Nguồn tin: Báo Thái Nguyên, 21/12/2018
Ngày cập nhật:
25/12/2018
Mô hình chăn nuôi lợn rừng và hươu lấy nhung của nông dân Đoàn Xuân Dương, thôn Phú Ninh 3, xã Phú Đình (Định Hóa) cho thu nhập trên 300 triệu đồng/năm.
Những năm gần đây, phong trào nông dân thi đua sản xuất - kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu ở huyện miền núi Định Hóa (tỉnh Thái Nguyên) đang ngày càng phát triển và có sức lan tỏa mạnh mẽ. Bằng sự năng động, sáng tạo và khát khao làm giàu, nhiều hội viên nông dân trên địa bàn huyện đã trở thành triệu phú, tỷ phú ngay trên đồng đất quê hương mình.
Ở xã miền núi Sơn Phú (Định Hóa) không ai là không biết đến mô hình chăn nuôi lợn siêu nạc kết hợp với phát triển kinh tế đồi rừng cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm của gia đình anh Hà Quang Việt, xóm Hồng La 1. Trước đây, gia đình anh cũng giống như bao hộ nông dân khác ở địa phương, quanh năm bám nương làm rẫy nhưng cuộc sống cũng chỉ đủ ăn, kinh tế gia đình hết sức khó khăn. Năm 2005, khi Nhà nước có chính sách giao đất giao rừng, nhận thấy đây là cơ hội không thể bỏ lỡ, anh quyết định nhận giao khoán hơn 5ha đất rừng sản xuất để trồng cây keo lai. Sau 6 năm kiên trì chăm sóc, lứa keo đầu tiên cho thu hoạch, gia đình anh thu về hơn 300 triệu đồng. Số tiền thu được anh tiếp tục đầu tư vào trồng rừng và xây dựng chuồng trại để chăn nuôi lợn thịt siêu nạc.
Vừa chăn nuôi anh vừa tích lũy thêm kiến thức và vốn liếng. Quy mô chăn nuôi được anh mở rộng dần từ 20 con/lứa lên 50 con/lứa và hiện nay là 150 con/lứa. Ngoài chăn nuôi lợn thịt, anh anh còn nuôi thêm 20 con lợn nái siêu nạc để chủ động nguồn con giống và cung cấp cho các hộ gia đình khác có nhu cầu. Với tinh thần, ý chí vượt khó vươn lên trong sản xuất, hiện nay, mô hình chăn nuôi lợn thịt và trồng rừng đã giúp gia đình anh Hà Quang Việt trở thành một triệu phú trong vùng. Trung bình mỗi năm, gia đình anh thu lãi trên 500 triệu đồng từ mô hình này.
Trò chuyện với chúng tôi, anh Việt chia sẻ: Muốn làm giàu, cần phải tìm ra loại cây trồng, vật nuôi phù hợp với đồng đất quê hương mình. Đặc biệt, trong chăn nuôi cần phải chịu khó tìm tòi, tích lũy kiến thức và tích cực áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật thì mới đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Khác với anh Việt, ông Đoàn Xuân Dương, thôn Phú Ninh 3, xã Phú Đình (Định Hóa) lại lựa chọn mô hình chăn nuôi “con đặc sản” để phát triển kinh tế. Trước đây, gia đình ông Dương nhiều năm gắn bó với nghề nuôi lợn thịt nhưng do giá cả không ổn định, đàn lợn lại hay bị mắc dịch bệnh nên kinh tế gia đình rất bấp bênh. Trăn trở suy nghĩ tìm cách làm giàu, năm 2006, được Hội Nông dân đứng ra tín chấp, ông quyết định vay ngân hàng hơn 100 triệu đồng để đầu tư trang trại nuôi lợn rừng và hươu lấy nhung.
Do là mô hình nuôi “con đặc sản” đầu tiên ở địa phương nên thời gian đầu, ông phải tự mày mò, tìm hiểu cách thức chăm sóc qua sách vở, báo đài, rồi lặn lội đi khắp nơi để học tập kinh nghiệm từ các mô hình chăn nuôi ở địa phương khác. Nhờ tích cực học hỏi, tích lũy kiến thức và đầu tư chăn nuôi một cách khoa học, bài bản nên mô hình chăn nuôi “con đặc sản” của gia đình ông ngày càng phát huy hiệu quả kinh tế cao. Hiện nay, gia đình ông có hơn 12 con hươu và hơn 150 con lợn rừng. Thu nhập từ bán nhung hươu, thịt lợn rừng thương phẩm của gia đình ông mỗi năm đạt trên 300 triệu đồng.
Ngoài cung cấp nhung hươu và thịt lợn rừng ra thị trường, ông Dương còn nhân giống hươu và lợn rừng để cung cấp con giống cho các hộ nông dân trong và ngoài xã có nhu cầu. Từ nguồn con giông của gia đình ông Dương, hiện nay, trên địa bàn huyện Định Hóa đã xuất hiện hàng chục mô hình nuôi “con đặc sản” cho thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm. Cuối năm 2018, ông Dương đã cùng với 7 hộ gia đình nuôi “con đặc sản” ở địa phương thành lập Hợp tác xã Chăn nuôi và Sản xuất nông sản sạch Dương Hồng để hỗ trợ nhau trong phát triển chăn nuôi và tiêu thụ sản phẩm.
Trước thực trạng thực phẩm bẩn tràn lan như hiện nay, người tiêu dùng đang hướng tới lựa chọn loại thực phẩm sạch. Chính vì vậy, sản phẩm của HTX được nhiều thương lái, nhà hàng tìm đến tận nơi đặt mua song lượng cung không đủ cầu…
Trên đây chỉ là 2 trong số hàng trăm mô hình sản xuất, chăn nuôi cho hiệu quả kinh tế cao của hội viên nông dân trên địa bàn huyện miến núi Định Hóa. Có thế nói, chưa bao giờ, phong trào nông dân thi đua sản xuất - kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu trên địa bàn huyện lại diễn ra sôi nổi và có sức lan tỏa mạnh mẽ như hiện nay.
Từ phong trào này đã xuất hiện nhiều nông dân dám nghĩ, dám làm, mạnh dạn thử nghiệm các giống cây, con mới, góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; khai thác, phát huy tiềm năng, thế mạnh về đất đai, nguồn lao động trên địa bàn huyện. Ngày càng có nhiều nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi với những mô hình cho thu nhập từ 300 triệu đồng đến trên 1 tỷ đồng/năm. Bình quân hàng năm, huyện Định Hóa có trên 4.000 hộ gia đình đạt danh hiệu sản xuất - kinh doanh giỏi các cấp, tiêu biểu phải kể đến như: Gia đình anh Nguyễn Văn Hà, thôn Nà Trú, xã Linh Thông với mô hình trang trại tổng hợp vườn, ao, chuồng, rừng cho thu nhập gần 500 triệu đồng/năm; gia đình ông Vũ Văn Minh, xóm Thâm Bây, xã Đồng Thịnh với mô hình chăn nuôi lợn thịt siêu nạc khép kin cho thu nhập trên 400 triệu đồng/năm; gia đình bà Ma Thị Hằng, xóm Bản Đa, xã Kim Phượng với mô hình chăn nuôi tổng hợp cho thu nhập gần 1 tỷ đồng/năm; gia đình ông Nguyễn Minh Tuệ, ở xã Bộc Nhiêu với mô hình chế biến lâm sản và dịch vụ vận tải cho thu nhập trên 600 triệu đồng/năm…
Trong số những triệu phú nông dân kêt trên, mỗi người có một cách làm giàu riêng nhưng tựu chung lại, họ luôn nỗ lực vươn lên trong sản xuất, kinh doanh để làm giàu cho gia đình. Qua đó, góp phần làm thay đổi diện mạo đời sống ở nông thôn, đóng góp tích cực vào Chương trình Xây dựng nông thôn mới…
Nguyên Ngọc
- Kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm và các loại đặc sản
- Kỹ thuật trồng trọt cây ăn trái, rau màu và các loại cây lương thực, cây công nghiệp khác
Các tin mới:
Kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng và chế biến thủy hải sản
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.