Nguồn tin: Báo Ninh Thuận, 20/4/2018
Ngày cập nhật:
22/4/2018
Ông Tôn Long Dũng, Chủ tịch UBND xã Bắc Sơn (Thuận Bắc, tỉnh Ninh Thuận) giới thiệu anh Phạm Liên ở thôn Xóm Bằng 1 là một trong những nông dân chủ động chống hạn có hiệu quả ở địa phương. Anh đầu tư đào giếng, đào ao dự trữ nguồn nước bơm tưới đồng cỏ và cung cấp nước uống cho đàn gia súc ổn định trong những tháng mùa khô. Mô hình chống hạn hiệu quả của anh Liên được nhiều nông dân học tập kinh nghiệm làm theo.
Đến đầu thôn Xóm Bằng, chúng tôi lấy làm bất ngờ khi tận mắt nhìn thấy “gia trại” của gia đình anh Phạm Liên trồng cỏ voi, bắp lai lên xanh mơn mởn. Vợ chồng anh đang tất bật thu hoạch dưa gang chở ra bán ở chợ Bỉnh Nghĩa. Nghỉ tay và đưa chúng tôi thăm khu vườn, anh Liên tâm sự về quá trình phát triển kinh tế của gia đình. Anh cho biết quê gốc của anh ở làng Mỹ Tường, xã Nhơn Hải (Ninh Hải). Hồi nhỏ, anh lên xã Bắc Sơn chăn bò thuê cho ông Mười Tầm rồi ở lại sinh cơ lập nghiệp trên đồng đất dưới chân núi Xay. Buổi đầu khởi nghiệp, anh lấy chăn nuôi bò làm nguồn sinh kế của gia đình. Trong chăn nuôi, muốn phát triển lâu dài phải bảo đảm được nguồn thức ăn và nguồn nước uống cho đàn gia súc trong những tháng mùa khô. Làm ăn lần hồi tích cóp vốn liếng, đầu năm 2004, anh quyết tâm thuê máy đào giếng sâu 10 m, đường kính 5 m, chung quanh xây gạch táp lô. Đồng thời khoan lắp 3 ống nhựa sâu 12 m đặt máy hút nước lên chứa trong lòng giếng. Sử dụng mô tơ điện bơm nước lên tưới cho khu đất chuyên trồng cỏ, trồng bắp cung cấp nguồn thức ăn cho gia súc. Mùa khô năm 2014 nắng hạn khốc liệt, nhìn thấy giếng không đủ nguồn nước tưới, anh tiếp tục thuê máy đào ao rộng 100 m2 , sâu 8 m, chứa trên 600 m3 nước.
Anh Phạm Liên chủ động chống hạn hiệu quả ở xã Bắc Sơn.
Anh Phạm Liên chia sẻ: Tôi đầu tư hơn 4 lượng vàng thuê máy đào giếng, đào ao chủ động nguồn nước chăn nuôi gia súc. Với 5 sào đất trồng cỏ voi bảo đảm nguồn thức ăn xanh cung cấp cho đàn bò hơn 20 con. Ngoài ra mỗi năm mua thêm 20 xe rơm trị giá 25 triệu đồng cho đàn bò ăn bổ sung trong những tháng mùa khô. Nhờ chủ động được nguồn thức ăn, khi bà con quanh vùng bán bò gầy ốm, tôi mua về nuôi vỗ béo rồi bán, tăng thêm thu nhập gia đình. Từ nguồn lợi của đàn gia súc, tôi có thu nhập trên 120 triệu đồng/năm, bảo đảm cuộc sống no ấm, nuôi ba con ăn học. Chỉ tính riêng nguồn phân bò ngoài sử dụng bón cho khu đất canh tác trồng cỏ và trồng hoa màu 7 sào, tôi còn có dư để bán cho các chủ vựa trên 2 triệu đồng/tháng, đủ chi phí trong sinh hoạt như trả tiền điện, mua sách vở cho con. Xóm làng thiếu nước chăn nuôi, tôi cho bà con chở miễn phí về cho bò, dê uống. “Mình có dư nguồn nước giúp bà con trong thôn xóm vượt qua khó khăn trong những tháng mùa khô. Sống với nghề chăn nuôi trên vùng đất chưa có hệ thống thủy lợi cần phải đầu tư đào ao, đào giếng tích trữ nguồn nước và bảo đảm nguồn thức ăn cho đàn gia súc trong mùa khô hạn”- anh Liên bộc bạch thêm niềm vui.
Bà Mang Thị Điền, Bí thư Chi bộ thôn Xóm Bằng 1, cho biết: Các hộ Mang Mím, Mang Chi, Mang Lương… đã học tập mô hình đào giếng chủ động tích trữ nguồn nước cho gia súc của anh Phạm Liên. Bà con đào ao ven suối Đồng Nha trồng cỏ bảo đảm nguồn thức ăn cho đàn gia súc vào mùa khô. Anh Phạm Liên là nông dân điển hình nỗ lực phòng chống hạn, vươn lên làm ăn hiệu quả, nuôi con học hành chu đáo.
Sơn Ngọc
- Kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm và các loại đặc sản
- Kỹ thuật trồng trọt cây ăn trái, rau màu và các loại cây lương thực, cây công nghiệp khác
Các tin mới:
Kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng và chế biến thủy hải sản
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.