Nguồn tin: Báo Gia Lai, 12/04/2018
Ngày cập nhật:
14/4/2018
Sau 5 năm triển khai, mô hình “Hỗ trợ giống heo rừng cho thanh niên” do Huyện Đoàn phối hợp với Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Chư Pah (tỉnh Gia Lai) thực hiện đã mang lại hiệu quả rõ rệt.
Chỉ tay vào đàn heo với hàng trăm con lớn nhỏ, anh Nguyễn Văn Chuyền (thôn 1, xã Nghĩa Hưng) kể cho chúng tôi nghe chuyện thoát nghèo từ việc được Đoàn Thanh niên xã Nghĩa Hưng hỗ trợ giống heo rừng. Đang tuổi thanh niên sức dài vai rộng lại rất chịu khó nhưng anh Chuyền thiếu đất sản xuất. Vì thế, trong lần họp xét hỗ trợ giống heo rừng cho thanh niên trong xã thoát nghèo, anh Chuyền được chọn hỗ trợ đầu tiên.
Chị Ksor H’Phưn đang cho đàn heo rừng ăn. Ảnh: Đ.Y
Năm 2013, anh được Đoàn Thanh niên xã tặng 2 con heo giống, đồng thời được cán bộ Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi. Nhờ chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật nên 6 tháng sau, heo mẹ đẻ lứa đầu tiên được 12 con. Từ đó, anh Chuyền bắt đầu chọn những con to khỏe nhất để nhân đàn. Theo anh Chuyền, heo rừng là động vật hoang dã, sống thích nghi tốt với tự nhiên, sức đề kháng cao, ít dịch bệnh, dễ nuôi và ít công chăm sóc. “Nuôi heo rừng khoảng 12 kg trở lên là xuất chuồng. Với giá bán 100 ngàn đồng/kg, trừ chi phí, mỗi con heo gia đình tôi thu lãi 1 triệu đồng. Từ số tiền bán heo, tôi đầu tư mua máy xay thịt làm giò chả, nem. Giò chả, nem muốn ngon thì chỉ làm bằng thịt heo rừng”-anh Chuyền chia sẻ.
Theo quy định, những thanh niên được nhận cặp heo giống hỗ trợ, khi heo đẻ lứa đầu, nuôi được 7-8 kg thì sẽ chuyển con giống cho người khác. Nhờ việc luân chuyển hỗ trợ giống heo này, sau 5 năm đã có 45 thanh niên, trong đó đa số là thanh niên dân tộc thiểu số được hỗ trợ con giống. Là người được xét hỗ trợ cặp heo giống từ anh Nguyễn Văn Chuyền, chị Ksor H’Phưn (làng Brông, xã Nghĩa Hưng) vui mừng nói: “Cuối năm 2015, tôi được hỗ trợ cặp heo giống từ anh Chuyền. Đến thời điểm này, tôi nhân được 3 con heo nái và trên 50 con heo thịt. Nếu không có cặp giống heo hỗ trợ thì chưa biết đến bao giờ gia đình tôi mới thoát nghèo”.
Trao đổi với P.V, anh Trịnh Công Duy-Phó Bí thư Huyện Đoàn Chư Pah, cho biết: “Để mô hình hỗ trợ giống heo rừng tiếp tục phát huy hiệu quả, Huyện Đoàn sẽ rà soát lại những thanh niên được nhận hỗ trợ con giống, giúp tập huấn kỹ thuật chăm sóc để có thêm kinh nghiệm nuôi heo. Theo dự tính, khoảng 5 năm tới, sẽ có hàng trăm thanh niên trên địa bàn huyện được hỗ trợ giống heo rừng, qua đó từng bước giúp các gia đình thanh niên từng bước thoát nghèo, vươn lên trong cuộc sống”.
Cũng theo anh Duy, mỗi cặp heo rừng trị giá 6 triệu đồng. Với những thanh niên dân tộc thiểu số mới lập nghiệp, số tiền này càng có ý nghĩa. Được hỗ trợ con giống, họ có thêm động lực đầu tư làm chuồng và nhân đàn. “Chúng tôi đã nghĩ đến việc tìm kiếm thị trường cho heo rừng để giúp đoàn viên thanh niên có nguồn thu nhập ổn định, thoát nghèo bền vững”-Phó Bí thư Huyện Đoàn Chư Pah cho biết thêm.
Đinh Yến
- Kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm và các loại đặc sản
- Kỹ thuật trồng trọt cây ăn trái, rau màu và các loại cây lương thực, cây công nghiệp khác
Các tin mới:
Kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng và chế biến thủy hải sản
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.