Nguồn tin: Báo Vĩnh Phúc, 22/03/2018
Ngày cập nhật:
26/3/2018
Hiệu quả kinh tế được nâng lên; vấn đề bảo vệ môi trường được thực hiện tốt hơn, thời gian qua, việc chăn nuôi lợn theo mô hình chuồng kín mang lại nhiều lợi ích cho người chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc.
Trang trại chăn nuôi lợn theo mô hình chuồng kín của gia đình bà Trần Thị Thuận, xã Cao Minh (Phúc Yên) đem lại hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: Thế Hùng
Cùng cán bộ Trạm Chăn nuôi & Thú y Phúc Yên, chúng tôi đến thăm trang trại chăn nuôi lợn nái của gia đình bà Trần Thị Thuận, xã Cao Minh (Phúc Yên). Từ ngoài nhìn vào, khu trang trại của gia đình bà Thuận cũng như bao trang trại khác, không có gì đặc biệt. Tuy nhiên khi cánh cổng sắt của trang trại mở ra, người đến thăm mới bắt đầu cảm nhận được sự chuyên nghiệp trong chăn nuôi ở đây.
Toàn bộ phương tiện khi vào trại được phun sát trùng ngay ở khu vực cổng trại. Trước khi vào khu vực chuồng nuôi, mọi người phải mặc đồ bảo hộ và phun sát trùng để tránh nguy cơ lây nhiễm nguồn bệnh từ bên ngoài cho vật nuôi.
Khu chuồng nuôi sạch sẽ, thoáng mát và không có mùi đặc trưng như khu chuồng hở. Được biết, trang trại thành lập năm 2015, với quy mô 1.200 nái, sử dụng mô hình chuồng nuôi khép kín với tổng diện tích gần 7.000m2, bao gồm: Hệ thống thông gió; hệ thống làm mát, sưởi ấm cho lợn; dây chuyền cung cấp thức ăn, nước uống tự động; khu vực xử lý chất thải; hồ điều hòa…tổng vốn đầu tư trên 16 tỷ đồng.
Mỗi tháng, trang trại xuất bán khoảng 2.500 lợn giống, mang về doanh thu 6- 8 tỷ đồng mỗi năm, tạo việc làm ổn định, thường xuyên cho 30 lao động với mức thu nhập bình quân 5,5 triệu đồng/người/tháng.
Một mô hình chăn nuôi lợn khép kín khá thành công, được nhiều người biết đến nữa đó là mô hình chăn nuôi lợn sạch của anh Nguyễn Văn Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH MTV Phát Đạt, xã Cao Minh (Phúc Yên). Trên diện tích hơn 1,5ha, anh Tuấn bố trí 4 dãy chuồng nuôi với diện tích hơn 4.000m2, tổng đàn trên 1.200 con, bao gồm: Lợn nái, lợn giống và lợn thương phẩm.
Hệ thống chuồng nuôi được thiết kế khoa học, hợp lý bao gồm các phân khu riêng biệt như: Khu nuôi lợn nái; khu chăm sóc lợn con; chuồng nuôi lợn thịt; khu vực xử lý chất thải; khu phối trộn thức ăn… Các chuồng nuôi đều được thiết kế theo mô hình chuồng kín với hệ thống làm mát, thông gió, hút mùi, tạo ẩm, hệ thống cung cấp nước uống, thức ăn tự động.
Để đảm bảo chất lượng các sản phẩm cung cấp cho thị trường, trang trại nuôi lợn của anh Tuấn tự chủ động toàn bộ về nguồn giống; thức ăn cho lợn được phối trộn theo công thức riêng, sử dụng các nguyên liệu chính là ngô, cám gạo, đậu tương và các vitamin, cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng cho quá trình sinh trưởng phát triển của đàn lợn cũng như nâng cao chất lượng sản phẩm cung cấp đến người dân.
Hiện nay, mỗi năm công ty xuất chuồng hơn 4.000 lợn thịt, doanh thu trên 20 tỷ đồng, tạo việc làm ổn định, thường xuyên cho 15 lao động, mức thu nhập bình quân trên 5 triệu đồng/người/tháng.
Để tìm hiểu rõ hơn về lợi ích từ chăn nuôi lợn theo mô hình chuồng kín, chúng tôi tìm gặp anh Phạm Ngọc Đức, Nhân viên phụ trách kỹ thuật Công ty TNHH Đầu tư phát triển chăn nuôi lợn Dabaco (Bắc Ninh), người đã có kinh nghiệm nhiều năm phát triển các mô hình liên kết chăn nuôi lợn chuồng kín trên địa bàn Vĩnh Phúc.
Anh Đức chia sẻ: Chăn nuôi lợn áp dụng mô hình chuồng kín tuy số vốn đầu tư ban đầu lớn, nhưng về lâu dài mô hình mang đến nhiều lợi ích vượt trội so với chăn nuôi chuồng hở. Thứ nhất đó là hiệu quả kinh tế, do nuôi tập trung, khép kín quy mô lớn nên các chi phí về thức ăn, thuốc thú y, con giống đều rẻ hơn so với chăn nuôi nhỏ lẻ; năng suất nuôi cao hơn do quản lý được đầu con và kế hoạch loại thải tốt hơn.
Dịch bệnh trên đàn vật nuôi luôn được kiểm soát chặt chẽ, hạn chế tới mức thấp nhất các nguy cơ lây nhiễm từ bên ngoài. Công tác tiêm phòng, phát hiện và xử lý dịch bệnh được thực hiện tập trung, đầy đủ, kịp thời hơn, do vậy đàn vật nuôi sinh trưởng, phát triển ổn định, cho năng suất, tỷ lệ đồng đều cao, bán được giá hơn so với thông thường.
Chăn nuôi tập trung, khép kín sẽ giảm được chi phí nhân công lao động, góp phần tăng hiệu quả kinh tế do nhiều khâu trong quá trình chăn nuôi sẽ được tự động hóa. Thứ hai, đó là vấn đề bảo vệ môi trường, chăn nuôi chuồng kín chất thải được thu gom, xử lý tập trung; hệ thống hút và xử lý mùi được đưa vào hạn chế thấp nhất phát tán mùi không khí và chất thải ra môi trường xung quanh.
Nguyễn Khánh
- Kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm và các loại đặc sản
- Kỹ thuật trồng trọt cây ăn trái, rau màu và các loại cây lương thực, cây công nghiệp khác
Các tin mới:
Kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng và chế biến thủy hải sản
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.