• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Ninh Thuận: Triển khai cấp bách các giải pháp chăm sóc đàn gia súc trong mùa khô hạn

Nguồn tin: Báo Ninh Thuận, 14/4/2018
Ngày cập nhật: 16/4/2018

Theo dự báo của Đài khí tượng Thủy văn Trung ương, hiện tượng nắng nóng năm 2018 sẽ xảy ra trên diện rộng từ miền Trung đến Tây Nguyên. Tại tỉnh Ninh Thuận, dự báo mùa khô hạn có khả năng bắt đầu từ cuối tháng 4 và kéo dài đến tháng 8. Đây cũng là thời điểm đàn gia súc thường thiếu thức ăn và nước uống, gây suy dinh dưỡng, mất sức đề kháng và dẫn đến chết.

Thực tế, tình hình khô hạn đã xuất hiện cục bộ tại một số địa phương trên địa bàn tỉnh; tình trạng cừu suy kiệt và bắt đầu chết rải rác cũng đã xảy ra. Vì vậy, các giải pháp ứng cứu cho đàn gia súc trong mùa khô hạn đang được ngành chăn nuôi và thú y triển khai cấp bách.

Có mặt tại thôn Đồng Dày, xã Phước Trung (Bác Ái) những ngày đầu tháng 4, theo ghi nhận của chúng tôi, những cánh đồng cỏ và ao, hồ chứa nước nơi đây đã khô và cạn kiệt. Hai hồ thủy lợi phục vụ cho sản xuất nông nghiệp của địa phương là hồ Phước Trung và hồ Phước Nhơn cũng đã “trơ đáy”. Trong khi các chủ trang trại chăn nuôi cừu đóng trên địa bàn xã Phước Trung đang lo lắng vì chưa tìm ra giải pháp nào để giúp đàn cừu của mình, thì mỗi ngày đi qua tổng đàn của họ lại vơi đi một hai con. Theo anh Trần Cao Hòa, một chủ trang trại chăn nuôi cừu quy mô trên 1.000 con tại khu vực thôn Đồng Dày cho biết, từ tháng 3 đến nay, số cừu chết của trại anh đã gần 100 con, riêng đầu tháng 4 đến nay cứ trung bình mỗi ngày có 3 con chết, số cừu suy kiệt vẫn còn nhiều. Hiện anh đang tính đến phương án phân tán đàn để di dời đến các vùng khác, tuy nhiên rất khó khăn, vì với tình trạng khô hạn như hiện nay người chăn nuôi nào cũng phải tính phương án di chuyển đàn mà đến các khu vực khác thì cũng bị xua đuổi bởi vì họ cũng phải giữ cỏ, giữ nước cho đàn của địa phương.

Người chăn nuôi cừu xã Phước Trung đang đối mặt với nhiều khó khăn trong mùa khô hạn.

Theo báo cáo của Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, hiện nay với tổng đàn gia súc toàn tỉnh trên 415.300 con, thì lượng thức ăn để cung cấp trong vòng 4 tháng mùa khô (từ tháng 4 – 8) vào khoảng 502.000 tấn. Tuy nhiên, dựa vào tình hình sản xuất, dự trữ thức ăn cho đàn gia súc trong vụ đông- xuân 2018 thì lượng thức ăn chỉ đạt khoảng trên 290.000 tấn, vì vậy sẽ còn thiếu gần 45% so với nhu cầu. Trong đó, một số địa phương được dự báo sẽ thiếu hụt nguồn thức ăn cho gia súc rất cao. Điển hình như huyện Thuận Bắc, Bác Ái nguồn thức ăn dự báo chỉ đáp ứng đủ cho tổng đàn khoảng hơn 60 ngày; huyện Ninh Hải chỉ đủ khoảng 75 ngày; một số xã như Phước Nam, Nhị Hà (Thuận Nam) cũng có khả năng sẽ thiếu hụt vào những tháng cuối mùa khô.

Trong khi nguồn thức ăn được dự báo sẽ thiếu hụt lớn, thì nguồn nước uống cũng đang là nỗi lo của người chăn nuôi. Hiện nay, nhiều suối, ao, hồ vừa và nhỏ tại một số khu vực vùng tâm hạn trên địa bàn tỉnh đã khô cạn. Một số hồ thủy lợi phục vụ cho sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh như: hồ Ông Kinh đã hết nước; Phước Nhơn, Bàu Dôn, Tà Ranh, Suối Lớn… đều đã xuống dưới mực nước chết. Theo ngành nông nghiệp, dự báo đến cuối tháng 4 chỉ còn 11 hồ trong tổng số 21 hồ chứa trên địa bàn tỉnh còn đủ nước để phục vụ cho sản xuất vụ hè-thu. Tình trạng thiếu nước có thể sẽ xảy ra tại một số khu vực tâm hạn của tỉnh.

Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Công Quang, Phó Chi Cục Trưởng, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh cho biết: Trước tình hình khô hạn đã và đang xảy ra trên địa bàn tỉnh, cùng với dự báo về việc thiếu hụt nguồn thức ăn, nguồn nước cho đàn gia súc, ngành đã có thông báo đến Chi cục Thủy lợi tỉnh để đơn vị này có sự điều chỉnh cũng như khuyến cáo về việc sử dụng nguồn nước hợp lý. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng đã triển khai các giải pháp cấp bách đề nghị chính quyền các địa phương khuyến cáo đến người chăn nuôi thực hiện các biện pháp dự trữ, bảo quản thức ăn, phòng, chống thiệt hại cho đàn gia súc như: Người dân cần tận dụng, thu gom phế phụ phẩm sau thu hoạch để dự trữ, bảo quản và chế biến làm thức ăn cho gia súc; hạn chế việc tái đàn, nên bán bớt gia súc đến tuổi bán thịt và gia súc già cần loại thải; đàn gia súc số lượng lớn cần tách đàn để tiện việc chăm sóc cũng như di chuyển đàn từ vùng khô hạn đến dọc các kênh Nam, kênh Bắc, dọc Sông Cái…để chăn thả. Đặc biệt, cần chủ động tiêm phòng vắc-xin cho gia súc theo đúng quy định, nhất là vắc-xin lở mồm long móng để tránh tình trạng xảy ra dịch bệnh mùa khô.

Trong tình trạng khô hạn đang diễn ra và được dự báo sẽ có thể tiếp tục gay gắt như mùa hạn năm 2014 – 2015, thì các giải pháp được ngành chăn nuôi triển khai cấp bách rất cần thiết. Tuy nhiên, chính quyền các địa phương cũng cần phối hợp thật chặt chẽ và đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền đến người dân; người chăn nuôi cũng thực hiện tốt các khuyến cáo của ngành chức năng đưa ra để hạn chế thiệt hại cho kinh tế của gia đình.

Nguyễn Sơn

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang