Nguồn tin: Hà Nội mới, 27/04/2018
Ngày cập nhật:
28/4/2018
Dù TP Hà Nội đã quy hoạch phát triển chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản nhưng mới chỉ mang tính định hướng, hỗ trợ đầu tư xây dựng hạ tầng, khoa học kỹ thuật mà chưa gắn với thị trường. Vì thế, hệ lụy là đầu ra cho sản phẩm chăn nuôi và thủy sản gặp nhiều khó khăn.
Chăm sóc đàn lợn tại khu chăn nuôi tập trung xa khu dân cư xã Trung Châu (huyện Đan Phượng). Ảnh: Thái Hiền
Đến nay, thành phố đã mở rộng được 15 vùng chăn nuôi tập trung quy mô lớn ngoài khu dân cư gồm: 2 vùng chăn nuôi bò sữa, 4 vùng chăn nuôi lợn và 9 vùng chăn nuôi gia cầm, thủy cầm. Ngoài ra, phát triển được 76 xã chăn nuôi trọng điểm gồm: 15 xã chăn nuôi bò sữa, 19 xã chăn nuôi bò thịt, 13 xã chăn nuôi lợn, 29 xã chăn nuôi gia cầm, thủy cầm với 3.941 trại chăn nuôi quy mô lớn ngoài khu dân; hình thành được 56 vùng nuôi trồng thủy sản tập trung ở các huyện: Ứng Hòa, Phú Xuyên, Thanh Oai, Mỹ Đức, Ba Vì, Chương Mỹ, Thanh Trì, Thường Tín với diện tích hơn 4.200ha.
Tuy nhiên, trong thời gian qua, với đà tăng trưởng "nóng", giá sản phẩm chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản liên tục giảm. Nguyên nhân chính là do mất cân đối cung - cầu. Hiện nay, việc tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi qua hợp đồng, theo chuỗi cũng thiếu ổn định, chỉ đạt khoảng 10% tổng khối lượng sản phẩm chăn nuôi và dưới 2% đối với sản phẩm nuôi trồng thủy sản.
Bà Vương Thị Thanh Hương, Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Quốc Oai cho biết: Mặc dù huyện đã có quy hoạch vùng chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, tuy nhiên đầu ra cho sản phẩm rất chật vật. Tương tự tại huyện Ứng Hòa, mặc dù đã có quy hoạch vùng nuôi trồng thủy sản tập trung tới gần 1.000ha tại các xã Trung Tú, Phương Tú, Trầm Lộng… nhưng các trang trại nuôi loại cá gì và tiêu thụ sản phẩm ra sao vẫn là bài toán bỏ ngỏ, do nông dân tự sản, tự tiêu. Đây cũng là thực trạng chung của nhiều huyện trên địa bàn thành phố.
Trong bối cảnh hiện nay, việc quy hoạch sản xuất phải dựa vào nguồn cung và thị trường tiêu thụ sản phẩm. Mỗi huyện, thị xã phải nắm rõ được tình hình chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản tại địa phương mình, từ đó mới đưa ra những dự báo sát thực tế. Bà Vương Thị Thanh Hương, Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Quốc Oai cho rằng: Cần có sự điều tiết, khuyến cáo của cơ quan quản lý nhà nước, tránh tình trạng các trang trại lớn thu hoạch ồ ạt cùng một thời điểm, dẫn tới cung vượt cầu. Bên cạnh đó, các trang trại, hợp tác xã chăn nuôi phải phát triển thành chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ; chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản phải theo đơn đặt hàng, sẽ góp phần ổn định giá, tránh tình trạng giảm giá sâu như thời gian qua.
Ông Nguyễn Huy Đăng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội cho biết: Để hóa giải khó khăn, ngành Nông nghiệp Hà Nội đang rà soát chiến lược phát triển ngành với từng đối tượng vật nuôi cụ thể để điều chỉnh quy mô phù hợp với nhu cầu thị trường. Theo đó, đàn gia cầm của thành phố duy trì giữ ổn định 30 triệu con/năm, đàn lợn từ 1,6 đến 1,8 triệu con; nuôi trồng thủy sản tốc độ tăng giá trị sản xuất bình quân từ 7% đến 8%/năm; sản lượng thủy sản nuôi đạt 105.000 tấn/năm.
Theo ông Đăng, thay vì mở rộng diện tích, các địa phương nên tập trung hỗ trợ phát triển cơ sở sơ chế, chế biến, bảo quản sản phẩm thủy sản. Thành phố phấn đấu, năm 2020 có 20% số sản phẩm chăn nuôi trên địa bàn được bao tiêu sản phẩm theo chuỗi liên kết và đến năm 2030 con số này được nâng lên là 50%. Cùng với đó, thành phố tập trung xây dựng chương trình kiểm soát, quản lý chất lượng sản phẩm thủy sản tươi sống và chế biến. Hy vọng, với những nỗ lực đẩy mạnh chăn nuôi theo quy hoạch và bám sát thị trường, tình hình chăn nuôi trên địa bàn thành phố sẽ phát triển bền vững.
Sơn Tùng
- Kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm và các loại đặc sản
- Kỹ thuật trồng trọt cây ăn trái, rau màu và các loại cây lương thực, cây công nghiệp khác
Các tin mới:
Kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng và chế biến thủy hải sản
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.