Nguồn tin: Báo Hải Phòng, 15/03/2018
Ngày cập nhật:
19/3/2018
2 tháng đầu năm 2018, các hộ chăn nuôi tiếp tục tái đàn gia súc và gia cầm. Theo tổng hợp của các địa phương, số lượng tái đàn giảm 20% -30% so với những năm trước. Để bảo đảm hiệu quả, chất lượng chăn nuôi trong năm nay, bà con cần cẩn trọng hơn.
Chăm sóc lợn mới tái đàn ở xã Quang Phục (huyện Tiên Lãng).
Dè dặt tái đàn
Theo Phòng Chăn nuôi (Chi cục Chăn nuôi - Thú y Hải Phòng), sau Tết Nguyên đán Mậu Tuất, các hộ chăn nuôi tranh thủ thời tiết thuận lợi khẩn trương tái đàn gia súc và gia cầm. Tại các địa phương có phong trào chăn nuôi trước đây phát triển mạnh như: Tiên Lãng, Vĩnh Bảo, Kiến Thụy, An Dương, nông dân dè dặt tái đàn với số lượng giảm khoảng 10% - 30% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, lợn tái đàn giảm mạnh, giảm 20%- 30% so với cùng kỳ năm trước, đàn gia cầm giảm hơn 10%. Cá biệt, một số hộ chăn nuôi nhỏ, lẻ sau Tết ngừng tái đàn một thời gian để nghe ngóng tình hình thị trường. Ông Nguyễn Văn Tiệp ở xã Hợp Thành (huyện Thủy Nguyên) cho biết, dịp sau Tết, gia đình chỉ nuôi 200 con ngan, giảm gần 100 con so với dịp trước Tết. Tuy nhiên do điều kiện chăn nuôi không thuận nên một số ngan chết rải rác, đến nay, tổng đàn ngan chỉ còn hơn 150 con. Do điều kiện kinh phí eo hẹp nên gia đình không tiếp tục tái đàn thêm.
Nguyên nhân khiến tái đàn trong chăn nuôi ở các địa phương giảm đáng kể là giá sản phẩm chăn nuôi ở mức thấp, trong khi chi phí đầu vào cao. Ông Nguyễn Văn Thịnh ở thôn Kinh Lương xã Cấp Tiến (huyện Tiên Lãng) cho biết, đầu năm 2018, trang trại của ông tái đàn 4000 con gà ri lai, chi phí tăng hơn trước, vì giá cám tăng, cùng chi phí vắc-xin, thuốc phòng, chống dịch bệnh…mỗi tháng khoảng 70-80 triệu đồng. Tuy nhiên, với giá bán trên thị trường hiện nay, người chăn nuôi gia cầm chỉ lấy công làm lãi. Đặc biệt, ngay sau Tết Nguyên đán Mậu Tuất, dịch bệnh gia cầm diễn biến phức tạp, xuất hiện ổ dịch cúm H5N6 tại xã Đại Bản (huyện An Dương) khiến người sản xuất tại các vùng chăn nuôi tập trung lo lắng.
Đặc biệt, đối với các hộ chăn nuôi lợn, sang đầu năm 2018, tình hình thị trường chưa khả quan hơn, giá lợn hơi vẫn ở mức 30-35 nghìn đồng/kg, người chăn nuôi cho rằng chỉ hòa vốn, không có lãi. Vì vậy, họ càng cân nhắc, thận trọng hơn trong việc tái đàn. Xã Tú Sơn (huyện Kiến Thụy), một số hộ ngừng chăn nuôi gia súc, gia cầm, tranh thủ tìm nghề phụ. Không ít hộ chăn nuôi chưa có định hướng rõ ràng về sản xuất sắp tới. Bên cạnh đó, do ảnh hưởng của chăn nuôi năm 2017 không có lãi, nhiều trang trại khó khăn về kinh phí đầu tư để tái đàn, chủ yếu nuôi cầm chừng với số lượng giảm hơn năm trước. Tại HTX Thái Sơn ở xã Tú Sơn (huyện Kiến Thụy) có quy mô hoạt động lớn với nhiều hộ trang trại chăn nuôi cũng chỉ tái đàn 1800 con, giảm 700 con so với cùng kỳ.
Chú ý sản xuất an toàn, phòng dịch bệnh
Trước tình hình khó khăn trong tái đàn, các hộ chăn nuôi tích cực tìm giải pháp khắc phục để đạt hiệu quả sản xuất khả quan hơn. Bà Nguyễn Thị Lựu ở xã Hồng Phong (huyện An Dương) cho biết, đợt này, gia đình nhập đàn gà mới về nuôi, dù số lượng nuôi giảm song cố gắng áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn, đặc biệt chú trọng khâu vệ sinh chuồng trại, tiêm phòng các loại vắc-xin và cân đối khẩu phần thức ăn cho đàn gà, nhằm tăng sức đề kháng chống lại dịch bệnh. Chung quanh khu chăn nuôi, gia đình sử dụng vôi bột và tro bếp để khử trùng… Ông Vũ Văn Thuận, Giám đốc HTX sản xuất và kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Vĩnh Tiên xã Toàn Thắng (Tiên Lãng) thông tin, ngay từ những ngày đầu năm mới, các hộ chăn nuôi lợn liên kết với nhau tìm nhà cung cấp thức ăn chăn nuôi uy tín, giá sản phẩm hạ hơn để giảm chi phí sản xuất. Các hộ dự kiến giảm thời gian nuôi lứa lợn đầu trong năm khoảng 10-15 ngày/lứa để tiết kiệm chút ít chi phí đầu vào. Theo bà Đồng Thị Doanh, chủ nhiệm HTX chăn nuôi Thái Sơn, trong năm 2018, các hộ chăn nuôi trong HTX xây dựng kế hoạch từng bước thực hiện liên kết chuỗi, tạo điều kiện cho sản phẩm của các hộ dễ dàng tiêu thụ trong các siêu thị, cửa hàng thực phẩm sạch mới có lãi hơn…
Về phía các ngành chức năng, ngay từ đầu năm, Chi cục Chăn nuôi- Thú y khuyến cáo người chăn nuôi tranh thủ thời tiết thuận lợi tăng cường tái đàn, hỗ trợ người chăn nuôi các biện pháp kỹ thuật chăn nuôi an toàn, tuyên truyền, phổ biến cách phòng, chống dịch bệnh gia cầm. Sở Nông nghiệp - Phát triển nông thôn ban hành hướng dẫn Nghị quyết 13 của HĐND phố về các cơ chế khuyến khích nông nghiệp, thủy sản, phát triển kinh tế nông thôn…Trong đó, cụ thể hóa các nội dung của nghị quyết liên quan đến chăn nuôi và các cơ chế của thành phố nhằm khuyến khích, hỗ trợ phát triển chăn nuôi. Trưởng Phòng Chăn nuôi Chi cục Chăn nuôi-Thú y Hải Phòng Phạm Văn Hoãn cho biết, trong năm 2018, các ngành chức năng trực thuộc sở tham mưu, đề xuất với thành phố hỗ trợ kinh phí vốn vay phát triển trang trại cho 50 hộ chăn nuôi. Theo đó, các huyện đề xuất hộ chăn nuôi có khả năng phát triển trang trại quy mô lớn, có năng lực phát triển chăn nuôi hiệu quả để được xét duyệt, hỗ trợ vốn vay.
Hương An
- Kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm và các loại đặc sản
- Kỹ thuật trồng trọt cây ăn trái, rau màu và các loại cây lương thực, cây công nghiệp khác
Các tin mới:
Kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng và chế biến thủy hải sản
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.