Nguồn tin: Báo Lâm Đồng, 12/03/2018
Ngày cập nhật:
13/3/2018
Phong trào nuôi heo VietGAHP để cung ứng ra thị trường những sản phẩm thịt sạch đang là hướng đi mới cho nhiều hộ chăn nuôi ở Lâm Hà (Lâm Đồng).
Tham gia vào THT chăn nuôi heo VietGAHP đem lại hiệu quả kinh tế cho gia đình bà Nguyễn Thị Hoạt. Ảnh: H.Y
Khi tham gia tổ hợp tác (THT) chăn nuôi heo VietGAHP, các hộ nông dân đảm bảo nghiêm ngặt quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm, từ khâu chuẩn bị thức ăn, chuồng trại, chăm sóc để tạo ra sản phẩm thịt ngon, sạch cho thị trường. Gia đình bà Nguyễn Thị Hoạt, Tổ dân phố Từ Liêm 2, thị trấn Nam Ban nuôi heo từ cách đây hơn 30 năm, nhưng bắt đầu từ năm 2011 bà và một số bà con quanh vùng chuyển hướng đầu tư chuồng trại tạo thành các nhóm chăn nuôi heo VietGAHP. Bà Hoạt đầu tư xây dựng chuồng trại có máng ăn, hệ thống tắm heo tự động, hầm biogas, đặc biệt là dàn âm thanh cho heo nghe nhạc.
Chúng tôi không khỏi ngạc nhiên khi thấy bà Hoạt làm công việc thay cho cán bộ thú y là chăm sóc đàn heo của mình. Tay vừa cầm cuốn sổ ghi ghi, chép chép, bà Hoạt vừa giải thích: “Mấy em thấy lạ, nhưng những thành viên trong nhóm GAHP như tôi ai cũng phải làm công việc này. Heo giống thả ngày nào, thả giống gì, mình đã tiêm vắc-xin gì, ăn uống ra sao... đều phải ghi chép lại đầy đủ. Chúng tôi nuôi heo theo quy trình VietGAHP, nên những công việc này phải làm đầy đủ”.
Theo nhu cầu của thị trường, đến tháng 10/2016, các nhóm GAP Từ Liêm 2 đã thành lập THT chăn nuôi heo VietGAHP. Theo đánh giá của bà Hoạt, đầu tư sản xuất heo theo hướng VietGAHP cho lợi nhuận cao gấp nhiều lần so với việc nuôi heo truyền thống, nhưng để thành công người nuôi phải có kỹ thuật tốt, đặc biệt phải tuân thủ khắt khe các quy tắc phòng bệnh.
Hiện nay, đàn heo của gia đình bà có 10 con nái, 100 heo con và heo thịt. Bà cho biết, từ nuôi heo bình thường chuyển sang nuôi heo VietGAHP ban đầu gặp không ít khó khăn, cần phải ghi chép vào sổ theo dõi hàng ngày và đảm bảo tuân thủ các quy định vệ sinh chuồng trại, kiểm soát dịch bệnh; việc người ra vào chuồng phải khử trùng sạch sẽ để tránh làm ảnh hưởng đến sức khỏe của heo.
Khi tham gia THT chăn nuôi heo VietGAHP, THT được WB hỗ trợ 50 nghìn USD cho các hạng mục giống heo nái mới được nhập từ Đan Mạch cho năng suất cao, bồn chứa nước inox cung cấp nước sạch, máy bơm phun cao áp tiêu độc khử trùng; ngoài ra còn chi phí tham quan, học tập, đào tạo, tập huấn, kết nối và mua bán sản phẩm…
Mục tiêu hỗ trợ nguồn vốn WB nhằm mở rộng quy mô nông hộ chăn nuôi heo VietGAHP thông qua mô hình THT liên kết chuỗi sản phẩm ổn định, lâu dài.
Người chăn nuôi heo theo hướng VietGAHP phải đảm bảo được 3 tiêu chí, đó là an toàn dịch bệnh, không có tồn dư lượng kháng sinh trong heo vượt mức cho phép và đảm bảo không đưa heo bệnh ra ngoài thị trường.
Ông Hoàng Thanh Duy, cán bộ khuyến nông thị trấn Nam Ban, thực hiện chương trình dự án cạnh tranh ngành chăn nuôi và an toàn thực phẩm cho biết, giai đoạn 1 (từ 2011 - 2015) người dân chủ yếu được hỗ trợ trang thiết bị, xây dựng chuồng trại, các công trình xử lý chất thải trong chăn nuôi; giai đoạn 2 (từ 2015 - 2018) tập trung thành lập THT chăn nuôi VietGAHP. THT Từ Liêm 2 gồm 10 thành viên là một trong 4 THT chăn nuôi heo VietGAHP của thị trấn Nam Ban. Khi tham gia chăn nuôi heo sạch, nông dân được tiếp cận khoa học kỹ thuật, từ đó nhận thức của bà con trong vấn đề chăn nuôi sạch được nâng cao, nhất là sau khi tham dự tập huấn đã hiểu và nắm vững quy trình thực hành chăn nuôi heo an toàn, từ đó cải thiện điều kiện chăn nuôi và thay đổi tập quán chăn nuôi, các chỉ số chăn nuôi của các hộ áp dụng theo quy trình VietGAHP được cải thiện rõ rệt, không còn dịch bệnh lớn trên địa bàn xảy ra.
Chăn nuôi heo VietGAHP là hướng đi trong tương lai. Bà Hoạt cho biết, khi tham gia THT cái lớn nhất là được THT liên hệ được với các công ty thức ăn chăn nuôi ký hợp đồng chính thức; tìm hiểu và chọn hợp tác với đại lý cung cấp thuốc và dịch vụ thú y; công ty cung cấp giống heo nái tốt, lắp đặt hầm biogas; tổ chức họp định kỳ vào ngày 20 hàng tháng để công khai tài chính và bàn kế hoạch tháng tiếp theo, đồng thời chia sẻ thông tin thị trường, kinh nghiệm chăn nuôi giữa các thành viên. Nhìn chung trong thời gian từ khi thành lập đến nay, Ban điều hành đã hướng các thành viên chủ yếu tiếp cận các chủ trương, chính sách của Nhà nước về thành lập và hoạt động của THT, định hướng của Ban QLDA Lifsap Lâm Đồng trong các hoạt động dùng chung của THT, tầm quan trọng của việc cần thiết phải tham gia vào chuỗi liên kết của ngành chăn nuôi.
Tuy nhiên, khó khăn nhất của người chăn nuôi bây giờ là vấn đề đầu ra cho sản phẩm sạch của mình. Heo sạch của mình có thương hiệu hẳn hoi nhưng lại bị đánh đồng với những sản phẩm trôi nổi trên thị trường. Người dân thì mạnh ai nấy bán, đấy là điều đáng buồn nhất của người chăn nuôi. Thời điểm giá heo giảm sâu gây khó khăn cho người chăn nuôi, đặc biệt là nuôi heo VietGAHP.
HOÀNG YÊN
- Kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm và các loại đặc sản
- Kỹ thuật trồng trọt cây ăn trái, rau màu và các loại cây lương thực, cây công nghiệp khác
Các tin mới:
Kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng và chế biến thủy hải sản
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.