• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Nghề nuôi chim yến ở vùng biển có nhiều triển vọng

Nguồn tin: Báo Quảng Trị, 07/01/2018
Ngày cập nhật: 9/1/2018

Thời gian qua, người dân dọc vùng biển của tỉnh Quảng Trị bằng nhiều cách làm hay, những mô hình mới đã vượt qua khó khăn để chuyển đổi sinh kế bền vững. Trong những mô hình mới, nghề nuôi chim yến được ngành chức năng đánh giá là rất triển vọng và mở ra hướng làm ăn mới cho người dân nơi đây.

Anh Trần Văn Phong theo dõi đàn chim yến bằng hệ thống camera giám sát kết nối với điện thoại di động

Từ thành phố Đông Hà theo tuyến đường xuyên Á rất dễ để thấy cơ sở nuôi chim yến của anh Phan Văn Trọng (46 tuổi) ở khu phố 2, thị trấn Cửa Việt, huyện Gio Linh vì nằm sát đường. Hôm chúng tôi ghé thăm nhà anh, đàn chim yến chao liệng rợp trời. Trước đây, nghề nghiệp chính của gia đình anh Trọng là hấp sấy cá khô xuất bán đi thị trường trong nước và Trung Quốc. Đầu năm 2016, sự cố ô nhiễm môi trường biển xảy ra gây ảnh hưởng rất lớn đến các hoạt động kinh tế liên quan đến biển. Nghề hấp sấy cá cũng điêu đứng. Nguồn thu nhập nuôi sống cả gia đình không còn, anh Trọng trăn trở để tìm một hướng đi mới, chuyển đổi sinh kế một cách bền vững hơn. Qua tìm hiểu từ nhiều kênh như ti vi, sách báo và tham khảo thêm một người bạn nuôi chim yến thành công ở tỉnh Quảng Ngãi, anh Trọng quyết định đầu tư nuôi chim yến. “Sau khi xảy ra sự cố ô nhiễm môi trường biển, tôi nhiều lần xem trên ti vi và rất thích mô hình nuôi chim yến này. Được sự hỗ trợ từ người bạn và động viên của gia đình, tôi chủ động tìm hiểu kỹ thuật nuôi, huy động được 500 triệu đồng để xây dựng cơ sở hạ tầng và lắp đặt máy phục vụ nuôi chim. Cuối năm 2016, tôi bắt tay vào nuôi chim yến”, anh Trọng nhớ lại.

Hiện nay, cơ sở nuôi chim yến của anh Trọng có diện tích 140 m2 và có khoảng 150 cặp chim bố mẹ. Cuối năm 2017, anh thu hoạch vụ đầu tiên được 40 tổ, tương đương khoảng nửa kilôgam. “Tổ yến hay còn gọi là yến sào sau khi lấy xuống sẽ được làm sạch, chế biến và bán lẻ với giá 300.000 đồng/tổ. Nhu cầu của người dân rất cao nên mặc dù mới nuôi được hơn 1 năm và thu được 1 lứa nhưng khách hàng trong vùng tới đặt hàng rất nhiều. Người nào muốn mua yến sào sạch thì tôi sẽ chế biến trước, còn khách hàng nào muốn tự nấu thì tôi sẽ bán tổ yến thô và hướng dẫn cho họ. Các công đoạn chế biến yến sào như sau: Lấy tổ xuống ngâm với nước sạch hơn 3 giờ rồi nhặt lông, làm sạch, sau đó vắt khô và cuối cùng là chia đều đủ lượng để bán theo nhu cầu của khách hàng”, anh Trọng chia sẻ thêm.

Rời nhà anh Trọng, chúng tôi ghé thăm cơ sở nuôi chim yến của anh Trần Văn Phong (41 tuổi) ở thôn Xuân Ngọc, xã Gio Việt, gặp lúc anh Phong đang chăm chú theo dõi đàn chim yến làm tổ qua chiếc màn hình điện thoại di động. Anh bảo phải theo dõi chim thường xuyên thông qua hệ thống camera giám sát, nếu có chuyện gì thì kịp thời xử lý. Anh Phong bắt đầu nuôi chim yến từ tháng 9/2017 với số vốn đầu tư hơn 1 tỷ đồng. Chia sẻ về cơ duyên đến với nghề nuôi chim yến, anh nói: “Sau sự cố ô nhiễm môi trường biển, trong vùng lúc này rất nhiều mô hình chuyển đổi sinh kế được triển khai nhưng tôi muốn tìm một hướng đi mới. Sau khi tìm hiểu kỹ qua sách báo, tài liệu và cả những người đã thành công với mô hình nuôi chim yến ở Đông Hà, Đà Nẵng… tôi quyết định huy động mọi nguồn vốn để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, lắp đặt máy, thiết bị nuôi chim yến tại nhà”.

Theo anh Phong, chim yến là loài ưa thời tiết nắng ấm nên vào thời điểm Thu - Đông, chim ít kết đôi làm tổ mà chỉ vào khoảng từ tháng 1 - 7 âm lịch, chim mới sinh sản nhiều. Anh liên kết với Công ty TNHH MTV Đại Dương Phú ở Đà Nẵng lắp đặt hệ thống máy móc gồm máy phát âm thanh (máy phát giả tiếng chim yến), hệ thống phun sương tạo độ ẩm tự động, đèn chiếu sáng đuổi chim cú (thiên địch của chim yến) và hệ thống camera giám sát). Sau khi đưa vào hoạt động, máy phát âm thanh sẽ có chức năng dẫn dụ đàn chim yến tự do ngoài thiên nhiên về làm tổ ở trong nhà của anh và làm tổ, sinh sản ở đó.

Anh Phong cho hay: “Hiện nay, chim đã về làm tổ được gần 60 cặp chim bố mẹ. Đang trong quá trình chim tạo đàn nên phải hơn 1 năm thì mới thu tổ được. Từ sau 1 năm trở đi, cứ trung bình 3-4 tháng sẽ thu tổ đại trà một lần. Từ 80 - 90 tổ yến sẽ được 1 kg. Yến sào thô được Công ty TNHH MTV Đại Dương Phú thu mua nên tôi rất yên tâm về khâu đầu ra cho sản phẩm. Công ty này vừa hỗ trợ tư vấn xây dựng cơ sở hạ tầng, lắp ráp thiết bị, hướng dẫn kỹ thuật và thu mua luôn sản phẩm”. Nhận thấy triển vọng của nghề nên nhiều người đã tìm đến nhờ anh Phong tư vấn về kỹ thuật nuôi chim yến và giới thiệu liên hệ với các doanh nghiệp.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Thanh Thương, Chủ tịch UBND xã Gio Việt trăn trở: “Mô hình nuôi chim yến của gia đình anh Trần Văn Phong là mô hình đầu tiên của xã, mở ra hướng đi mới trong việc chuyển đổi sinh kế bền vững sau sự cố ô nhiễm môi trường biển. Bước đầu, nghề nuôi chim yến hứa hẹn mang lại nhiều triển vọng. Chúng tôi mong muốn chính quyền cấp trên và ban, ngành các cấp tạo điều kiện, hỗ trợ những mô hình mới này về nguồn vốn cũng như kỹ thuật để người dân mạnh dạn hơn trong việc chuyển đổi sinh kế, mở rộng sản xuất, ổn định cuộc sống và nâng cao thu nhập”.

Về vấn đề này, ông Lê Văn Viễn, Trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Gio Linh cho biết, hiện tại, huyện Gio Linh có 3 cơ sở nuôi chim yến ở xã Gio Việt, thị trấn Cửa Việt và xã Gio Châu. Mặc dù là mô hình mới nhưng nghề nuôi chim yến đang phát triển, có triển vọng. Từ khâu lắp đặt hệ thống máy phục vụ nuôi, tư vấn kỹ thuật đến thị trường tiêu thụ đều được các doanh nghiệp liên kết với người dân hỗ trợ. Ngoài ra, nhu cầu của thị trường rất cao nên đầu ra rất ổn định.

“Hai mô hình nuôi chim yến ở thị trấn Cửa Việt và xã Gio Việt được tỉnh hỗ trợ một phần kinh phí từ nguồn vốn hỗ trợ chuyển đổi sinh kế vùng biển. Qua quan sát, thời gian qua tỷ lệ chim yến về làm tổ và sinh sản ở những cơ sở này rất cao, cho thấy triển vọng của nghề. Huyện đang tiếp tục theo dõi và trong thời gian tới, nếu mô hình này đi vào hoạt động ổn định và đạt hiệu quả kinh tế bền vững thì sẽ có chính sách hỗ trợ để người dân nhân rộng mô hình, mở rộng sản xuất và ổn định sinh kế”, ông Viễn cho biết thêm.

Trần Tuyền

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang