• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Mô hình nuôi lợn bằng thảo dược - hướng đi mới trong phát triển chăn nuôi

Nguồn tin: Báo Thanh Hóa, 06/03/2018
Ngày cập nhật: 8/3/2018

Cửa hàng bán thịt lợn nuôi bằng thảo dược của tổ hợp tác chăn nuôi Vạn Hòa (Nông Cống).

Nhận thấy thị trường tiêu thụ lợn của người dân có phần bấp bênh, giá cả không ổn định, anh Nguyễn Văn Biên (cán bộ nông nghiệp xã Vạn Hòa, huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa) đã cùng một số hộ chăn nuôi trong xã thành lập tổ hợp tác chăn nuôi, cùng nhau tìm tòi, nghiên cứu chuyển hướng từ nuôi lợn truyền thống sang nuôi lợn bằng thức ăn phối trộn với thành phần thảo dược nhằm mang lại cho thị trường nguồn thực phẩm sạch, đảm bảo sức khỏe.

Đến thôn Đồng Lương, xã Vạn Hòa hỏi về mô hình nuôi lợn bằng thảo dược do anh Nguyễn Văn Biên cùng tổ hợp tác chăn nuôi quản lý thì không ai là không biết đến, bởi đây là mô hình đang được bà con trong xã quan tâm và đã có nhiều hộ gia đình làm theo. May mắn gặp được anh đang cùng các lao động chuẩn bị thức ăn cho đàn lợn, anh tươi cười chia sẻ cùng chúng tôi: “Là người gắn bó với bà con trong lĩnh vực nông nghiệp, tôi luôn suy nghĩ làm sao để có hướng đi bền vững. Sau một năm cùng tổ hợp tác chăn nuôi nghiên cứu, thử nghiệm, tôi nhận thấy để giúp cơ thể của lợn tăng sức đề kháng, miễn dịch với các loại dịch bệnh, đảm bảo cho thịt sạch thì nguồn thức ăn là vô cùng quan trọng”. Chuồng trại được xây dựng theo mô hình khép kín, được sửa chữa và đầu tư trang thiết bị, luôn được khử trùng hàng tuần và thoáng mát theo tiêu chuẩn VietGAHP. Để đảm bảo nguồn cung cấp giống lâu dài, có chất lượng tốt, không dịch bệnh, tổ hợp tác chăn nuôi đã ký hợp đồng với công ty cung cấp giống, thời gian từ con giống đến giai đoạn nuôi trong chuồng là 2 tháng. Con giống trước khi đưa vào sống cùng đàn được kiểm định nghiêm ngặt, tiêm phòng đầy đủ tránh lây lan dịch bệnh. Ngoài nguồn nước sạch được sử dụng để tắm và uống thì đàn lợn còn được uống nước trà xanh pha gừng, giúp giảm stress, làm cho thịt lợn mềm và ngon hơn. Anh Biên dẫn chúng tôi đến thăm khu chế biến, nơi đây có các loại máy để nghiền thức ăn, các dụng cụ để pha chế như cân, máng... đều được khử trùng, sắp xếp gọn gàng. Công thức trộn thức ăn dựa trên tiêu chí 3 không: Không sử dụng thức ăn công nghiệp, không sử dụng thuốc kháng sinh, không sử dụng chất kích thích tăng trọng. Về quy trình chăn nuôi, anh cho hay: “Trong giai đoạn đầu, từ lúc lợn cai sữa đến khi đạt trọng lượng 50 kg, chế độ ăn được duy trì như cách nuôi lợn thông thường, giai đoạn thứ 2 thì mới bắt đầu cho lợn ăn chế độ dinh dưỡng riêng do đây là giai đoạn lợn sinh trưởng nhanh, hấp thụ thức ăn để phát triển. Thức ăn được chế biến phối trộn gồm có đỗ tương, ngô, gạo lật, mật mía, bã bia cùng một số thảo dược như kim ngân, nghệ, tỏi... tất cả quy trình, tỷ lệ phối trộn đều theo một công thức nhất định. Theo anh Biên, thảo dược có tác dụng phòng chống bệnh dịch, kích thích tiêu hóa, kháng khuẩn cho lợn rất tốt, chất lượng thịt săn chắc, thơm ngon, giòn hơn và có màu đỏ tự nhiên, thịt càng luộc nước càng trong, có mùi vị đặc trưng. Để thịt lợn đạt chất lượng cao hơn, mỗi ngày đều có khoảng thời gian nhất định để đàn lợn tắm nắng và nghe nhạc thư giãn. Nhờ cách nuôi độc đáo này mà đàn lợn luôn khỏe mạnh, hồng hào và hầu như không bị dịch bệnh.

Sau giai đoạn thử nghiệm thành công, đàn lợn của tổ hợp tác chăn nuôi xã Vạn Hòa tăng dần số lượng, đến nay tổng đàn đã có gần 300 con. Thời gian nuôi từ 6 đến 8 tháng, lâu hơn cách nuôi thông thường từ 1 đến 2 tháng, nhưng đổi lại cho chất lượng thịt ngon hơn, trọng lượng vẫn đạt trung bình 100 kg/con. Thịt lợn được bán lẻ ra thị trường với giá trung bình từ 70 nghìn đến 90 nghìn/kg, cao hơn mức giá thịt lợn thường từ 5% đến 10%. Trung bình mỗi tháng, trừ chi phí thu lãi từ 4 triệu đến 6 triệu đồng/con. Không dừng lại ở đó, tổ hợp tác chăn nuôi còn truyền đạt kinh nghiệm, công thức thức ăn cho những hộ dân mạnh dạn đầu tư, áp dụng quy trình nuôi bằng thảo dược, giúp bà con có hướng chăn nuôi mới.

Khi sử dụng thức ăn thảo dược cho đàn lợn có hiệu quả, anh Nguyễn Văn Biên cùng tổ hợp tác chăn nuôi lại loay hoay với “bài toán” tìm đầu ra cho sản phẩm. Anh chia sẻ: “Ban đầu, khi tôi giới thiệu sản phẩm nhiều người còn nghi ngờ về chất lượng. Làm thế nào để đảm bảo là thịt sạch? Tổ hợp tác chăn nuôi đã mở 2 cửa hàng trên địa bàn xã để người dân có cơ hội biết đến và ăn thử để so sánh với loại thịt lợn thông thường. Đến nay, số lượng thịt lợn ở cả 2 cửa hàng đều được tiêu thụ hết trong ngày. Người này giới thiệu người kia, các thương lái ở các huyện lân cận cũng tìm đến mua và đặt hàng lâu dài”. Tuy nhiên, sản phẩm mới có mặt ở thị trường từ 2 đến 3 tháng, chưa có giấy chứng nhận về chất lượng sản phẩm nên người dân còn nhiều lo ngại, thị trường tiêu thụ chưa được mở rộng tại các siêu thị trên địa bàn tỉnh.

Khi cả xã hội chung tay nói không với thực phẩm bẩn, mô hình của tổ hợp tác chăn nuôi xã Vạn Hòa (Nông Cống) đã góp phần mang đến những bữa ăn chất lượng và an toàn cho người tiêu dùng, trở thành một điểm sáng, hướng đi mới trong ngành chăn nuôi của huyện.

Bài và ảnh: Lê Ngọc

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang