Nguồn tin: Báo Ninh Bình, 15/03/2018
Ngày cập nhật:
17/3/2018
Thời điểm này, các hộ chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Ninh Bình tập trung cho công tác vệ sinh chuồng trại, tìm mua con giống để tái đàn trở lại. Tuy nhiên, do những biến động của giá thịt lợn hơi từ năm 2017 nên nhiều hộ dân còn đang lưỡng lự trong việc tái đàn, nhiều hộ đã chủ động giảm đàn hoặc tìm các giống vật nuôi khác.
Mô hình nuôi gà tại xã Gia Hoà (Gia Viễn). Ảnh: Đức Lam
Giá thịt lợn hơi bắt đầu giảm mạnh từ những tháng cuối năm 2016 và tăng nhẹ trở lại từ giữa năm 2017. Tình hình giá cả thịt lợn biến động lên xuống thất thường khiến người chăn nuôi trên địa bàn tỉnh gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là đối với các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ. Do chưa hiểu rõ được nhu cầu của thị trường, nhiều hộ chăn nuôi ồ ạt tăng đàn dẫn đến nguồn cung dư thừa, lượng lợn tồn đọng lớn.
Trong khi đó, giá thức ăn chăn nuôi, giá lợn giống không giảm, dẫn đến tình trạng nhiều hộ chăn nuôi bị thua lỗ. Gia đình anh Vũ Văn Hy, xã Kim Mỹ (Kim Sơn) hiện nay chỉ còn 60 con lợn nái. Đã có lúc đàn lợn của gia đình anh Hy phát triển với gần 200 nái, song khi giá lợn biến động thất thường đã khiến quy mô đàn lợn ngày càng suy giảm.
Đến nay, anh Hy chỉ giữ lại nuôi dưỡng 60 con lợn nái để tiếp tục sinh sản rồi đem bán lợn con để làm giống. Anh Hy cho biết: Gia đình tôi chỉ cố gắng duy trì tổng đàn hiện có, tập trung làm tốt công tác vệ sinh chuồng trại, chủ động nguồn thức ăn, tiêm vắc xin phòng bệnh... để nâng cao chất lượng.
Trước đây, giá lợn con trọng lượng 8kg là 700 nghìn đồng, song hiện tại lợn con phải đạt 10kg mới được giá đó. Chúng tôi cũng rất mong Nhà nước có thêm những chính sách ưu đãi, hỗ trợ các hộ chăn nuôi như ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm để bà con yên tâm sản xuất.
Gia đình ông Trịnh Duy Tân, xã Kim Mỹ cũng là một trong những hộ có đàn lợn khá lớn trong vùng. Đối mặt với cơn khủng hoảng về giá cả của đàn lợn, ông Tân chọn giải pháp vừa giảm đàn lợn, vừa chọn nuôi thêm gia cầm như ngan, gà để tăng gia sản xuất, lại tận dụng được diện tích chuồng trại đã xây dựng kiên cố.
Ông Tân cho biết: Năm 2017, gia đình có trên 200 con lợn nái nhưng hiện nay tôi chỉ giữ lại 70 con lợn nái. Diện tích chuồng trại dư thừa, tôi cải tạo để nuôi 200 con ngan và hơn 100 con gà. Tuy giá lợn hơi đã tăng, song tôi vẫn đang chờ xem giá cả cũng như nhu cầu của thị trường rồi mới tính đến phương án chăn nuôi tiếp theo.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, giá lợn hơi có xu hướng tăng từ tháng 12/2017. Hiện nay, giá lái buôn thu mua tại các hộ chăn nuôi dao động từ 33.000-35.000 đồng/kg hơi. Tuy nhiên với mức giá bán này thì đa số các hộ chăn nuôi vẫn đang dè dặt, lưỡng lự tái đàn.
Trước tình hình này, các cơ quan chức năng cũng khuyến cáo các hộ chăn nuôi, trước mắt cần tập trung vào công tác chăm sóc đàn vật nuôi và vệ sinh chuồng trại.
Ông Triệu Văn Giang, Trưởng phòng Quản lý giống và kỹ thuật chăn nuôi (Chi cục Chăn nuôi và Thú y) cho biết: Người dân cần duy trì đàn giống bố mẹ để bảo đảm đủ cung cấp nguồn con giống phục vụ nhu cầu tái đàn của các hộ dân khi thị trường ấm trở lại.
Đồng thời, cũng khuyến cáo người chăn nuôi đầu tư số lượng tổng đàn phù hợp với điều kiện kinh tế, tránh tái đàn ồ ạt và đặc biệt không chủ quan với các loại dịch bệnh để bảo toàn tốt nhất đàn vật nuôi.
Nghiêm túc thực hiện việc tiêm phòng các loại vắc xin cho đàn gia súc, gia cầm đợt I năm 2018 nhằm tạo miễn dịch chủ động phòng, chống các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Đối với các hộ chăn nuôi cần tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin; đồng thời tiến hành vệ sinh tiêu độc, khử trùng chuồng trại, kiểm soát chất lượng con giống đầu vào.
Thực hiện chức năng và nhiệm vụ được giao, thời gian qua, Chi cục đã tập trung chú trọng công tác giám sát dịch bệnh, đảm bảo an toàn dịch bệnh trên đàn vật nuôi, ngăn chặn dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm phát sinh trên địa bàn tỉnh.
Với những khó khăn mà người chăn nuôi gặp phải trong những năm vừa qua, việc người dân chưa vội vàng tái đàn gia súc, gia cầm sau Tết là một việc làm cẩn trọng và đúng đắn. Thiết nghĩ, để tháo gỡ những khó khăn do sự biến động về giá cả gia súc, gia cầm, rất cần phát triển thêm nhiều mô hình chăn nuôi gia trại, trang trại theo hình thức liên kết bao tiêu đầu ra với doanh nghiệp. Điều đó sẽ giúp người chăn nuôi yên tâm sản xuất, mặt khác sẽ góp phần nâng cao chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm, tránh các trường hợp sử dụng chất cấm, kháng sinh quá liều lượng trong chăn nuôi.
Thái Học
- Kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm và các loại đặc sản
- Kỹ thuật trồng trọt cây ăn trái, rau màu và các loại cây lương thực, cây công nghiệp khác
Các tin mới:
Kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng và chế biến thủy hải sản
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.