Tân Định (Giồng Riềng). Ban đầu từ 300 con bò mẹ, 8 con bò đực hỗ trợ cho 300 hộ, đến nay có thêm 396 con bê và đã chuyển giao 191 con bò cho 190 hộ. Để việc hỗ trợ hiệu quả, BQLDA phối hợp địa phương rà soát đúng đối tượng hỗ trợ, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc và cách phòng trừ dịch bệnh cho đàn bò, khuyến khích trồng cỏ đảm bảo nguồn thức ăn cho bò... Theo BQLDA, dự án có tổng kinh phí 19,3 tỷ đồng, trong đó Tổ chức Heifer Việt Nam hỗ trợ 5,3 tỷ đồng, ngân sách tỉnh 3,2 tỷ đồng, người dân đối ứng 10,8 tỷ đồng. Quy mô dự án gồm 700 hộ, trong đó 300 hộ (185 hộ đồng bào Khmer, 34 hộ nghèo, cận nghèo) nhận đủ các nguồn lực hỗ trợ với 300 con bò cái và 8 bò đực giống, 400 hộ đối ứng từ cộng đồng chỉ nhận hỗ trợ về huấn luyện.
Từ 1 con bò cái ban đầu được dự án hỗ trợ, chỉ sau 5 năm, gia đình anh Danh Gương, ngụ ấp Cây Trôm, xã Bàn Thạch (Giồng Riềng) đã hoàn trả 1 con bê cho dự án và phát triển đàn bò lên 7 con.
Năm 2013, xã Bàn Thạch hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo và hộ mới thoát nghèo 160 con bò cái, 4 con bò đực. Sau 5 năm, xã đã chuyển giao 104 con cho các hộ tiếp theo, tăng đàn bò trong dự án của xã lên 375 con. Gia đình anh Danh Gương, ngụ ấp Cây Trôm, xã Bàn Thạch hiện có 1 con bò đực và 6 bò cái. Anh Gương cho biết: “Từ 1 con bò đầu tiên, đến nay bò đẻ được 4 con bê, tôi hoàn trả 1 con bê cho dự án, còn 3 con bò đực tôi bán để mua lại 5 con bò cái nuôi. Được cán bộ dự án hướng dẫn quy trình nuôi nên thấy nuôi bò không khó; mỗi ngày đi thăm ruộng, sẵn cắt mớ cỏ trồng quanh bờ về cho bò ăn. Nhờ đàn bò mà hai đứa con tôi có điều kiện học tập; nếu không có dự án hỗ trợ chắc gia đình còn khó khăn”. Đồng chí Huỳnh Khai Sị - Đảng ủy viên, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Bàn Thạch, cho biết: “Với hình thức “mượn bò trả bê”, dự án trở thành điểm tựa cho nông dân; trong số 160 hộ được mượn, nhiều hộ thoát nghèo, hộ khó khăn vươn lên có cuộc sống khá hơn, có điều kiện cho các con học hành”.
1 trong 12 điều cơ bản Tổ chức Heifer Việt Nam yêu cầu là tất cả các nguồn lực dự án hỗ trợ cho nhóm hộ nhận bò ban đầu đều phải được chuyển giao cho các hộ khó khăn tiếp theo. Các nguồn lực hỗ trợ như vốn vay sản xuất và cỏ giống từ 12 hộ trồng cỏ ban đầu, hiện lên 120 hộ. Các nguồn lực dự án đã và đang chuyển giao là trùn quế, cỏ giống, kỹ thuật. Riêng sản phẩm chính là bò đã chuyển giao 191 con, sau khi hoàn thành chuyển giao bò cái cho các hộ tiếp theo, đa số hộ còn duy trì nuôi bò và phát triển đàn. Ông Danh Lộc, ngụ ấp Cây Trôm được hỗ trợ 1 con bò, đến nay bò đẻ 3 lứa, chuẩn bị đẻ lứa thứ 4. “Nhờ có con bò được mượn mà không còn lo nghèo đói. Niềm vui lớn nhất của tôi là đã cho hai con mình đi học, đứa lớn mới học sĩ quan tại Hà Nội ra trường và công tác tại An Giang”, ông Lộc nói.
Theo BQLDA, qua 5 năm thực hiện dự án, đến nay đã có 27 hộ thoát nghèo bền vững, nhiều hộ từ khó khăn vươn lên khá giả. Dự án không kết thúc sau 1 chu kỳ sản xuất mà tiếp tục nhân ra và ngày càng có nhiều người dân được hưởng lợi. Sau khi chuyển giao sản phẩm, mỗi hộ còn lại 1 bò mẹ, nếu chủ hộ tiếp tục khai thác bò mẹ, mỗi năm gia đình có nguồn thu 1 bê con 1 năm tuổi trị giá từ 10 - 15 triệu đồng, đây là nguồn thu không nhỏ với hộ nông dân nghèo.
Bích Linh – Huỳnh Lài
- Kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm và các loại đặc sản
- Kỹ thuật trồng trọt cây ăn trái, rau màu và các loại cây lương thực, cây công nghiệp khác
Các tin mới:
Kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng và chế biến thủy hải sản
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.