Nguồn tin: Báo Thanh Hóa, 17/4/2018
Ngày cập nhật:
19/4/2018
Từ hai bàn tay trắng, thanh niên Nguyễn Văn Tú ở xã Hưng Lộc (Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa) đã tìm tòi nuôi chim yến thành công. Đồng thời, anh sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm để ngày càng có nhiều người nuôi và phát triển nghề nuôi chim yến bền vững tại Thanh Hóa.
Một phòng cho chim yến làm tổ tại căn nhà của thanh niên Nguyễn Văn Tú.
Nghề nuôi chim yến và khai thác yến sào chỉ thuận lợi ở Khánh Hòa và các tỉnh phía Nam do có thời tiết ấm áp quanh năm. Tại Thanh Hóa, mùa đông thường lạnh giá gây bất lợi nên nhiều mô hình nuôi yến trước đây đã thất bại. Tự nghiên cứu, mày mò và sáng tạo áp dụng những tiến bộ khoa học vào sản xuất, thanh niên Nguyễn Văn Tú, quê thôn Tây Hòa, xã Hưng Lộc đã thành công, cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
Chúng tôi tìm về khu nhà nuôi chim yến và cơ sở sản xuất các sản phẩm yến sào ngay tại xã Hưng Lộc. Quanh co theo những con đường bê tông nhỏ bé đến thôn Tây Hòa, từ xa chúng tôi đã nghe tiếng chim kêu ríu rít. Một ngôi nhà 2,5 tầng khang trang nhưng gia đình Tú chỉ ở tầng 1, tầng 2 và tum dành cho chim làm tổ. Cầm đèn pin dẫn chúng tôi đi thăm, Tú cặn kẽ giải thích: Chim yến thích bóng tối nên ngoài một khoảng trên tum để chim vào, em không thiết kế cửa sổ hay cửa chính nào. Trên tường, chỉ đặt các hàng ống nước làm lỗ thông hơi cho chim thoáng mát. Tất cả thiết kế, bài trí trần gỗ làm sao càng giống hang động tự nhiên, càng lắm ngóc ngách càng tốt. Trên trần nhà và bờ tường, chi chít những tổ yến màu trắng ngà.
Cái hay của nuôi chim yến là không phải đầu tư mua giống, không phải tốn tiền đầu tư mua thức ăn cho chim. Sau khi có cơ sở hạ tầng đúng cách, chỉ cần mua phân chim trát lên tường để tạo mùi, dùng hệ thống loa nhỏ phát âm thanh tiếng chim để dụ những con chim yến tự nhiên về làm tổ. Từ một số tổ ban đầu, chúng dần sinh sôi, nảy nở, tách đôi ra làm tổ mới ở bên cạnh. Cùng với những cặp chim mới ngoài tự nhiên luôn tìm đến, số lượng chim và tổ cứ thế tăng dần, cho số lần khai thác tổ trong năm ngày càng nhiều. Lý thuyết là vậy, song để làm được điều đó cũng không phải dễ. Theo Tú, tất cả phải qua kinh nghiệm. Tần số âm thanh tiếng chim phải phù hợp, không lớn quá, cũng không nhỏ quá. Nhiệt độ duy trì trong nhà phải ở mức 24 đến 25 độ C... Để có được những kinh nghiệm này, Tú đã phải trả giá và gần như khuynh gia bại sản. Bắt đầu triển khai nuôi yến từ năm 2014, đàn chim tăng nhanh khiến gia đình vô cùng vui mừng. Mùa đông năm 2015, gần như toàn bộ 2.000 con đã chết cóng, tưởng chừng như phải từ bỏ nghề. Không từ bỏ, Tú tiếp tục phục hồi sản xuất, lắp hệ thống lò sưởi điện và điều hòa hai chiều tự động để “đối phó” với những mùa đông sau. Ngay trong năm 2016, Tú thu 4 kg tổ yến, giá trị 80 triệu đồng. Đến năm 2017 vừa qua, lượng tổ yến thu được đã tăng lên 7kg, bán được gần 170 triệu đồng. Đáng nói, mùa đông vừa qua, đàn chim hàng nghìn con nhưng chỉ có 5 con chim chết. Sau 2 lần “khắc chế” được mùa đông nghiệt ngã với đàn chim vốn quen khí hậu ấm áp quanh năm, đến năm 2018 này, gia đình Tú dự kiến thu khoảng 15 kg tổ yến và thu nhập hơn 300 triệu đồng. Có được những thành công ban đầu, Tú đã quyết định thành lập Công ty Sản xuất và Thương mại yến sào Xứ Thanh, phát triển thêm dịch vụ xây lắp nhà yến tại Thanh Hóa. Đến nay, công ty đã tiến hành xây lắp và chuyển giao công nghệ nuôi cho 10 cơ sở nuôi yến tại các huyện Hậu Lộc, Quảng Xương, Triệu Sơn, Thiệu Hóa và TP Thanh Hóa. Khi chúng tôi có mặt tại đây, Tú cũng mới ký được hợp đồng xây lắp nhà yến tại khu vực núi Hàm Rồng, TP Thanh Hóa.
Khi đã thành công trong nuôi thương phẩm khai thác tổ yến, Nguyễn Văn Tú quyết tâm không bán tổ yến thô với giá rẻ mà tự sơ chế, chế biến các sản phẩm từ yến để nâng cao giá trị kinh tế. Hiện nay, Tú đã mạnh dạn đầu tư nhà xưởng, hệ thống máy móc để chế biến các sản phẩm từ tổ yến. Cùng chúng tôi đi thăm quy trình sản xuất, Tú chỉ những máy móc hiện đại mới được nhập khẩu từ Thái Lan về. Ngoài những hộp yến qua sơ chế trắng phau, từng hũ yến dạng nước đậm đặc qua chế biến có thể dùng ngay đã ra lò. Hệ thống tem nhãn, đăng ký chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm đầy đủ để đưa ra thị trường đã được chủ doanh nghiệp trẻ hoàn thành trong tháng 3 vừa qua.
Bài và ảnh: Linh Trường
- Kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm và các loại đặc sản
- Kỹ thuật trồng trọt cây ăn trái, rau màu và các loại cây lương thực, cây công nghiệp khác
Các tin mới:
Kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng và chế biến thủy hải sản
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.