• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Chăn nuôi an toàn để phát triển bền vững

Nguồn tin: Báo Bắc Giang, 20/12/2018
Ngày cập nhật: 24/12/2018

Năm 2018 khép lại với người chăn nuôi lợn Bắc Giang bằng tiếng thở phào vì giá bán có nhích lên đủ có lãi, không còn cảnh thấp thỏm, giá thấp như từ nửa đầu năm trở về trước. Tuy nhiên, để ngành sản xuất này ổn định, rất cần những định hướng có tính lâu dài, cân đối giữa lợi ích kinh tế và hệ lụy phát sinh trong quá trình chăn nuôi.

Nắm chắc xu hướng thị trường

Gần chục năm gắn bó với nghề nuôi lợn, gia đình anh Đặng Văn Hùng, thôn 2, xã Việt Tiến (Việt Yên) được bà con địa phương biết đến như là một điển hình thành công trong chăn nuôi.

Chia sẻ kinh nghiệm chăn nuôi, anh Hùng nói: “Từ năm 2010, gia đình tôi xây dựng chuồng trại để nuôi quy mô lớn, ban đầu duy trì vài con nái và khoảng 100 lợn thịt mỗi lứa, sau đó nâng dần lên, cao điểm có lúc lên 200- 300 lợn thịt, 30 lợn nái. Mỗi năm, xuất bán ba lứa lợn, với giá bán 45-47 nghìn đồng/kg, gia đình tôi lãi 1- 1,2 triệu đồng/con. Để đàn lợn khỏe mạnh, tôi chú trọng ngay từ khâu chọn giống, chủ động phòng chống bệnh tật, thực hiện nghiêm ngặt việc giữ vệ sinh, khử trùng khu vực chăn nuôi, tiêm phòng đầy đủ, thức ăn chỉ lựa chọn mua từ những nhà cung cấp đã khẳng định được chất lượng”.

Mô hình chăn nuôi lợn của gia đình anh Đặng Văn Hùng, thôn 2, xã Việt Tiến (Việt Yên) có hiệu quả cao.

Từ quy luật thị trường, anh Hùng nhận thấy càng gần đến dịp Tết Nguyên đán, giá bán xuất chuồng càng thấp, trái ngược với giá bán đến tay người tiêu dùng nên thời điểm vào đàn rất quan trọng, phải tính toán làm sao khi nuôi được 4- 4,5 tháng, lợn đạt đủ trọng lượng, bán được giá nhất. Xu hướng gần đây là không nuôi lợn quá to, những năm trước, lợn 120-140 kg/con được tiêu thụ mạnh thì hiện nay chỉ còn ở mức 100 kg/con.

Nhờ thường xuyên nắm bắt thị trường, gia đình anh Hùng đã vượt qua “cơn bão mất giá” hai năm trước. Thời điểm ấy nhiều trang trại, gia trại nuôi lợn lao đao, thậm chí phá sản vì giá bán thấp kỷ lục. Nhưng gia đình anh trước đó đã chủ động giảm đàn, chỉ duy trì ở mức cầm cự, không đầu tư nhiều, tận dụng khoảng thời gian đó để tu sửa chuồng trại, tổ chức lại quy mô. Khi thị trường dần khởi sắc, anh tiếp tục tái đàn, chăn nuôi có lãi trở lại.

Câu chuyện của gia đình anh Đặng Văn Hùng là bài học kinh nghiệm bổ ích đối với nhiều người, trong sản xuất, chăn nuôi không thể chạy theo phong trào. Ông Dương Thanh Tùng, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT trao đổi: Đầu năm nay, giá thịt lợn vẫn ở mức thấp, quy mô đàn lợn tiếp tục giảm. Bắt đầu từ cuối quý II, giá lợn hơi tăng trở lại. Tỉnh tích cực triển khai các cơ chế chính sách hỗ trợ chăn nuôi, xây dựng một số vùng chăn nuôi an toàn, hỗ trợ giống, xây dựng mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, tăng cường quản lý giống, thuốc thú y, phòng chống dịch bệnh... Vì vậy, quy mô chăn nuôi của tỉnh đang dần hồi phục. Tổng đàn lợn ước đạt 1,105 triệu con, tăng 2,6% so với năm ngoái.

Chăn nuôi an toàn, tiêu thụ theo chuỗi

Một trong những điểm hạn chế của ngành chăn nuôi lợn ở Bắc Giang là đa số quy mô nhỏ lẻ, chưa áp dụng phổ biến quy trình chăn nuôi an toàn sinh học và liên kết tiêu thụ còn hạn chế. Ước tính có đến 60% trong tổng đàn lợn hiện nay nuôi quy mô nông hộ, trong khi người chăn nuôi chưa được tiếp cận nhiều về thông tin thị trường, không ít hộ chậm đổi mới, tiếp thu tiến bộ khoa học kỹ thuật, tiềm ẩn nguy cơ rủi ro cao.

Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và PTNT, nhu cầu tiêu thụ nội địa trong tỉnh về thịt lợn chỉ chiếm khoảng 50% tổng sản lượng, còn lại chủ yếu được xuất khẩu sang Trung Quốc và một số tỉnh, TP trong nước. Việc phụ thuộc quá nhiều vào một thị trường dẫn đến không ít hệ lụy.

Thôn Hà Mỹ, xã Chu Điện (Lục Nam) vài năm gần đây có nghề thu gom, tập kết lợn rồi xuất bán sang Trung Quốc, thời kỳ “hoàng kim” khoảng hai năm trở về trước lên đến hơn một trăm gia đình làm nghề này, gần đây chỉ còn chưa đến chục hộ.

Anh G.V.B, một trong số người còn đi thu gom lợn cho biết, những năm trước, thương lái nước ngoài đặt mua nhiều, chênh lệch giá lớn khiến người đi buôn có lãi. Nay có nhiều đầu mối cung cấp, giá bán thịt lợn hơi trong nước và thị trường bên đó đã gần như ngang bằng nên nhiều người bỏ nghề.

Bên cạnh đó, chăn nuôi lợn có khả năng gây ô nhiễm môi trường rất lớn. Vụ việc Công ty cổ phần Phát triển công nghệ nông thôn (Công ty RTD) và Công ty TNHH MTV chăn nuôi Hòa Phát nuôi hàng vạn con lợn gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng ở xã Long Sơn (Sơn Động) là một điển hình.

Mặc dù Chủ tịch UBND tỉnh đã có quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty RTD 641 triệu đồng, Công ty TNHH MTV chăn nuôi Hòa Phát 312 triệu đồng nhưng việc khắc phục các hành vi vi phạm gây ô nhiễm môi trường ở Công ty RTD vẫn rất chậm.

Trước những bất cập, ngành nông nghiệp đã đưa hàng loạt giải pháp, trong đó có việc kiến nghị đưa chăn nuôi, buôn bán lợn vào danh mục ngành nghề sản xuất, kinh doanh có điều kiện để tăng cường công tác quản lý. Không khuyến khích chăn nuôi ở các đô thị, khu dân cư hoặc những mô hình manh mún, nhỏ lẻ. Khống chế số lượng tổng đàn khoảng 1 triệu con lợn, không chạy theo số lượng mà tìm cách đưa chất lượng thịt và các sản phẩm từ thịt lợn lên cao hơn. Tiết kiệm chi phí để hạ giá thành, tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm.

“Mục tiêu là phát triển chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, vệ sinh thực phẩm, hỗ trợ tổ chức sản xuất khép kín, liên kết giữa các khâu trong chuỗi giá trị, hạn chế dịch bệnh, không gây ô nhiễm môi trường”, ông Dương Thanh Tùng nói.

Hiện nay, việc áp dụng quy trình chăn nuôi lợn an toàn sinh học theo hướng VietGAHP đang được triển khai nhân rộng, chiếm khoảng 20% tổng đàn, tập trung ở các huyện: Tân Yên, Việt Yên, Yên Dũng, Hiệp Hòa, Lạng Giang và Lục Nam...

Quốc Phương

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang