Nguồn tin: Báo Hậu Giang, 13/03/2018
Ngày cập nhật:
15/3/2018
Nhằm ngăn chặn và kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh trên gia súc, gia cầm, Hậu Giang đã phát động Tháng vệ sinh tiêu độc khử trùng môi trường đợt 1-2018 ngay từ đầu năm. Trong bối cảnh ngành chăn nuôi tỉnh đang gồng gánh thiệt hại do biến động về giá gia súc, việc phòng bệnh trên diện rộng được triển khai sẽ giúp người chăn nuôi giảm thiểu rủi ro.
Các địa phương đang tích cực triển khai Tháng vệ sinh tiêu độc khử trùng môi trường đợt 1-2018.
Chăn nuôi ảm đạm
Đã hơn 1 năm giá heo hơi trên thị trường xuống thấp, người nuôi cũng trượt dần đến mốc thua lỗ. Hiện nay, giá heo hơi được thương lái thu mua vẫn ở mức 28.000-29.000 đồng/kg, tương đương với mức giá trước đây và trong đợt Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018. Chán nản trước đợt biến động giá nên một bộ phận người nuôi chỉ giữ đàn với số lượng ít, hạ giá thành chăn nuôi bằng cách cho ăn phụ phẩm, cám thay cho thức ăn. Theo ngành chức năng, dù giá heo hơi giảm, nhưng người dân phải lưu ý chăm sóc nuôi dưỡng cẩn thận, cảnh giác với dịch bệnh nhằm hạn chế rủi ro tiếp tục tác động xấu về giá.
Trước đây, ông Nguyễn Văn Hùng, ở ấp 5, thị trấn Nàng Mau, huyện Vị Thủy, bỏ công nuôi hàng trăm con heo. Nhưng chán nản với giá cả thị trường và thiệt hại do dịch bệnh, ông đã “treo chuồng” không còn ý định tái đàn trong tương lai. “Sau trận thua lỗ hàng trăm triệu đồng, tôi bỏ trống chuồng chứ không muốn nuôi con nào nữa. Giá heo cứ trầm lắng hơn một năm rồi, trong khi đó giá thức ăn gia súc thì cao vút nên người nuôi khó duy trì. Hậu quả của chuyện cung vượt cầu là vậy! Trong xóm này, hồi trước nhà nào cũng có nuôi vài con, bây giờ thì hiếm lắm. Người nuôi quy mô thì chọn lọc giống, dần giảm thiểu đàn heo. Hộ nuôi nhỏ lẻ cầm cự dần đợi giá heo hơi tăng, nhưng rồi cũng bỏ chuồng hoặc chuyển sang nuôi các loài vật khác cho giá trị kinh tế khá hơn”, ông Hùng buồn bã nói.
Trái với giá heo hơi, giá gia cầm hiện vẫn ổn định và hút hàng. Hiện gà thả vườn được thương lái mua ở mức 80.000-85.000 đồng/kg, vịt giữ mức 55.000 đồng/kg. Các mặt hàng này được tiểu thương đánh giá khá hút sau tết. “Gà, vịt, ngỗng tôi nuôi tổng cộng gần 200 con, nhưng hồi tết tới giờ hút hàng lắm. Tiểu thương ngoài chợ Nàng Mau gọi đặt mà tôi không cung kịp. So với năm trước thì giá gà vườn năm nay tăng hơn khoảng 10.000 đồng/kg. Vừa được giá, lại hút hàng”, ông Hùng cho biết.
Theo thống kê của ngành chức năng, hiện toàn tỉnh có khoảng 149.000 con heo, tổng đàn gia cầm trên 4 triệu con. Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh đã chỉ đạo trạm chăn nuôi và thú y các huyện, thị xã, thành phố điều tra, rà soát, nắm chắc đàn gia súc, gia cầm mới phát sinh nhằm đánh giá tình hình biến động làm cơ sở cho công tác chuẩn bị vắc-xin tiêm phòng và giám sát dịch bệnh, hỗ trợ tốt cho người chăn nuôi.
Cao điểm phòng bệnh
Giai đoạn trước và sau Tết Nguyên đán, điều kiện thời tiết thay đổi thường gây ảnh hưởng đến sức đề kháng trên gia súc, gia cầm. Lúc này, trên các cánh đồng thu hoạch sớm vụ lúa Đông xuân, những đàn vịt chạy đồng di trú từ nơi khác đổ về cũng tiềm ẩn nguy cơ mang mầm bệnh. Do đó, để ngăn ngừa dịch bệnh phát sinh và lây lan, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh đã có kế hoạch thực hiện Tháng vệ sinh tiêu độc khử trùng môi trường đợt 1 năm 2018, thời gian triển khai từ ngày 1 đến 31-3. Tại các huyện, thị xã, thành phố, ngành chuyên môn đang tích cực thực hiện công tác tiêu độc khử trùng.
Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Vị Thủy cũng đang tổ chức phun hóa chất khử trùng khu vực chăn nuôi của hộ dân, khu vực mua bán, giết mổ gia súc, gia cầm ở các chợ… Ông Nguyễn Hùng Vỹ, Trưởng trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Vị Thủy, cho biết: “Điểm thuận lợi trong triển khai Tháng vệ sinh tiêu độc khử trùng môi trường đợt 1 năm 2018 là vật tư đã có chuẩn bị sẵn. Khi tỉnh triển khai là chúng tôi ra quân phối hợp với các địa phương liền. Hơn nữa, đang là mùa nắng nên công tác phun xịt tiến hành rất thuận lợi, phát huy hiệu quả tối đa”.
Còn tại huyện Long Mỹ, ông Phạm Văn Chính, Phó trạm Chăn nuôi và Thú y huyện cho biết ngành chuyên môn địa phương đã bố trí nhân lực phối hợp với các xã đến hộ chăn nuôi phun xịt. Bên cạnh đó, trạm cũng lưu ý ở các địa bàn giáp ranh để phun khử trùng, không bỏ sót hộ nuôi gia súc, gia cầm. Đồng thời, đang tranh thủ điều kiện thời tiết thuận lợi để tổ chức phun khử trùng đạt hiệu quả cao nhất.
Thời gian còn lại của Tháng vệ sinh tiêu độc khử trùng môi trường đợt 1 này thì các đội vệ sinh và phun hóa chất sẽ tiến hành phun định kỳ mỗi tuần 1 lần, liên tục suốt 4 tuần đối với khu vực chăn nuôi gia súc, gia cầm quy mô nhỏ lẻ. Thực hiện tiêu độc khử trùng hàng ngày ở các chợ, khu vực buôn bán gia súc, gia cầm… Riêng các cơ sở chăn nuôi tập trung, cơ sở ấp, kinh doanh trứng gia cầm, chủ cơ sở sẽ trang bị phun xịt dưới sự giám sát của ngành chuyên môn và địa phương. Theo khuyến cáo của ngành chăn nuôi, bên cạnh triển khai hoạt động tiêu độc khử trùng môi trường lần này, người chăn nuôi cần theo dõi lịch tiêm phòng thường xuyên để tiêm bổ sung đúng lúc, giúp đạt hiệu quả miễn dịch cao nhất cho vật nuôi.
Bài, ảnh: KỲ ANH
- Kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm và các loại đặc sản
- Kỹ thuật trồng trọt cây ăn trái, rau màu và các loại cây lương thực, cây công nghiệp khác
Các tin mới:
Kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng và chế biến thủy hải sản
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.