• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Ðổ xô xây nhà 'dụ' chim yến

Nguồn tin: Báo Lâm Đồng, 10/04/2018
Ngày cập nhật: 12/4/2018

Từ những “tin đồn” chưa được kiểm chứng về nguồn lợi “khổng lồ” mà nghề nuôi chim yến mang lại, nhiều năm qua, người dân huyện Ðạ Huoai, tỉnh Lâm Đồng đã đổ xô đầu tư xây nhà “dụ” yến với hy vọng đổi đời. Trong khi nhà dụ yến liên tiếp mọc lên trong khu dân cư với nguồn vốn đầu tư lớn (từ 700 triệu đồng đến 2,5 tỷ đồng/căn), nhưng hiệu quả kinh tế mang lại chưa thể đánh giá và tiềm ẩn nhiều nguy cơ như dịch bệnh, tiếng ồn và thua lỗ…

Người dân thị trấn Mađaguôi đang đổ xô xây nhà dụ yến. Ảnh: K.P

Nhà “dụ” yến mọc lên chóng mặt

Qua giới thiệu của người dân địa phương, chúng tôi tìm đến mô hình nuôi chim yến của ông Nguyễn Văn Võ (ngụ tại Tổ dân phố 7, thị trấn Mađaguôi). Ông Võ được biết đến là một trong những người đặt “nền móng” đầu tiên cho nghề nuôi yến ở Đạ Huoai. Theo chia sẻ của ông Võ thì ông đến với nghề nuôi yến một cách rất tình cờ cách đây 9 năm trước. Khi đó, ông bán quán nhậu và thấy sát bên cạnh có một người ở Đồng Nai mua đất xây căn nhà hình tháp chẳng giống ai. Khi người này xây xong, rồi lắp các thiết bị phát âm thanh thì hỏi ra ông mới biết người này xây nhà “dụ” chim yến về làm tổ nên tập tành học hỏi làm theo.

Ông Võ cho biết: “Sau gần 10 năm đeo đuổi nghề, đến nay tôi đã có 2 nhà “dụ” chim yến. Mỗi căn nhà tôi xây 3 tầng (trị giá hơn 2 tỷ đồng/căn), tầng dưới để ở và 2 tầng trên được tôi gắn các thiết bị để “dụ” yến về làm tổ. Tuy không thể thống kê, nhưng ước tính đàn chim yến đã và đang về làm tổ tại 2 nhà yến của tôi là hàng ngàn con. Hiện trung bình mỗi tháng, 2 nhà “dụ” yến mang lại cho gia đình tôi từ 17 - 20 kg tổ yến thô. Suốt hơn 2 năm qua tới nay, với giá bán tổ yến dao động từ 20 - 22 triệu đồng/kg thì 2 nhà yến mang về cho gia đình tôi nguồn lợi thu nhập ngoài sức tưởng tượng từ 350 - 400 triệu đồng/tháng”.

Khi nghe ông Võ nói về nguồn thu nhập khổng lồ từ nghề “dụ” yến của gia đình, chúng tôi tò mò xin lên xem nhà yến nhưng ông Võ nói không được và lý giải: “Yến là loài chim tự nhiên, nên để “dụ” được chúng về làm tổ ngoài yếu tố kỹ thuật thiết kế nhà thì còn phải dựa vào “may mắn” nên phải “kiêng”. Cũng giống như những người nuôi yến khác, từ khi theo nghề đến nay tôi chưa cho bất kỳ người lạ nào leo lên nhà yến. Bởi tôi sợ chim yến thấy hơi người lạ sẽ bỏ đi, nên mong anh thông cảm!”.

Rời nhà ông Võ, chúng tôi lân la khắp thị trấn Mađaguôi để nắm thêm thông tin thì người dân cho biết, con số 350 - 400 triệu đồng/tháng mà ông Võ thu được từ nghề nuôi yến chỉ là “tin đồn”. Còn ở địa phương chưa người dân nào tận mặt được chứng kiến ông Võ thu 17 - 20 kg tổ yến/tháng. Ông Nguyễn Hóa, một người dân mới xây nhà “dụ” yến (ngụ Tổ 4, thị trấn Mađaguôi) lo ngại: “Thấy người ta bảo nuôi yến chỉ mất tiền xây nhà, rồi khoảng 3 năm sau cứ ngồi thế lấy tiền nên tôi đã đầu tư hơn 1 tỷ đồng xây nhà “dụ” yến. Song, nhà đã xây xong và gắn thiết bị “dụ” yến suốt 4 tháng nay nhưng hiện vẫn chưa có con nào về ở. Bao nhiêu vốn liếng tích góp cả đời tôi đã đổ hết vào ngôi nhà “dụ” yến này, giờ thấy vậy rất lo lắng nhưng cũng đành chấp nhận đánh cược với may rủi”.

Theo thống kê, hiện nay, toàn huyện Đạ Huoai đang có khoảng 70 ngôi nhà cao tầng được người dân đầu tư xây dựng để nuôi yến. Nghề nuôi yến ở Đạ Huoai được bắt đầu cách đây khoảng 10 năm. Riêng 2 năm trở lại đây, có khoảng 50 ngôi nhà “dụ” yến được xây mới với nguồn vốn đầu tư từ 700 triệu đồng đến 2,5 tỷ đồng/ngôi. Trong tất cả các địa phương thì thị trấn Mađaguôi là nơi tập trung nhà “dụ” yến nhiều nhất với khoảng 40 ngôi. Tiếp đó là thị trấn Đạ M’ri, với 9 ngôi nhà “dụ” chim yến được xây dựng. Tuy nhiên kết quả thành công mà nhà “dụ” yến ở Đạ Huoai mang lại chỉ mới đếm được trên đầu ngón tay.

Tiềm ẩn nhiều nguy cơ!

Thực tế cho thấy, hiện nay, hầu hết nhà “dụ” yến ở Đạ Huoai đều được xây dựng trong khu dân cư. Vì vậy, việc nhà yến mọc lên với tốc độ “chóng mặt” đang khiến người dân và chính quyền địa phương đặt dấu hỏi về tiếng ồn và khả năng kiểm soát dịch bệnh. Ông Quang, một người dân ngụ tại Tổ 7 (thị trấn Mađaguôi), phản ánh: “Bao quanh nhà tôi có đến gần 10 nhà “dụ” yến. Hàng ngày, từ 5 giờ sáng đến 8 giờ tối, những âm thanh “cộng hưởng” phát ra từ mấy cái loa “dụ” yến cùng với tiếng kêu của chim yến khiến cả khu phố điếc tai, đau đầu. Loa phát trên cao, chúng tôi thì ở dưới thấp nên mất ăn, mất ngủ mệt mỏi vô cùng. Hàng xóm với nhau, nói ra thì sợ mất lòng nhưng không nói thì không chịu nổi”.

Nói về hiệu quả của nghề “dụ” yến ở địa phương, ông Trần Anh Dũng, Chủ tịch UBND thị trấn Mađaguôi (huyện Đạ Huoai) khẳng định: “Hiện nay, nghề nuôi yến ở địa phương chưa có quy hoạch mà chủ yếu là tự phát nên rất khó kiểm soát. Theo ghi nhận, trong khoảng 50 hộ xây nhà “dụ” yến tại địa phương thì chỉ mới có 3 nhà cho thu nhập, nhưng hiệu quả thế nào thì vẫn chưa thể đánh giá chính xác được. Hiện tại ở địa phương có trường hợp xây nhà yến 3 năm nay, nhưng vẫn không có lấy 1 con về làm tổ. Vì thế, việc người dân tự phát đổ xô xây nhà dụ yến như hiện nay và nếu “may mắn” không đến thì nguy cơ không có yến về làm tổ dẫn đến thất bại là khó tránh khỏi”.

Trong khi đó, theo ông Đặng Hùng Việt, Trưởng Phòng NN - PTNT huyện Đạ Huoai thì yến là một loài chim sống tự nhiên, chúng có thể đi xa hàng chục, thậm chí hàng trăm km để kiếm ăn. Do vậy, nuôi chim yến chủ yếu phải dùng đến biện pháp “dẫn dụ” (dùng máy phát tín hiệu để gọi chim yến về làm tổ). Do vậy, việc nhà yến mọc lên quá nhiều trong khu dân cư thì nguy cơ gây tiếng ồn là khó tránh khỏi. Đặc biệt, vì yến sống trong môi trường tự nhiên nên việc tiêm phòng dịch bệnh cho loài chim này là không thể. Do đó, nuôi yến trong khu dân cư luôn tiềm ẩn nguy cơ dịch bệnh và ô nhiễm môi trường.

“Trước thực trạng nghề nuôi yến đang “nở rộ” tại địa phương, chúng tôi đã có văn bản góp ý trình Sở NN - PTNT và các cơ quan chức năng xem xét để có những điều chỉnh, bổ sung phù hợp về công tác quản lý nghề nuôi yến. Trong đó, vấn đề được chính quyền địa phương và người dân quan tâm nhất đó là tiếng ồn, nguy cơ dịch bệnh và hiệu quả kinh tế. Tới đây, chúng tôi sẽ phối hợp với cơ quan liên quan và các địa phương tiến hành kiểm tra để đánh giá rõ hiệu quả và tiềm năng nghề nuôi yến tại địa phương để đưa ra nhưng khuyến cáo cho người dân” - ông Việt cho biết thêm.

KHÁNH PHÚC

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang