Nguồn tin: Báo Phú Yên, 09/04/2018
Ngày cập nhật:
11/4/2018
Một người chăn nuôi bò ở xã Hòa Tân Đông chăm sóc bò - Ảnh: VÂN NGUYÊN
Trong khi giá bò hơi tại chuồng liên tục giảm, khiến người chăn nuôi gặp nhiều khó khăn, thì giá thịt bò thương phẩm bán trên thị trường lại ở mức cao. Tại sao lại xảy ra nghịch lý này?
Người chăn nuôi lâm khó
Nhiều tháng nay, người chăn nuôi ở huyện Sông Hinh - một trong những địa phương có phong trào chăn nuôi bò phát triển mạnh của tỉnh Phú Yên như ngồi trên đống lửa, khi giá bò xuống thấp. Ông Phạm Xuân Lai, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Sông Hinh cho biết, hiện tổng đàn bò của huyện khoảng 20.000 con, tập trung tại các xã Ea Bia, Ea Trol, Ea Lâm…
“Trước đây, chăn nuôi bò đã giúp người dân cải thiện cuộc sống, nhiều gia đình vươn lên thoát nghèo nhờ nuôi bò. Tuy nhiên, khoảng hai năm trở lại đây giá bò hơi tại chuồng liên tục xuống thấp, khiến nhiều hộ không còn mặn mà với vật nuôi này. Thậm chí có trường hợp bán hết đàn bò, để trống chuồng, vì không có lãi”, ông Lai chia sẻ.
Không chỉ ở Sông Hinh, tình trạng này diễn ra ở hầu hết các địa phương trong tỉnh. Người nuôi bò lâm vào tình cảnh dở khóc dở cười, bởi khi mua bò giống thì ở mức giá cao, nhưng nuôi đến khi bán thì giá lại giảm. Ông Nguyễn Thanh ở xã Hòa Xuân Đông, huyện Đông Hòa, chia sẻ: “Cách đây 3 năm, tôi mua một con bò cái lai sind với giá 20 triệu đồng về nuôi. Đến nay, bò đã đẻ hai lứa. Vừa rồi, tôi bán hai con bò con, một con được 9 triệu đồng và một con được 6 triệu đồng. Mức giá này giảm gần 2/3 so với cách đây 3 năm. Nhẩm tính, với thời gian và chi phí thức ăn trong gần 2 năm chăm sóc bò thì số tiền này chẳng đáng là bao so với công sức đã bỏ ra”.
Còn bà Lê Thị Mận ở xã Hòa Tân Tây, huyện Tây Hòa thông qua Hội Phụ nữ xã vay 15 triệu đồng vốn ưu đãi của Nhà nước mua bò nuôi. Sau gần 2 năm chăm sóc, bò mẹ đẻ ra bê con. Vừa rồi, do mắc bệnh, không còn khả năng lao động nên bà Mận kêu người đến bán bò. Thế nhưng, thương lái đến xem và trả giá hai con bò của bà chỉ… 14 triệu đồng. “Nếu bán bò với số tiền này thì chưa đủ trả nợ cho ngân hàng, chứ nói chi đến tiền công chăm sóc đã bỏ ra gần 2 năm nay. Vậy nên tôi quyết định giữ bò để nuôi, với hy vọng một thời gian nữa giá sẽ tăng trở lại”, bà Mận buồn rầu nói.
Không chỉ người nuôi bò sinh sản, những người nuôi bò vỗ béo cũng lâm vào thế khó khi giá bò giảm mạnh. Ông Trương Kiển ở xã Hòa Tân Đông, huyện Đông Hòa có thâm niên nuôi bò vỗ béo gần 10 năm nay, than thở: Người nuôi bò chúng tôi đang gặp khó đủ đường, vừa bị mất giá, vừa khó tiêu thụ lại bị thương lái o ép. Trước đây, một con bò đực lai xuất chuồng nằm ở mức giá 40-47 triệu đồng, nhưng năm nay chỉ còn khoảng 30 triệu đồng, sau khi trừ các khoản giống, thức ăn, chi phí phòng bệnh... thì người nuôi chẳng lời được gì.
Theo Sở NN-PTNT, hiện đàn bò của tỉnh gần 190.000 con. Nguyên nhân giá bò giảm là do lượng bò ngoại nhập về nhiều, còn người dân chăn nuôi nhỏ lẻ nên chi phí tăng cao. Rõ ràng, việc giá bò giảm mạnh đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến một bộ phận người nông dân.
Người tiêu dùng phải trả giá cao
Trong khi giá bò hơi giảm mạnh thì thịt bò bán tại các chợ lại không hề giảm. Tùy theo loại, hiện giá thịt bò thương phẩm tại các chợ trong tỉnh dao động từ 180.000-240.000 đồng/kg. Khi người tiêu dùng thắc mắc tại sao giá bò hơi tại chuồng xuống thấp, nhưng giá thịt bò lại không giảm theo, nhiều tiểu thương cho rằng do họ mua thịt tại các lò mổ với giá cao nên phải bán cho người tiêu dùng ở mức như vậy.
Bà Trần Thị Nhung, tiểu thương bán thịt bò ở chợ Phú Lâm, TP Tuy Hòa, phân trần: Mua thịt tại lò mổ ở mức cao thì chúng tôi cũng phải bán ra giá cao hơn một chút để có lời. Dù giá cao, nhưng thịt bò vẫn được tiêu thụ mạnh. Khi đến mua, ai cũng hỏi chuyện nghịch lý giá bò từ chuồng đến chợ. Rất khó giải đáp, vì tôi có đến tận chuồng mua bò về mổ để bán đâu”.
Theo những người chuyên mua bò, thông thường, sau khi người chăn nuôi bán bò cho thương lái, bò sẽ được chuyển đến các lò mổ. Sau khi xẻ thịt, chủ lò mổ bán thịt lại cho các tiểu thương trước khi đến tay người tiêu dùng. Chính vì qua nhiều khâu trung gian, mỗi khâu kiếm lời một ít, nên người tiêu dùng mới chịu mức giá cao như vậy.
VÂN NGUYÊN
- Kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm và các loại đặc sản
- Kỹ thuật trồng trọt cây ăn trái, rau màu và các loại cây lương thực, cây công nghiệp khác
Các tin mới:
Kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng và chế biến thủy hải sản
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.