Nguồn tin: Báo Thanh Hóa, 19/4/2018
Ngày cập nhật:
21/4/2018
Phát triển chăn nuôi theo hướng tập trung, quy mô lớn đang là xu thế tất yếu của ngành chăn nuôi. Bởi, phát triển chăn nuôi tập trung, quy mô lớn không những giúp người chăn nuôi chủ động trong công tác phòng, chống dịch bệnh, bảo đảm vệ sinh môi trường, mà còn nâng cao hiệu quả kinh tế.
Khu trang trại chăn nuôi tập trung xã Cẩm Quý (Cẩm Thủy) đang được hoàn thiện.
Để bắt nhịp xu thế này, nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã thực hiện tạo quỹ đất để xây dựng các khu trang trại chăn nuôi tập trung, quy mô lớn. Tuy nhiên, mặc dù đã có định hướng, lộ trình, nhưng trên thực tế, việc triển khai xây dựng được các khu trang trại tập trung, quy mô lớn tại các địa phương lại không hề dễ.
Để khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng và phát triển khu trang trại chăn nuôi, cuối năm 2015, UBND tỉnh đã ban hành chính sách hỗ trợ hạ tầng khu trang trại chăn nuôi tập trung, quy mô lớn. Theo đó, tỉnh sẽ hỗ trợ xây dựng hạ tầng đến chân hàng rào cho khu trang trại chăn nuôi tập trung có ít nhất 4 trang trại chăn nuôi trở lên chăn nuôi thường xuyên, mỗi trang trại phải có quy mô 300 con trở lên đối với trang trại chăn nuôi bò, 200 con lợn nái ngoại sinh sản trở lên hoặc 100 con lợn nái ngoại sinh sản và 500 con lợn ngoại nuôi thịt trở lên đối với trang trại chăn nuôi lợn, còn đối với trang trại chăn nuôi gà phải có quy mô 20.000 con gà lông màu nuôi thịt trở lên hoặc 10.000 con gà lông màu nuôi sinh sản trở lên hoặc 10.000 con gà lông màu nuôi thịt và 5.000 con gà lông màu nuôi sinh sản trở lên. Mức hỗ trợ là 100% kinh phí xây dựng, nhưng không quá 3 tỷ đồng/khu đối với khu trang trại khu vực miền xuôi và 3,5 tỷ đồng đối với trang trại khu vực miền núi. Thực hiện chính sách hỗ trợ này, trong năm 2017, UBND tỉnh đã phê duyệt phân bổ 22,5 tỷ đồng để hỗ trợ các tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng khu trang trại chăn nuôi bảo đảm các tiêu chí theo quy định hỗ trợ.
Có thể nói, chính sách đã tạo động lực lớn, góp phần không nhỏ trong việc tháo gỡ khó khăn về nguồn vốn để xây dựng các khu trang trại cho các chủ đầu tư. Điển hình như huyện Cẩm Thủy, nhờ thực hiện có hiệu quả các giải pháp và chính sách hỗ trợ kích cầu từ tỉnh, năm 2017, huyện đã xây dựng được 2 khu trang trại chăn nuôi tập trung, quy mô lớn tại 2 xã Cẩm Tú và Cẩm Quý.
Tại xã Cẩm Quý, một khu trang trại chăn nuôi tập trung, quy mô lớn được xây dựng theo quy trình chăn nuôi khép kín, có quy mô 7 ha, với 8 trang trại nuôi đang được hoàn thiện. Để xây dựng được khu trang trại chăn nuôi này cần có quá trình vận động, hướng dẫn, tạo điều kiện và cùng các chủ đầu tư tháo gỡ những khó khăn của các cấp chính quyền từ huyện đến xã và sự quan tâm, khuyến khích của ngành nông nghiệp. Chia sẻ về quá trình tháo gỡ khó khăn để xây dựng thành công khu trang trại này, ông Phạm Văn Sử, Phó Chủ tịch UBND xã Cẩm Quý, cho biết: Khu trang trại chăn nuôi tập trung được xây dựng trên diện tích quỹ đất xã dành riêng để phát triển chăn nuôi theo hướng trang trại từ nhiều năm trước đó, nên thuận lợi trong việc giải phóng mặt bằng. Để khuyến khích, thu hút các doanh nghiệp, hộ dân đầu tư xây dựng khu trang trại, ngoài việc tạo điều kiện cho chủ đầu tư được thuê đất với thời gian 30 năm, xã đã đề nghị cơ quan có thẩm quyền miễn 15 năm phí thuê đất. Cùng với đó, xã đã đứng ra làm chủ đầu tư để xây dựng hạ tầng khu trang trại; đồng thời, kêu gọi, tạo điều kiện để các hộ dân có tiềm lực kinh tế được vay nguồn vốn ưu đãi để đầu tư xây dựng khu trang trại. Hơn nữa, xã còn được tỉnh hỗ trợ 3,5 tỷ đồng để xây dựng hạ tầng, gồm: Trạm điện, đường bê tông kiên cố. Nhờ đó, xã đã kêu gọi được 4 hộ dân đầu tư xây dựng khu trang trại chăn nuôi, với tổng mức đầu tư hơn 20 tỷ đồng. Khu trang trại chăn nuôi này được khởi công từ tháng 9-2017, đến nay, hạ tầng khu trang trại đã cơ bản hoàn thiện, các chuồng nuôi đang được gấp rút hoàn thành, dự kiến đầu tháng 6-2018 sẽ đưa vào hoạt động, với số lượng thả nuôi ban đầu 1.200 nái ngoại hướng nạc. Được biết, các hộ dân cũng đã liên kết với Tập đoàn CP để bảo đảm đầu ra cho sản phẩm. Ngoài khu trang trại chăn nuôi tại xã Cẩm Quý; trước đó, xã Cẩm Tú cũng đang xây dựng được trang trại chăn nuôi lợn tập trung, quy mô lớn. Hiện trang trại này đã đi vào hoạt động, con nuôi đang sinh trưởng, phát triển tốt. 2 khu trang trại được xây dựng thành công trên địa bàn huyện Cẩm Thủy đã mở ra hướng giải quyết những khó khăn trong việc xây dựng khu trang trại chăn nuôi tập trung cho các địa phương.
Huyện Nga Sơn cũng là đơn vị nằm trong kế hoạch sẽ được nhận hỗ trợ để xây dựng 2 khu trang trại tập trung, quy mô lớn. Tuy nhiên, huyện không thể thực hiện được kế hoạch đề ra, do gặp khó khăn về quỹ đất, nguồn vốn đầu tư. Được biết, việc dành quỹ đất để phát triển chăn nuôi đã được các xã trên địa bàn huyện thực hiện từ nhiều năm trước, trên những diện tích này đã có nhiều hộ dân đầu tư xây dựng các trang trại, gia trại. Do vậy, việc bố trí được quỹ đất dành riêng xây dựng được khu trang trại chăn nuôi tập trung, quy mô lớn rất khó khăn. Bên cạnh đó, để đầu tư được một khu trang trại tập trung, quy mô lớn cần có nguồn vốn lớn, trong khi việc đầu tư vào lĩnh vực này lại chịu nhiều rủi ro về dịch bệnh, thị trường, nên việc kêu gọi doanh nghiệp, hộ dân đầu tư gặp nhiều khó khăn.
Bài và ảnh: Hương Thơm
- Kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm và các loại đặc sản
- Kỹ thuật trồng trọt cây ăn trái, rau màu và các loại cây lương thực, cây công nghiệp khác
Các tin mới:
Kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng và chế biến thủy hải sản
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.