• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Tuyên Quang: Giải pháp phát triển chăn nuôi hiệu quả bền vững

Nguồn tin: Khuyến Nông VN, 10/04/2018
Ngày cập nhật: 14/4/2018

Tuyên Quang với đặc thù của tỉnh miền núi phía Bắc có nhiều lợi thế để phát triển chăn nuôi. Một số doanh nghiệp lớn về chăn nuôi bò sữa, gia súc, gia cầm như Vinamilk, Dabaco, TH… đã và đang xây dựng cơ sở chăn nuôi quy mô lớn tại Tuyên Quang.

Năm 2017, lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn của Tuyên Quang tiếp tục có bước phát triển. Tổng giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản đạt trên 7.700 tỷ đồng tăng 4,08% so với năm 2016; trong đó, chăn nuôi tiếp tục chuyển dịch tích cực, nhiều trang trại đã hình thành và phát triển, giá trị sản xuất ngành chăn nuôi đạt gần 2.400 tỷ đồng (chiếm trên 30 % giá trị sản xuất của toàn ngành nông nghiệp), tăng 3,1% so với năm 2016. Hiện tổng đàn trâu của tỉnh có trên 110 nghìn con, đàn bò trên 33 nghìn con, đàn lợn gần 600 nghìn con, đàn gia cầm trên 5,7 triệu con.

Nhằm khuyến khích và tạo điều kiện cho ngành chăn nuôi phát triển, tỉnh Tuyên Quang đã quy hoạch phát triển chăn nuôi giai đoạn 2012- 2020; ban hành nhiều chính sách khuyến khích, hỗ trợ hợp tác xã, chủ trang trại, hộ chăn nuôi phát triển, đồng thời tạo cơ chế thông thoáng để thu hút doanh nghiệp đầu tư phát triển chăn nuôi trên địa bàn, như ưu tiên hỗ trợ: Phát triển đàn trâu, bò, lợn, gia cầm đủ tiêu chuẩn để làm giống; phối giống nhân tạo cho trâu, bò, lợn; kinh phí mua vắc-xin và tiền công tiêm phòng bệnh lở mồm long móng, bệnh dịch tả lợn cho đàn gia súc; mua thuốc khử trùng trong việc vệ sinh phòng bệnh; hỗ trợ vắc-xin phòng bệnh cho cho đàn gia súc, gia cầm tại các xã đặc biệt khó khắc, xã vùng II, vùng III của tỉnh. Thông qua các cơ chế, chính sách trên, trong hơn 3 năm qua, đã có 3.222 hộ và 372 trang trại được được các ngân hàng giải ngân vay 292,9 tỷ đồng để phát triển sản xuất, ngân sách tỉnh đã chi 11,8 tỷ đồng để hỗ trợ tiền lãi suất vay ngân hàng của các hộ, chủ trang trại.

Mô hình nuôi trâu vỗ béo an toàn sinh học tại hộ ông Lê Văn Thứ, xã Vinh Quang, huyện Chiêm Hóa

Tuy nhiên, ngành chăn nuôi của tỉnh vẫn còn bộc lộ một số tồn tại, hạn chế, như: Chăn nuôi chưa phát triển theo quy hoạch, chăn nuôi nhỏ lẻ và xen kẽ trong khu dân cư còn chiếm tỷ lệ cao; chưa hình thành được nhiều chuỗi liên kết từ chăn nuôi đến giết mổ, chế biến, tiêu thụ sản phẩm; chưa có kênh tiêu thụ sản phẩm ổn định, còn phụ thuộc nhiều vào thương lái. Hoạt động giết mổ chủ yếu vẫn còn nhỏ lẻ (toàn tỉnh mới có 01 cơ sở giết mổ tập trung, 602 cơ sở giết mổ quy hộ gia đình, 13 cơ sở nhỏ lẻ được chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh thú y); việc xử lý chất thải và môi trường tại nhiều trang trại chăn nuôi, cơ sở giết mổ chưa được kiểm soát tốt; nhiều hộ chăn nuôi còn chủ quan trong công tác phòng chống dịch bệnh.

Với mục tiêu năm 2018, giá trị sản xuất ngành nông nghiệp đạt trên 8.000 tỷ đồng, trong đó chăn nuôi đạt trên 2.470 tỷ đồng; đến năm 2020, hàng năm đàn trâu tăng 2 %, đàn bò tăng 5 %, đàn lợn tăng 6 %, đàn gia cần tăng 6,7 %. Phát huy lợi thế về đất đai, kinh nghiệm, cơ sở hạ tầng hiện có, đồng thời sớm khắc phục những tồn tại, hạn chế… để ngành chăn nuôi của tỉnh Tuyên Quang phát triển ổn định, bền vững, hiệu quả cần tập trung vào một số giải pháp chính sau:

Thứ nhất, từng bước nâng cao chất lượng đàn vật nuôi, đặc biệt là trong công tác giống, trên cơ sở tổ chức phát triển chăn nuôi theo quy hoạch, vùng chăn nuôi tập trung gắn với xây dựng nông thôn mới. Tiếp tục hướng dẫn phát triển chăn nuôi theo vùng, xã trọng điểm, trang trại chăn nuôi quy mô lớn ngoài khu dân cư, đồng thời ứng dụng công nghệ sinh học trong xử lý môi trường, sử dụng quy trình, công nghệ mới trong xử lý chất thải, đảm bảo thực hiện tốt việc xử lý chất thải trong chăn nuôi để bảo vệ môi trường sinh thái, sức khỏe cộng đồng, đồng thời phải tận dụng tối đa nguồn chất thải trong chăn nuôi để chế biến làm phân bón hữu cơ phục vụ sản xuất trồng trọt.

Mô hình nuôi lợn thịt trên nền đệm lót sinh học tại xã Tiến Bộ, huyện Yên Sơn

Thứ hai, đẩy mạnh chăn nuôi theo hướng công nghiệp, an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, VietGAHP; khuyến khích các tổ chức, cá nhân có tiềm lực đầu tư vào chăn nuôi áp dụng kỹ thuật tiên tiến, công nghệ cao, tăng cường sử dụng thức ăn sinh học để tạo sản phẩm chất lượng, an toàn thực phẩm cung cấp cho người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh, tiến tới xuất khẩu. Đồng thời phát huy tiềm năng, lợi thế của từng địa phương trong tỉnh để nâng cao giá trị sử dụng các sản phẩm nông nghiệp sẵn có chế biến làm thức ăn chăn nuôi, như: ngô, sắn, đậu tương, lạc… trong chăn nuôi lợn, gia cầm; tổ chức trồng cây thức ăn gia súc và tận dụng thân lá mía, cây ngô… để phát triển chăn nuôi đại gia súc tại các huyện Chiêm Hóa, Na Hang, Lâm Bình, Sơn Dương, Yên Sơn.

Thứ ba, tổ chức lại sản xuất chăn nuôi, thực hiện phát triển chăn nuôi gắn với thị trường; đẩy mạnh phát triển chuỗi liên kết chăn nuôi gắn với tiêu thụ sản phẩm, liên kết với các doanh nghiệp chế biến, kinh doanh thực phẩm, tạo chuỗi liên kết, tiêu thụ sản phẩm lâu dài, bền vững, có kiểm soát, truy xuất nguồn gốc. Đầu tư xây dựng các cơ sở giết mổ tập trung; cơ sở chế biến, bảo quản; nâng cấp các cơ sở giết mổ hiện có, xây dựng các điểm bán lẻ đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh thú y; chú trọng việc xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu cho sản phẩm có thế mạnh của tỉnh; duy trì phát huy hoạt động có hiệu quả các tổ nhóm, hợp tác xã chăn nuôi trong mối liên kết ngang và liên kết dọc trong quá trình chăn nuôi.

Thứ tư, thực hiện tốt các chính sách hiện hành của tỉnh về khuyến khích, hỗ trợ phát triển chăn nuôi để người chăn nuôi tiếp cận nhanh với khoa học kỹ thuật và nguồn vốn để đầu tư mở rộng sản xuất cho hiệu quả cao. Rà soát, sửa đổi, bổ sung quy hoạch chăn nuôi cho phù hợp; xây dựng chính sách đặc thù của tỉnh trên cơ sở vận dụng hiệu quả, linh hoạt các cơ chế, chính sách của Trung ương. Thực hiện tốt công tác dự tính, dự báo, thông tin chính xác, thường xuyên đối với giá cả thị trường, nhu cầu tiêu dùng đối với các sản phẩm chăn nuôi để người chăn nuôi tiếp cận, cập nhật và thực hiện.

Thứ năm, năng cao năng lực hệ thống chăn nuôi, thú y, khuyến nông từ tỉnh đến cơ sở để thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, nhất là việc chuyển giao tiến bộ kỹ thuật trong chăn nuôi, đồng thời giúp người chăn nuôi nâng cao kiến thức về khoa học kỹ thuật và thị trường, chủ động làm tốt công tác phòng, chống dịch bệnh, góp phần để ngành chăn nuôi của tỉnh phát triển bền vững, hiệu quả, bảo vệ môi trường, cung cấp thực phẩm an toàn cho người sử dụng./.

Nguyễn Đại Thành - Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Tuyên Quang

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang