Nguồn tin: Báo Hà Giang, 09/03/2018
Ngày cập nhật:
12/3/2018
Gà xương đen (hay còn gọi là gà Mông hay gà Mèo) là giống gà địa phương đã được đồng bào dân tộc Mông tại 4 huyện vùng Cao nguyên đá (gồm Mèo Vạc, Đồng Văn, Yên Minh và Quản Bạ, tỉnh Hà Giang) nuôi dưỡng từ lâu đời. Đây là một giống gà có khả năng thích ứng tốt với các điều kiện khí hậu khắc nghiệt của địa phương (nhất là khả năng chống rét) và có khả năng chống chịu tốt với các loài dịch bệnh trên đàn gia cầm như bệnh tụ huyết trùng, bệnh Newcason, bệnh cúm gà (H5N1)… Ngoài ra, gà xương đen cũng là một mặt hàng thương phẩm mang lại nguồn thu nhập cao cho người nông dân 4 huyện vùng Cao nguyên đá Đồng Văn.
Giống gà xương đen cần được bảo tồn và phát triển tại Hà Giang
Thu nhập cao từ chăn nuôi gà xương đen
"Tôi rất phấn khởi khi đặc sản gà xương đen bản địa được bình chọn là 1 trong 157 sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu 2016. Đây là dịp để tôi quảng bá, giới thiệu đặc sản gà đen của cao nguyên đá Hà Giang đến nhiều người hơn nữa”. Đó là câu nói với đầy niềm tự hào của người nông dân dân tộc Nùng anh Trương Văn Quynh (SN 1988) vượt khó ngoạn mục trở thành tỷ phú trẻ tuổi nhất nhì xã Nghĩa Thuận (Quản Bạ).
Theo anh Quynh, nhắc đến giống gà xương đen của người Mông, mọi người xa gần đều biết về những ưu điểm của loại gà đặc sản này. Thế nhưng để phát triển chăn nuôi giống gà này thành quy mô hàng hóa ở vùng Cao nguyên đá thì khó lại càng thêm khó bởi điều kiện thời tiết khắc nghiệt. Bình thường, các hộ ở đây chỉ nuôi để phục vụ nhu cầu thực phẩm của gia đình.
Theo kinh nghiệm nuôi gà xương đen của anh Quynh, mỗi lứa, gà mẹ chỉ đẻ từ 10 – 12 quả trứng. Đẻ được quả trứng nào, anh Quynh gom cất cẩn thận rồi cho ấp. Khi gà con mới nở, để tránh tổn thất anh Quynh nuôi úm gà. Anh Quynh cho biết: giai đoạn này, sức đề kháng của gà còn yếu nên dễ mắc dịch bệnh. Gà con cần phải được sưởi ấm để cung cấp nhiệt, người nuôi có thể dùng bóng điện tuỳ theo số lượng gà con mà bố trí hệ thống sưởi cho hợp lý và hiệu quả. Bên cạnh đó, phải vệ sinh chuồng trại, dụng cụ chăn nuôi và tiêm phòng dịch bệnh đầy đủ cho đàn gà.
Hiện mỗi năm, anh Trương Văn Quynh nuôi khoảng 2.000 gà xương đen. Do chủ động được con giống; chi phí thức ăn mua cám, ngô, lúa thấp nên bình quân cứ mỗi lứa nuôi 500 con gà xương đen, anh Quynh xuất bán 1 tấn gà thương phẩm thu về gần 200 triệu đồng, trừ chi phí còn thu lãi hơn 150 triệu đồng/lứa nuôi, mỗi năm thu nhập trên dưới 800 triệu đồng nhờ chăn nuôi gà xương đen địa phương.
Vừa qua, mô hình nuôi gà xương đen vùng cao của anh Trương Văn Quynh được vinh dự chọn là 1 trong 157 sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu 2016 do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam bình chọn và tổ chức.
Ngoài mô hình của anh Quynh, ở huyện Quản Bạ cũng có khá nhiều hộ gia đình nuôi gà xương đen. Nổi bật là hộ chị Lý Thị Chấu, dân tộc Mông, thôn Nặm Đăm, xã Quản Bạ. Chị Lý Thị Chấu cho biết: Từ đầu năm 2015, tôi mua 50 con gà xương đen giống về nuôi, sau hơn 10 tháng đàn gà phát triển lên trên 200 con, khi gà lớn, tôi bán đi 140 con, còn lại được để lại làm giống. Trọng lượng của gà trưởng thành trung bình đạt từ 1,5 - 1,7 kg/con, cá biệt có con đạt trọng lượng từ 2,5 - 3kg/con. Từ đầu năm 2016 đến nay, thu nhập từ nuôi gà xương đen của gia đình tôi đạt khoảng 80 triệu đồng sau khi đã trừ các khoản chi phí đầu tư.
Bảo tồn và phát triển giống gà xương đen
Gà xương đen ngoài là đặc sản quý, các món ăn làm từ giống gà này dù đơn giản hay phức tạp cũng có sự hấp dẫn lạ kỳ bởi phẩm chất thịt, hương vị tự nhiên đặc trưng không lẫn với bất kỳ giống gà nào khác. Nhưng hơn cả giá trị ẩm thực, gà xương đen còn là một vị thuốc quý, là nguyên liệu cho nhiều vị thuốc.
Đặc biệt, gà xương đen có hàm lượng axit glutamic cao vượt trội so với các loại gà khác như gà ri và gà ác nên gà có vị ngọt đậm đà. Về mặt dinh dưỡng, gà xương đen có giá trị gấp nhiều lần so với các loại gà khác, vì thế người dân thường mua loại gà này về tần thuốc bắc, dành để tẩm bổ cho người suy dinh dưỡng.
Từ thực tiễn đó, tỉnh Hà Giang đã chỉ đạo Trung tâm Giống Cây trồng và Gia súc Phó Bảng (Đồng Văn) đẩy mạnh công tác phục hồi và phát triển giống gà xương đen quý hiếm của địa phương, nhằm bảo tồn và phát triển giống gà xương đen trước nguy cơ bị tuyệt chủng và tạo nguồn giống giúp đồng bào các dân tộc thiểu số nói chung và đồng bào dân tộc Mông nói riêng đẩy mạnh phát triển chăn nuôi góp phần nâng cao thu nhập, xóa đói giảm nghèo.
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Quản Bạ, Hạng Dương Thành, huyện đang tiếp tục vận động người dân nuôi và nhân giống rộng loại gà xương đen này vì đây là giống gà chất lượng cao hiện đang được người tiêu dùng và khách ưa chuộng. Qua đó, giúp cho người nông dân đổi mới suy nghĩ, cách làm, xây dựng thêm nhiều mô hình hiệu quả.
Bảo tồn, phát huy những tiềm năng của giống vật nuôi bản địa để phát triển thành hàng hóa sẽ góp phần nâng cao thu nhập cho đồng bào dân tộc thiểu số. Để thực hiện được điều đó rất cần sự hỗ trợ của Nhà nước, đặc biệt là nguồn vốn và vấn đề chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật cho người dân trong chăn nuôi. Từ đó sẽ tạo tiền đề để người dân vùng cao tăng thêm thu nhập, góp phần xóa đói giảm nghèo.
Hoàng Cừ (TTXVN tại Hà Giang)
- Kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm và các loại đặc sản
- Kỹ thuật trồng trọt cây ăn trái, rau màu và các loại cây lương thực, cây công nghiệp khác
Các tin mới:
Kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng và chế biến thủy hải sản
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.