Nguồn tin: Báo Đồng Nai, 24/12/2018
Ngày cập nhật:
26/12/2018
Sau cơn khủng hoảng thị trường thịt heo năm 2017, hàng loạt hộ chăn nuôi heo tại Đồng Nai “treo chuồng”. Khi giá heo tăng trở lại, nhiều hộ chăn nuôi nhỏ lẻ cũng không còn sức tái đàn, đầu tư mới. Hiện tại, nuôi heo trang trại đang chiếm gần 94% so với tổng đàn; nuôi gà trang trại chiếm trên 85% tổng đàn.
Chăn nuôi kết hợp với trồng trọt để tận dụng nguồn chất thải chăn nuôi làm phân bón cho cây trồng. (Ảnh minh họa)
* Mất dần chỗ đứng
Ông Huỳnh Tấn Chữ, nông dân xã Xuân Lập (TX.Long Khánh) bỏ vốn đầu tư chuồng trại quy mô vài chục con heo nái. Nhưng sau đợt heo hơi rớt giá vào cuối năm 2017, ông đã bán hết đàn heo. “Thời gian qua, giá heo tăng rất cao nhưng tôi vẫn không tái đàn. Do chăn nuôi nhỏ lẻ giờ không còn lợi thế cạnh tranh, rủi ro cũng lớn nên tôi tập trung nguồn vốn để cải tạo vườn chôm chôm già cỗi sang nhân rộng vườn bưởi da xanh và trồng bơ sáp” - ông Chữ nói.
Ông Nguyễn Kim Đoán, Phó chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai so sánh, hiện 1 con heo giống 20kg có giá khoảng 2,2 triệu đồng. Với những hộ nuôi nhỏ lẻ phải mua con giống về nuôi, sau khi trừ mọi chi phí, hao hụt thì dù giá heo hơi có trên 50 ngàn đồng/kg cũng chẳng còn mấy đồng lời, không thể cạnh tranh lại các trang trại lớn có giá thành nuôi thấp hơn rất nhiều.
Tuy nhiên nhiều hộ nuôi vẫn cố gắng bươn chải bám nghề vì đây là nguồn thu nhập chính của cả gia đình. Trong thực tế, chăn nuôi nhỏ lẻ nếu mất đi sẽ tạo ra vấn đề rất lớn về an sinh xã hội, vì đa số người chăn nuôi hiện đều ở tuổi trung niên rất khó chuyển đổi sang nghề nghiệp khác.
Các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ cũng đang nỗ lực thay đổi, chịu khó học hỏi về kinh nghiệm, kỹ thuật mới để tồn tại được trước sóng gió cạnh tranh. Theo đó vào chuỗi chăn nuôi an toàn, ký kết hợp đồng bao tiêu với doanh nghiệp đang là lối ra để chăn nuôi hộ gia đình không còn manh mún, có đầu ra ổn định hơn.
* Liên kết để tồn tại
Theo Ban Quản lý dự án Lifsap Đồng Nai, sau cơn khủng hoảng giá heo vào cuối năm 2017, 3 vùng GAHP (vùng thực hành sản xuất chăn nuôi tốt) của Đồng Nai chỉ còn 821 hộ chăn nuôi tham gia các tổ GAHP (giảm 374 hộ so với đầu năm 2017). Năm 2018 toàn tỉnh chỉ có 3 tổ hợp tác đủ điều kiện để được cấp chứng nhận VietGAHP, thấp hơn nhiều so với mọi năm. Trong đó, chỉ có 16/23 tổ hợp tác hết hạn VietGAHP đăng ký và được tái chứng nhận VietGAHP.
Tuy chuỗi liên kết nông hộ chăn nuôi heo đạt chứng nhận an toàn cũng gặp không ít khó khăn, thử thách nhưng nhiều hộ chăn nuôi vẫn cho đây là cơ hội để chăn nuôi nhỏ lẻ tồn tại được trong thời của chăn nuôi công nghiệp hiện nay.
Bà Nguyễn Thị Kim Cúc, Tổ trưởng Tổ hợp tác VietGAHP 01 Hưng Lộc (huyện Thống Nhất) chia sẻ, năm 2018 Dự án Lifsap tỉnh có chương trình hỗ trợ các tổ hợp tác về con giống heo hậu bị. Sự hỗ trợ kịp thời này giúp các tổ hợp tác khôi phục lại sản xuất sau giai đoạn khó khăn. “Đến cuối năm 2018, Dự án Lifsap sẽ kết thúc các chương trình hỗ trợ cho nông dân nhưng những chuỗi liên kết nuôi heo VietGAHP được doanh nghiệp ký hợp đồng bao tiêu đã chứng minh hiệu quả. Người chăn nuôi chúng tôi sẽ vẫn kiên trì giữ mô hình liên kết mua chung, bán chung để đủ điều kiện ký hợp đồng bao tiêu heo sạch cho các công ty cung cấp vào các hệ thống siêu thị” - bà Cúc nói.
Cùng quan điểm, ông Vũ Viết Đệ, Tổ trưởng Tổ hợp tác GAHP 01 trong Khu thí điểm chăn nuôi tập trung tỉnh Đồng Nai (LPZ) tại xã Gia Tân 2 (huyện Thống Nhất) cho biết: “Tổ hợp tác vừa hoàn chỉnh dây chuyền tự sản xuất cám với công suất 7-8 tấn/giờ do Dự án Lifsap tài trợ về vốn đầu tư. Với việc tự sản xuất được nguồn thức ăn trong chăn nuôi, chúng tôi sẽ giảm bớt được chi phí đầu vào”.
Theo ông Đệ, tham gia vào chuỗi liên kết, hộ chăn nuôi nhỏ lẻ sẽ tồn tại tốt vì cùng nhau phát triển chăn nuôi theo hướng chuyên nghiệp. Các tổ hợp tác VietGAHP là cầu nối để các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ dễ dàng tiếp cận kỹ thuật, công nghệ mới trong chăn nuôi cũng như liên kết được với doanh nghiệp trong khâu tiêu thụ.
Theo lãnh đạo các địa phương phát triển mạnh về chăn nuôi của Đồng Nai như: Thống Nhất, Xuân Lộc..., các tổ hợp tác GAHP đang thực hiện rất tốt việc truy xuất nguồn gốc heo khi cung cấp sản phẩm ra thị trường. Sản phẩm heo VietGAHP đã có doanh nghiệp ký hợp đồng bao tiêu với giá tốt hơn mức giá chung ngoài thị trường. Đây cũng là định hướng phát triển của các địa phương trong phát triển chăn nuôi nhỏ lẻ.
Bình Nguyên
- Kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm và các loại đặc sản
- Kỹ thuật trồng trọt cây ăn trái, rau màu và các loại cây lương thực, cây công nghiệp khác
Các tin mới:
Kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng và chế biến thủy hải sản
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.