Nguồn tin: Báo Ninh Bình, 03/04/2018
Ngày cập nhật:
4/4/2018
Đi sâu trong núi, có thể gọi là nơi thâm sơn cùng cốc của vùng kinh tế mới Quèn Thờ, xã Đông Sơn, thành phố Tam Điệp (tỉnh Ninh Bình) mới vào tới trang trại của ông Trịnh Văn Tiến. Đường vào trang trại dốc, vòng vèo, hoang vắng, tôi tự hỏi ở một nơi “khỉ ho, cò gáy” như thế này, làm sao một người không được học hành bài bản có thể khai hoang, quy hoạch gọn gàng thế này để phát triển kinh tế và kiếm hàng tỷ đồng mỗi năm từ làm kinh tế trang trại.
Ông Trịnh Văn Tiến chăm sóc dê trong trang trại của gia đình.
Dẫn chúng tôi đi trên con đường bê tông nhỏ ngoằn ngoèo vào trang trại của gia đình thuộc khu kinh tế mới Quèn Thờ, ông Trịnh Văn Tiến vui mừng chỉ cho chúng tôi những vườn cây ăn quả xanh tốt, những khu trang trại đang được xây mới ở dọc 2 bên đường do các hộ gia đình nơi đây được ông vận động tham gia cùng nhau phát triển kinh tế. Đi thêm vài km mới tới trang trại riêng của ông Tiến. Trang trại được xây dựng rộng khoảng gần 10ha, được bao bọc xung quanh là núi rừng trùng trùng, điệp điệp. Nếu là khách ưa du ngoạn thì chắc hẳn sẽ thấy thú vị với cảnh điền trang thôn dã dưới chân núi này.
Được biết, trước đây ông đã từng tham gia quân đội, sau gần 10 năm tham gia chiến đấu, năm 1989 ông Tiến phục viên với quân hàm Thiếu úy. Rời quê hương Yên Thái, huyện Yên Mô, vợ chồng ông quyết định vào lập nghiệp tại Tam Điệp. Thời gian đầu, cuộc sống vô cùng vất vả nên vợ chồng ông chỉ làm nghề buôn bán nhỏ. Năm 1991, ông bắt đầu vào khảo sát ở khu vực Quèn Thờ, thấy vùng đất hoang sơ, thuận lợi để phát triển kinh tế trang trại, vợ chồng ông mạnh dạn đề nghị với chính quyền địa phương xin được giao đất vào khai hoang, phục hóa để phát triển kinh tế gia đình. Năm 1993, được chính quyền địa phương tạo điều kiện, gia đình ông được giao 23ha rừng theo diện vừa bảo vệ rừng, vừa phát triển kinh tế. Ông và gia đình đã phải mất rất nhiều công sức, tiền của để khai hoang, cải tạo đất đai, xây dựng cơ sở hạ tầng, khai hoang được đến đâu thì tăng gia phát triển sản xuất đến đó.
Sau nhiều năm phát triển kinh tế trang trại truyền thống hiệu quả không cao, ông đã dày công nghiên cứu, tìm tòi các hướng phát triển khác, nhận thấy thị trường đang rất cần nguồn thực phẩm sạch với các loại con nuôi đặc sản như dê, gà đồi, hươu, nai, nhím, lợn rừng..., nên năm 2002 ông quyết định xây dựng trang trại nuôi các con nuôi đặc sản cung cấp cho cộng đồng. Do nguồn vốn ít, nên ông xây dựng trang trại hoạt động theo kiểu “lấy ngắn nuôi dài”, ban đầu ông đầu tư nuôi 10 con dê, 5 con hươu, 5 con nhím, 5 con ngựa, vài chục con gà đồi và đào ao thả cá, đồng thời trồng một số loại cây ăn quả như bưởi, nhãn, vải... Sau đó tự nhân giống, đến nay trang trại của gia đình ông Tiến đã phát triển tổng đàn lên đến hàng nghìn con, trong đó có gần 100 con dê, 200 con hươu, 300 con nhím, hàng trăm con gà đồi, lợn rừng và ngựa. Ông tự học hỏi, trau dồi kiến thức qua nhiều kênh thông tin và tìm đến những mô hình trang trại điển hình trong và ngoài tỉnh để học tập cách làm hay, kinh nghiệm tốt. Một trong những vật nuôi đem lại nguồn thu nhập cao cho trang trại ông là đàn hươu, ông Tiến cho biết: Mỗi năm gia đình ông thu nhập hàng tỷ đồng từ việc bán nhung hươu và thịt thương phẩm, hươu giống. Hiện trang trại con nuôi đặc sản của ông Tiến mỗi năm xuất bán hàng tấn sản phẩm con nuôi đặc sản các loại. Tổng doanh thu của trang trại mỗi năm đạt hàng tỷ đồng, tạo việc làm cho 20 lao động thường xuyên với thu nhập 6 triệu đồng/người/tháng.
Không dừng lại ở đó, ông Tiến còn nảy ra ý tưởng phát triển kinh tế theo hướng khép kín từ sản xuất đến tiêu thụ để tăng thu nhập, ông đã mở rộng đầu tư xây dựng nhà hàng Tiến Lý (thành phố Tam Điệp) với quy mô lớn. Các con nuôi đặc sản của trang trại được dùng để cung cấp cho nhà hàng, do vậy các món ăn tại nhà hàng của ông Tiến luôn đảm bảo tươi, ngon, chất lượng. Thực hiện đề án nông dân Ninh Bình nói không với thực phẩm bẩn, ông Tiến đã vận động bà con xung quanh cùng tham gia liên kết phát triển kinh tế theo mô hình trang trại của gia đình ông, trong đó ông nhận cung cấp giống và chuyển giao kỹ thuật nuôi trồng cho các gia đình, đồng thời giúp bao tiêu toàn bộ sản phẩm cho các hộ gia đình. Năm 2014 ông đã vận động được 25 hộ tham gia và thành lập Tổ hợp tác “sản xuất, tiêu thụ cây, con đặc sản”.
Các hộ gia đình tham gia liên kết tổ hợp tác mỗi năm cũng đạt lợi nhuận vài trăm triệu đồng. Với mong muốn giới thiệu các món ăn đặc sản các địa phương tới các du khách có dịp ghé thăm Ninh Bình, năm 2017 ông Tiến đã mở thêm 1 cửa hàng nông sản an toàn Tam Điệp để giới thiệu và bán các sản phẩm không chỉ làm ra từ các trang trại của Tổ hợp tác mà còn có các đặc sản của bà con nông dân ở các địa phương khác trên địa bàn tỉnh. Chia sẻ về kế hoạch phát triển kinh tế gia đình trong thời gian tới, ông Tiến cho biết, ông vẫn tiếp tục mở rộng mô hình nuôi con đặc sản và mong muốn sẽ có nhiều hộ nông dân xây dựng kinh tế trang trại nuôi con đặc sản như ông để phát triển kinh tế, làm giàu cho gia đình và quê hương. Ông đang ấp ủ dự định xây dựng khu du lịch sinh thái, để trang trại của mình không chỉ là mô hình nuôi con đặc sản mà còn là điểm dừng chân cho du khách mỗi khi muốn đến khám phá núi rừng Tam Điệp.
Bài, ảnh: Kiều Ân - Đức Lam
- Kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm và các loại đặc sản
- Kỹ thuật trồng trọt cây ăn trái, rau màu và các loại cây lương thực, cây công nghiệp khác
Các tin mới:
Kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng và chế biến thủy hải sản
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.