• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Lâm Đồng: Gia Hiệp phát triển mạnh nghề trồng dâu nuôi tằm

Nguồn tin: Báo Lâm Đồng, 03/04/2018
Ngày cập nhật: 4/4/2018

Người dân xã Gia Hiệp (huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng) đang chuyển đổi dần diện tích cà phê kém hiệu quả sang nghề trồng dâu nuôi tằm, thu nhập đạt được khoảng 500 triệu đồng/năm/ha trồng dâu nuôi tằm.

Giá kén được thu mua với giá cao đem lại niềm vui cho bà con nông dân. Ảnh: H.Y

Áp dụng khoa học kỹ thuật

Ông Đinh Đình Hiện ở Thôn 2, xã Gia Hiệp cho biết: “Quê tôi ở tỉnh Bình Định, năm 1985 vào huyện Di Linh xây dựng kinh tế mới. Lúc đầu, tôi trồng mía, bắp, cà phê, đến năm 1990 chuyển qua nuôi tằm theo cách truyền thống: đóng cũi, nong, né bằng tre. Tuy nhiên sau một thời gian giá kén xuống thấp, người dân không còn mặn mà với việc trồng dâu nuôi tằm nữa, mọi người chặt dần cây dâu, trong đó có gia đình tôi”.

Những năm gần đây, ngành dâu tằm hồi sinh giúp người nông dân có nguồn thu nhập khá cao. Với việc ra đời của hai giống dâu nội địa VA-201 và S7-CB thì việc thiếu dâu cho tằm ăn đã không còn là vấn đề khó giải quyết. Hai giống dâu nội địa này đã mang lại niềm hy vọng mới cho vùng dâu tằm Gia Hiệp. Gia đình ông Hiện phá 4 sào cà phê để trồng dâu nuôi tằm trở lại. Ông Hiện cho hay: “Với 4 sào dâu giống mới đủ cho 4 hộp tằm giống/lứa. Giống dâu này cứ 6 tuần hái được một lứa, tôi cũng không phải tốn nhiều phân tro, thỉnh thoảng phải phun phòng trừ nấm bệnh và lâu lâu bỏ ít phân chuồng cho dâu là dâu rất tốt”.

Trong năm qua, tình hình giá kén ổn định ở mức cao, nhân dân chủ động chuyển đổi giống cây dâu có năng suất chất lượng cao, ứng dụng kỹ thuật mới vào sản xuất, làm tăng sản lượng dâu, sản lượng kén, giảm công lao động và tăng thu nhập. Ông Đoàn Ngọc Trâm Thôn 1, Gia Hiệp đã phá bỏ 1 sào cà phê già cỗi sang trồng dâu nuôi tằm. Ông mạnh dạn đầu tư nuôi tằm bằng khay sắt (khay trượt) cấu tạo gồm 1 khung sắt cao 1,35 - 1,45 m, có 4 bánh xe di chuyển. Trong khung có 4 khay trượt, có hàn lưới B40, ngang 1,5 m, dài 3 m. Trong khay trải 1 lớp lưới, sau đó thả tằm vào và cho dâu để tằm ăn. Khi tằm chín, ông bắt tằm lên né gỗ, sau 3 ngày tạo kén, chỉ việc dùng máy thu kén rồi bán.

Ông Trâm phân tích, nuôi tằm bằng khay trượt hiệu quả vượt trội so với cách nuôi truyền thống: Không phải bê nong lên xuống, thời điểm tằm ăn rỗi cũng rất nhàn, cứ việc cắt cả cành bỏ vào khay cho tằm ăn và sau một lứa mới phải vệ sinh (thay phân). Nuôi tằm trên khay trượt còn tiết kiệm được nhiều diện tích, đảm bảo độ thông thoáng, tằm không bị bệnh, phát triển tốt. Hiện gia đình ông Trâm nuôi tằm năng suất bình quân đạt từ 45 - 55 kg kén/hộp tằm với giá bán trên 200.000 đồng/kg kén, thu nhập của gia đình khá cao.

Nông dân thay đổi cách sản xuất kén theo công nghệ mới đã giảm nhiều công lao động, chất lượng kén tăng rõ rệt, không có kén đôi. Đặc biệt độ dài của tơ đơn cũng dài hơn. Giá kén thời điểm này bán ra khoảng 200.000 đồng/kg, cao nhất trong vòng 10 năm trở đây.

Tăng nhanh về diện tích

Ông Đinh Đình Hiện cho biết, nếu giá kén giữ vững và ổn định như hiện nay thì nông dân chẳng mấy chốc khá lên. Xuất phát từ nhu cầu thực tế và số lượng hộ gia đình tham gia nuôi tằm tăng lên, địa phương đã thành lập Chi hội nghề nghiệp dâu tằm xã Gia Hiệp với 41 thành viên do ông làm Chi hội trưởng. Tại đây, các hộ trồng dâu nuôi tằm sẽ được hỗ trợ về dụng cụ nuôi tằm, giống dâu trồng và giống tằm con, đồng thời được thu mua kén theo giá của thị trường mà không bị tư thương ép giá.

Ông Đoàn Ngọc Tuyền, Chủ tịch UBND xã Gia Hiệp cho biết, diện tích đất nông nghiệp sản xuất của xã vào khoảng 3.000 ha, trong khi số dân có khoảng 11.000 người, chia bình quân diện tích trên bình quân đầu người thì mỗi người dân xã Gia Hiệp chỉ có khoảng 2,7 sào đất sản xuất. Đây là một con số quá nhỏ để phát triển kinh tế, do đó chuyển đổi sang chăn nuôi là hướng cần thiết, trong đó nghề trồng dâu nuôi tằm hiện nay thật sự đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Nghề trồng dâu nuôi tằm là nghề truyền thống của người dân Gia Hiệp từ những mấy chục năm trước, do vậy việc người dân quay lại với nghề dâu tằm rất dễ dàng vì họ đã khá chuyên nghiệp. Trong những năm qua, do giá kén tăng cao, nhân dân chủ động chuyển đổi một số diện tích cà phê và một số diện tích cây màu kém hiệu quả sang trồng dâu nuôi tằm và đưa các giống năng suất cao vào sản xuất, chất lượng giống dâu khá tốt, nguồn gốc từ cơ sở có uy tín, năng suất lá dâu đạt 40 tấn lá/ha/năm. Trong năm 2017 - 2018, nghề trồng dâu nuôi tằm phát triển tương đối nhanh; tổng diện tích trồng dâu trên địa bàn xã là 167 ha, số hộ trồng dâu là trên 576, số hộ nuôi tằm là 561, số hộ thu mua kén là 6 hộ; Gia Hiệp đứng đầu huyện Di Linh về nghề trồng dâu nuôi tằm.

Với trồng dâu nuôi tằm, nhân dân Gia Hiệp có kinh nghiệm lâu năm về sản xuất, đất đai phù hợp cho cây dâu phát triển tốt, chi phí đầu tư để trồng dâu nuôi tằm thấp so với các cây trồng khác, chu kỳ sản xuất cho 1 lứa tằm không quá 5 tuần. Bởi vậy, người dân có thu nhập rải đều trong năm, phù hợp kể cả với hộ có diện tích sản xuất nhỏ, hạn chế về vốn và hộ đồng bào dân tộc thiểu số. Đây là cây trồng được nhận định giúp giảm nghèo nhanh và bền vững, dễ trồng, dễ chăm sóc và hiện nay đang là cây cho thu nhập cao trên một diện tích. Theo ước tính ban đầu, 1 sào dâu cung ứng đủ để nuôi được một hộp tằm giống, mỗi lứa dâu kéo dài 6 tuần, như vậy mỗi năm 1 sào dâu cung ứng đủ để nuôi 8 hộp tằm giống, 1 ha dâu nuôi được 80 hộp. Với 1 hộp tằm giống cho được khoảng 50-55 kg kén, mỗi ha dâu nuôi tằm cho mỗi năm trên 4 tấn kén, với giá năm 2017 khoảng 150 - 200.000 đồng/kg thì 1 ha trồng dâu nuôi tằm cho thu nhập khoảng trên 600 triệu đồng mỗi năm, sau khi trừ chi phí còn khoảng 400-500 triệu đồng/năm.

HOÀNG YÊN

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang