• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Lào Cai: Người chăn nuôi thận trọng tái đàn

Nguồn tin: Báo Lào Cai, 23/03/2018
Ngày cập nhật: 25/3/2018

Dù giá lợn hơi đã tăng và người chăn nuôi có thể có lãi, nhưng sau 1 năm chăn nuôi gặp nhiều khó khăn, các chủ trang trại, hộ chăn nuôi vẫn thận trọng trong việc tái đàn.

Trước Tết Nguyên đán, giá lợn hơi đã tăng trở lại và giữ ở mức khá ổn định, khoảng 33.000 đồng đến 36.000 đồng/kg. Với giá này, người chăn nuôi đã thu hồi được vốn và bắt đầu có lãi. Giá lợn trước Tết Nguyên đán nhích lên do nhu cầu tiêu thụ và dự trữ các sản phẩm từ thịt tăng mạnh, nên một số lượng lớn chuồng nuôi được “giải phóng” để cung cấp thịt cho thị trường. Sau khi xuất bán lứa lợn trước Tết, các hộ chăn nuôi vệ sinh, tu sửa để bắt đầu lứa mới. Tuy nhiên, hầu hết các hộ chăn nuôi vẫn đang thận trọng xem xét thị trường, tái đàn từ từ, không vào giống đủ quy mô như giai đoạn trước.

Người dân thị trấn Phong Hải (Bảo Thắng) tái đàn sau Tết.

Gia đình bà Trần Thị Khuy, thôn Tiến Lợi 1, xã Xuân Giao (Bảo Thắng) có kinh nghiệm chăn nuôi lợn hơn chục năm nay. Trước đây, khi lợn được giá, mỗi lứa gia đình bà nuôi 30 con lợn thương phẩm và 5 con lợn nái. Năm 2017, giá lợn xuống thấp kéo dài khiến gia đình bà thua lỗ không ít. Bà đã giảm số lượng lợn nái từ 5 con xuống còn 3 con và giảm số lợn thương phẩm còn 20 con. Tuy nhiên, giáp Tết Nguyên đán, giá lợn hơi tăng trở lại, gia đình bà Khuy xuất bán được 20 con lợn thương phẩm với giá 34.000 đồng đến 35.000 đồng/kg. Với giá này, cộng với chi phí đầu vào thấp, sau khi trừ chi phí, gia đình bà “vớt vát” được phần nào sau vụ nuôi thua lỗ năm 2017. Mặc dù vậy, sau Tết, bà dự định giữ tổng đàn ít hơn công suất thực tế của chuồng nuôi như đợt vừa qua, bởi lo lắng giá lợn có thể sẽ lại “quay đầu”, nếu nuôi nhiều sẽ lỗ lớn.

Dù giá lợn đã tăng nhưng sau lứa lợn Tết, người chăn nuôi vẫn thận trọng vào giống, bởi trước mắt, thị trường đầu ra vẫn rất bấp bênh. Ông Đào Văn Nam, thôn Làng Gạo, xã Xuân Quang (Bảo Thắng) cũng là một trong những hộ có kinh nghiệm chăn nuôi lợn nái và lợn thương phẩm. Dù công suất chuồng có thể nuôi đến 100 con lợn các loại mỗi lứa, nhưng sau Tết, ông chỉ vào giống bằng 50% so với những năm trước. Ông Nam cho biết: “Dù giá lợn thời điểm này đã tăng nhưng gia đình vẫn chưa muốn tái đàn đủ số lượng mà sẽ chờ một thời gian nữa, nghe ngóng thị trường chăn nuôi đã phục hồi hay chưa mới đầu tư chăn nuôi quy mô lớn trở lại”.

Sự thận trọng của ông Nam, bà Khuy cũng là tâm lý chung của người chăn nuôi trên địa bàn tỉnh. Người dân vẫn lo lắng bởi chưa tìm được đầu ra ổn định và đảm bảo an toàn để có thể an tâm đầu tư lứa nuôi mới. Bên cạnh đó, hầu hết người chăn nuôi nhận thức được nguyên nhân giá lợn xuống thấp, thậm chí không bán được trong năm vừa qua là do nguồn cung vượt cầu. Thế nên, thay vì tiếp tục đầu tư ồ ạt, các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ đều chủ động giảm quy mô để có thể phần nào cân đối lại sự dư thừa như đã gặp trong thời gian qua.

Nhiều hộ dân chủ động giảm quy mô chăn nuôi.

Không chỉ thận trọng tái đàn, người chăn nuôi cũng có nhiều sáng tạo trong phương thức nuôi, như quay lại chăn nuôi truyền thống bằng thức ăn là phụ phẩm nông nghiệp, chăn nuôi lợn bằng cám thảo dược, chăn thả tự nhiên, chọn các giống lợn chất lượng cao. Ngoài ra, các mô hình liên kết giữa những hộ chăn nuôi với nhau, liên kết với đơn vị cung ứng giống và thức ăn chăn nuôi để giảm chi phí đầu vào... qua đó nâng cao chất lượng thịt để sản phẩm tiêu thụ dễ hơn, tăng sức cạnh tranh so với lợn nuôi theo hình thức công nghiệp. Theo bà Phạm Thị Hoa, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y, hiện nay, giá lợn đang có xu hướng tăng, tuy nhiên cũng rất khó dự báo tình hình thị trường. Để giúp các cơ sở, hộ chăn nuôi khôi phục phát triển chăn nuôi lợn theo nhu cầu, đảm bảo cân đối cung - cầu, ngành chăn nuôi khuyến cáo người dân thận trọng xem xét thị trường, tái đàn từ từ, không vào giống đủ quy mô như giai đoạn trước. Đồng thời, cần thay đổi tư duy sản xuất nhỏ lẻ, chủ động liên kết sản xuất theo mô hình tổ hợp tác, hợp tác xã, liên kết với các doanh nghiệp để xây dựng kế hoạch sản xuất theo khả năng thị trường. Ngành chăn nuôi cũng khuyến khích người dân ký hợp đồng trực tiếp với đơn vị cung ứng vật tư đầu vào chất lượng tốt, giá cả hợp lý và có trách nhiệm chia sẻ rủi ro với nông dân trong trường hợp lợn rớt giá.

THÚY PHƯỢNG

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang