Nguồn tin: Báo Lâm Đồng, 14/03/2018
Ngày cập nhật:
15/3/2018
Liên tiếp 10 ngày này, nhiều người dân ở Thôn 1A (xã Triệu Hải, huyện Đạ Tẻh, tỉnh Lâm Đồng) đã thay nhau túc trực ngày đêm để “gác cửa” không cho xe chở cám ra vào trên tuyến đường dẫn vào trại heo. Hành động này nhằm phản đối trại heo gây ô nhiễm cho khu dân cư xung quanh. Dù chính quyền địa phương đã tổ chức đối thoại và vận động nhiều lần nhưng người dân vẫn không đồng ý, kiên quyết chăn đường với yêu cầu phải chuyển ngay đàn heo ra khỏi trại.
Hồ xả thải chỉ có bạt phủ phía trên, bên dưới hoàn toàn để trống
Hồ xả thải “bủa vây”
Trại heo nói trên là của Công ty TNHH Lê Đức Tiến (chi nhánh Lâm Đồng) với quy mô 10.000 con heo hậu bị. Khu đất xây dựng chuồng trại được Công ty mua lại của người dân tại Thôn 1 A từ năm 2015 để làm trại chăn nuôi heo. Chiều 12/3, có mặt tại khu vực trại heo, vẫn còn rất đông người dân tập trung để ngăn chặn không cho xe chở cám vào trang trại.
Ông Trần Hải Lâm, Trưởng Thôn 1A (xã Triệu Hải) cho biết: Trước đây, người dân đã từng phản đối vì trang trại xả thải ra môi trường, gây mùi hôi nồng nặc cho khu dân cư xung quanh. Sau đó, cơ quan chức năng có vào cuộc thì tình trạng có được cải thiện một thời gian nhưng đến nay thì lại tiếp diễn. Sở dĩ người dân phản ứng bằng cách gác chặn không cho xe vào là để yêu cầu công ty phải khắc phục tình trạng ô nhiễm, khi nào môi trường được đảm bảo thì mới tiếp tục nuôi. Cũng theo lời ông Lâm, có gần 50 hộ dân trong thôn nằm trong phạm vi ảnh hưởng bởi mùi hôi của trang trại; trong đó, có một vài hộ dân ở cách trại chỉ chỉ trên dưới 100 m. Mỗi ngày, khi trang trại dọn chuồng thì hệ thống quạt gió đẩy mùi hôi nồng nặc ra khu dân cư. Không chỉ vậy, hệ thống hồ xả thải không chỉ bủa vây trong diện tích đất của trang trại mà ngay bên ngoài cũng có hồ chứa nước thải.
Đi một vòng quanh trang trại, dù có tường bao quanh nhưng vẫn có thể nhìn thấy có rất nhiều hồ chứa nước thải với màu nước đen kịt nằm quanh các trại chăn nuôi. Hệ thống quạt gió công suất lớn vẫn hoạt động đẩy không khí kèm mùi hôi từ trại chăn nuôi ra ngoài. Theo lời người dân, mấy ngày nay mùi hôi có giảm nhiều nhưng đi quanh trang trại vẫn nghe mùi.
Theo chân vị trưởng thôn Trần Hải Lâm, ông chỉ các hồ xả thải trong trang trại và một số vị trí nghi ngờ công ty xả thải ra bên ngoài. Theo ông Lâm, đã có 2 hộ dân có diện tích đất trồng lúa nằm sát trang trại nay đã không thể canh tác do ảnh hưởng của nước xả thải từ trang trại ngấm ra ngoài. Ở phía góc cuối của trang trại, một hồ chứa nước thải dù vẫn đang có nước chảy vào nhưng chỉ có lớp vải bạt phủ phía trên thành hồ, còn đáy hồ hoàn toàn không có. Bên ngoài phía cổng phụ của trang trại, hai hồ chứa mà theo người dân là của Công ty dùng để chứa nước thải trước đây. Nay dù không thải ra nữa nhưng nước hồ vẫn đen kịt.
Một vị trí trang trại xả thải ra bên ngoài bị người dân phát hiện
Từng bị xử phạt
Ông Trần Hải Lâm cho biết bản thân ông đã từng tham gia cùng cơ quan chức năng lấy mẫu kiểm nghiệm rất nhiều lần nhưng chưa lần nào người dân được thông báo về kết quả kiểm nghiệm. Trong khi đó, theo ông Bùi Văn Hùng, Chủ tịch UBND huyện Đạ Tẻh, vào giữa năm 2015, khi nhận được phản ánh của người dân về tình trạng xả thải gây ô nhiễm môi trường, huyện đã đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo Sở Tài nguyên - Môi trường xuống kiểm tra và phát hiện có vi phạm. Sau đó, ngày 25/8/2015, UBND tỉnh đã có quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty Lê Đức Tiến. Tổng số tiền mà Công ty phải nộp phạt là hơn 180 triệu đồng cho các hành vi vi phạm gồm: xả nước thải vào môi trường vượt quy chuẩn kỹ thuật từ 10 lần trở lên, thải mùi hôi vào môi trường…
Cùng với phạt tiền thì Công ty Lê Đức Tiến còn bị buộc phải khắc phục tình trạng ô nhiễm bằng cách cải thiện chất lượng đất, nước do thải nước thải gây ô nhiễm. Đến tháng 12/2015, UBND tỉnh Lâm Đồng tiếp tục có văn bản yêu cầu Công ty ngừng các hoạt động chăn nuôi gây ô nhiễm trong thời hạn 60 ngày và thực hiện đầy đủ các công trình, biện pháp bảo vệ môi trường đã cam kết, chỉ được hoạt động trở lại khi Sở Tài nguyên - Môi trường kiểm tra, xác nhận đủ điều kiện. Đến tháng 4/2016, trang trại chăn nuôi của Công ty Lê Đức Tiến mới được UBND tỉnh Lâm Đồng đồng ý cho hoạt động trở lại với công suất 50% (5.000 con heo hậu bị) trong thời gian 6 tháng để vận hành thử nghiệm hệ thống xử lý nước thải tập trung. Sau thời gian này, Công ty đã được Sở Tài nguyên - Môi trường kiểm tra, xác nhận đảm bảo hoàn thành công trình bảo vệ môi trường và chính thức hoạt động trở lại.
Hồ chứa nước thải trước đây của Công ty nằm bên ngoài trang trại
Về hành động chặn đường của người dân, ông Bùi Văn Hùng cho biết dân bức xúc là có cơ sở nhưng cách tập trung đông người, cản trở phương tiện lưu thông là hành vi vi phạm pháp luật. Huyện, xã và các ngành chức năng đã tích cực vận động bà con ngừng việc cản trở xe chở cám ra vào và yêu cầu lãnh đạo Công ty đối thoại với dân. Tuy nhiên, phía Công ty chỉ cử người đại diện không có tiếng nói và không có thẩm quyền giải quyết nên người dân không đồng ý và buổi đối thoại không thành. Về phía huyện cũng đã thuê đơn vị độc lập là Phân viện Hạt nhân Đà Lạt để lấy mẫu quan trắc để đánh giá các thông số về môi trường. Tuy nhiên, việc này vẫn chưa thực hiện được do dân còn tập trung nên phía trang trại không xả thải, không thể lấy mẫu chính xác. Hiện, huyện đã cử các cơ quan tư vấn pháp luật đến gặp gỡ, đối thoại với người dân để phân tích đúng sai, yêu cầu người dân giải tán để cơ quan chức năng vào cuộc, nếu có vi phạm thì sẽ kiên quyết xử lý.
ĐÔNG ANH
- Kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm và các loại đặc sản
- Kỹ thuật trồng trọt cây ăn trái, rau màu và các loại cây lương thực, cây công nghiệp khác
Các tin mới:
Kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng và chế biến thủy hải sản
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.