Nguồn tin: Báo Thái Nguyên, 26/04/2018
Ngày cập nhật:
27/4/2018
Thức ăn chăn nuôi quyết định chất lượng, sản lượng trong sản xuất chăn nuôi nên nhiều hộ chăn nuôi trong tỉnh đã thận trọng trong việc lựa chọn nhà cung cấp.
Toàn tỉnh Thái Nguyên hiện có trên 57.000 con trâu, hơn 42.000 con bò, trên 680.000 con lợn và 11,3 triệu con gia cầm. Do đó, mỗi ngày, nhu cầu sử dụng thức ăn chăn nuôi của người dân trong tỉnh là rất lớn. Bởi vậy, để nguồn thức ăn đến tay người chăn nuôi đảm bảo chất lượng, lực lượng chức năng của tỉnh đã phải nỗ lực rất nhiều.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 5 công ty sản xuất thức ăn chăn nuôi theo dây chuyền tự động hóa và gần 800 cửa hàng kinh doanh thức ăn chăn nuôi. Với số đơn vị sản xuất và kinh doanh thức ăn chăn nuôi khá lớn như vậy, việc quản lý không hề dễ dàng, nhất là khi thị trường kinh doanh thức ăn chăn nuôi trong tỉnh khá phức tạp. Trên thị trường, các loại thức ăn có nguồn gốc đa dạng từ nhiều quốc gia khác nhau như Việt Nam, Thái Lan, Trung Quốc… nên để hiểu về hàm lượng dinh dưỡng trong sản phẩm đã khó, việc phân biệt hàng giả, hàng thật còn khó hơn. Đặc biệt, một số người dân vẫn ham rẻ, mua sản phẩm kém chất lượng để phục vụ cho chăn nuôi. Đây chính là cơ hội để các tư thương thiếu trách nhiệm giở “chiêu trò” giảm giá, khuyến mại thu hút người dân dùng sản phẩm không đảm bảo chất lượng.
Điều dễ nhận thấy là khi thức ăn chăn nuôi không đảm bảo chất lượng sẽ khiến vật nuôi chậm lớn, tỷ lệ hao tổn thức ăn cao. Đây là nguyên nhân khiến lợi nhuận của người nuôi giảm đáng kể. Bà Nguyễn Thị Hồng, một hộ chăn nuôi ở xóm Chiềng, xã Phú Cường (Đại Từ) nói: Chăn nuôi lợn nhiều năm nhưng tôi vẫn chưa thể phát hiện đâu là loại thức ăn chăn nuôi “thật” và đâu là thức ăn chăn nuôi “giả”. Niềm tin của tôi đặt hết vào người bán hàng. Họ bảo tốt, thì chúng tôi biết vậy chứ không biết rõ chất lượng thực sự. Nhất là những loại thức ăn chăn nuôi chứa chất cấm, bằng mắt thường, chúng tôi làm sao có thể phát hiện ra.
Trước những nguy cơ có thể xảy ra như vừa nêu trên, ngành chức năng của tỉnh đã tăng cường các biện pháp nhằm quản lý chất lượng thức ăn chăn nuôi. Theo đó, chỉ cấp phép sản xuất, kinh doanh, cung ứng cho những cơ sở, doanh nghiệp đảm bảo chất lượng sản phẩm. Đồng thời, tăng cường lấy mẫu phân tích, kiểm tra chất lượng thức ăn về các chỉ tiêu chất lượng kỹ thuật theo công bố hàm lượng tiêu chuẩn mà Bộ Nông nghiệp và PTNT quy định để kịp thời phát hiện vi phạm và xử lý nghiêm các cơ sở sai phạm, các sản phẩm không có bao bì, nhãn mác và quá hạn sử dụng… Ngoài ra, hằng năm, Chi cục Thú y phối hợp với lực lượng quản lý thị trường, Phòng Thanh tra Pháp chế của Sở Nông nghiệp và PTNT… thanh, kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh thức ăn chăn nuôi trên địa bàn. Năm 2017, lực lượng chức năng đã tiến hành 2 cuộc kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh thuốc thú y và thức ăn chăn nuôi; kiểm tra và lấy 10 mẫu thức ăn chăn nuôi của các cơ sở sản xuất kinh doanh thức ăn gửi đi phân tích, xét nghiệm các chỉ tiêu dinh dưỡng đăng ký công bố trên chất lượng sản phẩm; lấy 10 mẫu thức ăn kiểm tra chất cấm sử dụng trong chăn nuôi (kết quả 10/10 mẫu âm tính với chất Salbutamol và Clenbuterol).
Bên cạnh đó, lực lượng chức năng còn tiến hành kiểm tra trên 3.900 lượt sản phẩm của 67 cơ sở kinh doanh thức ăn chăn nuôi và thuốc thú y. Kết quả cho thấy, phần lớn các cơ sở kinh doanh đã chấp hành đầy đủ quy định pháp luật về đảm bảo quy chuẩn, điều kiện kinh doanh như: chứng chỉ hành nghề, giấy phép kinh doanh, giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh thức ăn chăn nuôi… Đối với 10 cơ sở chưa đủ điều kiện thủ tục hoặc giấy tờ cần thiết theo quy định, đoàn kiểm tra đã nhắc nhở, yêu cầu nhanh chóng hoàn tất.
Tuy nhiên, cùng với sự quản lý chặt chẽ của cơ quan chức năng thì những doanh nghiệp, đại lý kinh doanh thức ăn chăn nuôi trên địa bàn tỉnh cũng phải chấp hành nghiêm chỉnh các quy định của pháp luật trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh; sản xuất các loại sản phẩm đảm bảo chất lượng phục vụ chăn nuôi để tăng sức cạnh tranh. Các đại lý kinh doanh và nhân viên tiếp thị phải có chuyên môn hướng dẫn người nuôi sử dụng hợp lý các loại thức ăn, tránh lãng phí gây thiệt hại về kinh tế và ô nhiễm môi trường.
Bà Trần Thị Thúy Nga, Trưởng phòng Quản lý thuốc và Thức ăn chăn nuôi (Chi cục Thú y) nói: Thức ăn là yếu tố đầu vào vô cùng quan trọng, quyết định chất lượng, sản lượng trong sản xuất chăn nuôi. Bởi vậy, cùng với sự nỗ lực của lực lượng chức năng và ý thức của các cơ sở sản xuất, kinh doanh, người dân hãy là người tiêu dùng thông thái, luôn biết lựa chọn sản phẩm thức ăn chăn nuôi có uy tín, không sử dụng các sản phẩm không có bao bì, nhãn mác…. Đặc biệt, bà con cần nâng cao nhận thức, hạn chế việc lạm dụng các loại hóa chất, thuốc trộn với thức ăn chăn nuôi; sử dụng thuốc thú y bừa bãi không theo hướng dẫn của nhà sản xuất…
Tùng Lâm
- Kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm và các loại đặc sản
- Kỹ thuật trồng trọt cây ăn trái, rau màu và các loại cây lương thực, cây công nghiệp khác
Các tin mới:
Kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng và chế biến thủy hải sản
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.