• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Một mô hình chăn nuôi, trồng trọt hiệu quả

Nguồn tin: Báo Thái Nguyên, 19/12/2018
Ngày cập nhật: 21/12/2018

Từ chăn nuôi hươu, mỗi năm, gia đình ông Vũ Trí Long thu khoảng 200 triệu đồng.

Sống trên vùng đất có truyền thống làm chè ngon nhưng ông Vũ Trí Long, sinh năm 1969, ở xóm 5, thị trấn Sông Cầu (Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên) lại không dành hết đất để tập trung làm chè như nhiều hộ dân khác ở xóm. Với 4ha đất, ông chỉ dành 1 nửa để trồng chè, diện tích còn lại ông để chăn nuôi hươu, lợn rừng, đồng thời trồng các loại rau, củ, quả để làm thức ăn cho vật nuôi. Từ việc chăn nuôi và trồng trọt, mỗi năm, gia đình ông Long đã thu được gần 500 triệu đồng, trừ các chi phí lãi khoảng 300 triệu đồng.

Đến thăm gia đình ông Long, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên khi vườn bãi rộng mênh mông nhưng không có một chỗ đất nào bị bỏ trống. Tất cả những vật nuôi, cây trồng đều được ông quy hoạch, tính toán hợp lý để việc chăn nuôi có thể phục vụ cho trồng trọt và ngược lại. Với diện tích đất trên, ông vừa chăn nuôi hươu sao, lợn rừng, thả gà, đồng thời trồng chè, trồng ngô, trồng cỏ... Trong đó, có một nửa diện tích với khoảng 2ha ông để trồng giống chè cành lai LDP1. Hiện nay, ông Long đang nuôi 14 con hươu sao (trong đó có 9 con đực, 5 con cái). Mục đích của việc nuôi hươu là vừa để lấy nhung bán, vừa để bán hươu con.

Chia sẻ với chúng tôi, ông Long cho biết: Tôi có 3 năm đóng quân tại Lữ đoàn Công binh 575 (Quân khu 1). Sau khi dời quân ngũ, năm 1990, tôi mới lập gia đình. Sau khi cưới, vợ chồng tôi không có một miếng đất cắm dùi nên xin đi làm công nhân hợp đồng cho Nông trường chè Sông Cầu, phần để có tiền trang trải cuộc sống, phần để có chỗ ở tại khu tập thể của Nông trường. Làm được 7 năm thì Nông trường giải thể, khí đó, vợ chồng tôi được giao 2ha đất trồng trè để sản xuất. Lúc đó, gia đình tôi mới có đất đề làm kinh tế.

Là hộ nghèo của xóm nên khi được giao đất, điều ông Long nghĩ đầu tiên là phải làm gì đó để thoát nghèo. Gần 2ha đất mới được giao đã được trồng chè nhưng đều là diện tích cằn cỗi, kém năng suất nên ông Long đã phá bỏ toàn bộ để trồng cỏ nuôi bò. Không có vốn, ông đã vay 3 triệu đồng của Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện để mua 1 cặp mẹ con bò lai Sind. Dần dà, đàn bò của ông được nhân rộng, có năm nhiều nhất, đàn bò lên tới gần 30 con.

Đang chăn nuôi thuận lợi, năm 2007, giá bò thịt và bò giống đều trượt dốc, cả đàn bò gần 30 con của gia đình ông phải bán đi, chịu thua lỗ hơn 100 triệu đồng. Không nản, chỉ sau đó 1 năm, ông Long đã bỏ nuôi bò chuyển sang chăn nuôi hươu sao và một số vật nuôi khác như lợn rừng, gà ta; đồng thời cải tạo đất để trồng giống chè cành lai LDP1; trồng ngô, cỏ để lấy thức ăn cho hươu. Lúc đầu, ông cũng chỉ mua 3-4 con hươu, sau đó nhân rộng dần. Ông Long cho biết thêm: Nuôi hươu không khó mà lợi nhuận lại cao. Có thể vừa bán nhung vừa bán con giống. Hiện nay, tôi đang bán nhung hươu từ 2,2 triệu đồng đến 2,5 triệu đồng/lạng. Mỗi năm, riêng tiền bán 6-7kg nhung thu được khoảng 150 triệu đồng. Còn với hươu con, mỗi năm bán được 50 triệu đồng/cặp.

Theo ông Long, thức ăn cho hươu khá đơn giản, chúng rất thích ăn các loại lá, rau như: Xoan, mít, cỏ voi, cỏ trai, chuối... Đây đều là những loại dễ kiếm, dễ trồng, giá thành rẻ nên chi phí đầu tư cho chăn nuôi hươu thấp, thu lãi cao. Chăn nuôi có lãi, ông Long đã đầu tư mua thêm đất để mở rộng khu vực chăn nuôi, trồng trọt. Hiện nay, tổng diện tích đất của gia đình ông lên tới 4ha. Ngoài chăn nuôi, ông đã trồng chè cành, với 2ha chè đang cho thu ổn định, mỗi lứa, gia đình ông thu được 35-40 triệu đồng từ việc bán chè tươi. Bình quân, mỗi năm hái 8 lứa thu khoảng 300 triệu đồng.

Không chỉ tập trung phát triển kinh tế, ông Long còn dành nhiều thời gian để tham gia công tác xã hội, ông đã từng là Chi hội trưởng Chi hội Cựu chiến binh; Chi hội trưởng Chi hội Nông dân, Phó ban Quản lý làng nghề chè của xóm, Tổ trưởng Tổ vay vốn xóm.... Năm 2018, gia đình ông Long đã được công nhận là hộ sản xuất - kinh doanh giỏi cấp tỉnh.

Ông Nguyễn Ngọc Sơn, Phó Chủ tịch Hội Nông dân thị trấn Sông Cầu cho biết: Ông Long là một trong 11 hộ gia đình ở thị trấn Sông Cầu vừa được tỉnh công nhận hộ sản xuất - kinh doanh giỏi. Không chỉ giỏi sản xuất, ông còn là tấm gương sáng trong nhiều hoạt động, phong trào của xóm, thị trấn; luôn nhiệt tình hướng dẫn, phổ biến kinh nghiệm sản xuất cho bà con nếu ai có nhu cầu...

Chung An

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang