Nguồn tin: Báo Sóc Trăng, 07/05/2018
Ngày cập nhật:
8/5/2018
Nỗi buồn mang tên “con bò sữa”
Thực tế trong nhiều năm nuôi bò, người nông dân, đặc biệt là đối với đồng bào Khmer có đời sống khởi sắc. Để đời sống người dân ngày càng nâng cao, kinh tế phát triển hơn, tỉnh đã triển khai nhiều chương trình, dự án hỗ trợ. Và Dự án phát triển đàn bò sữa đến năm 2020 là lợi thế vững chắc giúp người nuôi bò tăng đàn, bình quân mỗi hộ tăng 5 - 6 con bò sữa, góp phần tăng sản lượng sữa bò cũng như giải quyết việc làm cho lao động nông thôn. Với dự án trên, bà con cùng các cấp chính quyền địa phương nơi phát triển đàn bò sữa rất phấn khởi. Tuy nhiên hiện tại, việc bán sữa bò tươi tại Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Evergrowth - nơi được xem là “mái nhà chung” của thành viên HTX - gặp nhiều vướng mắc. Để làm rõ thêm việc HTX thu mua sữa và bán thức ăn cho thành viên, Báo Sóc Trăng đã có những cuộc trao đổi với các cơ quan liên quan.
Thực tế tại hộ dân
Trao đổi với chúng tôi, Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh Nguyễn Văn Khởi đánh giá, số lượng đàn bò sữa năm 2016 có giảm, làm ảnh hưởng đến số lượng đàn bò sữa trên địa bàn tỉnh và tiến độ thực hiện mục tiêu nghị quyết đã đề ra. Nguyên nhân: giá sữa thấp, không ổn định, việc bắt buộc sử dụng thức ăn do HTX Nông nghiệp Evergrowth cung cấp ảnh hưởng đến năng suất, sản lượng và chất lượng sữa; bò già, năng suất kém, khả năng hộ thiếu vốn đầu tư; quy mô chăn nuôi nhỏ lẻ còn nhiều nên lợi nhuận thấp, thậm chí thua lỗ…
Nói về vấn đề thức ăn do HTX sản xuất, đồng chí Nguyễn Văn Khởi thẳng thắn nêu: “Thức ăn tinh do HTX cung cấp cho thành viên chăn nuôi bò dạng bột, mùi thơm, màu sắc không hấp dẫn, khi bò ăn dễ bị sặc, dễ gây bệnh hô hấp hoặc bò không chịu ăn, phải pha nước bò mới uống được. Ngoài ra, thức ăn dễ đóng cục, dễ mốc nên khó bảo quản. Khảo sát thực tế tại một số thành viên HTX, tác động của thức ăn là nguyên nhân làm bò ốm, chậm lên giống, phối giống khó đậu, năng suất và chất lượng sữa giảm nhưng thành viên không được lựa chọn thức ăn cho bò, phải sử dụng thức ăn do HTX cung cấp. Nếu họ không mua hoặc HTX kiểm tra hộ nào mua thức ăn bò không phải của HTX cung cấp sẽ không thu mua sữa bò, làm họ rất lo lắng vì khi đó không biết bán sữa bò cho ai. Bên cạnh đó, giá thu mua sữa của HTX thấp (10.100 đồng - 10.400 đồng/kg) và liên tục giảm từ năm 2016, trong khi giá sữa của Công ty TNHH Friesland Campina Việt Nam theo thông báo của HTX là 12.494 đồng/kg sữa, làm lợi nhuận của người chăn nuôi giảm mạnh, khoảng chênh lệch giữa giá bán và giá thanh toán cho thành viên HTX giữ lại. Theo thành viên thông tin, từ năm 2014 đến nay, họ chỉ nhận lãi một lần trong năm 2015. Chính vì vậy, nhiều hộ không đảm bảo trang trải cuộc sống gia đình đành bán bớt bò hoặc bán hết đàn bò, rút vốn không tham gia HTX. Riêng hộ nuôi 1 - 2 con bò, trường hợp sữa thường xuyên bị nhiễm vi sinh, giá sữa càng thấp họ gặp khó khăn nên có xu hướng bán bò, không tiếp tục duy trì đàn, chuyển sang nghề khác hoặc đi làm thuê”.
Nghề nuôi bò sữa sẽ phát triển vững mạnh khi người dân được tạo điều kiện tốt.
“Tôi nhận thấy, việc HTX kiểm tra chỉ tiêu vi sinh sữa bò thiếu minh bạch, vì chỉ khi nào thành viên nhận tiền bán sữa bò mới biết bị nhiễm vi sinh do bị trừ tiền bán sữa còn 7.000 đồng/kg trong vòng 15 ngày. Đa phần hộ bị trừ tiền nhiễm vi sinh là hộ có ý kiến về phương thức làm việc của HTX. Vấn đề nữa, HTX ràng buộc thành viên phải sử dụng dịch vụ thú y do HTX cung cấp không được gọi kỹ thuật viên thú y khác trong khi số lượng kỹ thuật viên thú y của HTX ít, địa bàn rộng, không đáp ứng kịp thời nhu cầu của hộ, nhất là gieo tinh nhân tạo, khi bò lên giống cần được gieo tinh ngay nên tỷ lệ đậu thai thấp; nhân viên HTX có thái độ cư xử chưa tốt, thiếu hợp tác khi thành viên có ý kiến về các hoạt động của HTX” - đồng chí Nguyễn Văn Khởi cho biết thêm.
Phó Giám đốc Ban Quản lý Dự án phát triển chăn nuôi bò sữa tỉnh Trần Văn Tâm cho biết: “Hầu hết các thành viên HTX đều phản ánh về thức ăn do HTX chế biến; trừ tiền sữa do nhiễm vi sinh; chia tiền lãi tích lũy; tình hình gieo tinh; kỹ thuật viên thu tiền công 120.000 đồng/lần gieo đối với tinh giới tính và 80.000 đồng/1 lần gieo đối với tinh thường, không có trường hợp bao đậu 4 triệu đồng/con”.
Ý kiến sở, ngành
Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Đinh Quốc Bổn cho rằng: “Qua giám sát của Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh, thành viên HTX phản ánh thực tế nên vấn đề đánh giá là công tâm, khách quan. HTX cần giải thích rõ ràng để thành viên HTX hiểu cũng như vấn đề thức ăn do HTX chế biến đã được kiểm định nhưng phải ghi nhận vì sao bò ăn bị sặc để khắc phục và hướng dẫn cụ thể quy trình cho bò ăn. Số tiền giữ lại 3.000 đồng/kg sữa bò cũng giải thích rõ chi hoạt động nào”.
Phó Giám đốc Ban Quản lý Dự án phát triển chăn nuôi bò sữa tỉnh Trần Văn Tâm đề xuất: “HTX phải cải thiện chất lượng thức ăn; điều chỉnh giá thu mua sữa để thành viên có lợi nhuận; xem lại việc trừ tiền sữa do bị nhiễm vi sinh có hợp lý; phải chia lãi hàng năm cho thành viên; thành viên có quyền lựa chọn thức ăn và các dịch vụ thú y”.
Qua thông tin phản ánh của người chăn nuôi bò sữa về vấn đề vướng mắc với HTX, ngành nông nghiệp đã có cuộc họp khẩn để bàn sâu vấn đề trên. Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lương Minh Quyết nhìn nhận, từ thực tế phản ánh của người dân, chính quyền địa phương phải mạnh dạn đứng ra nhìn nhận thiếu sót, kể cả ngành nông nghiệp cũng nhận khuyết điểm này, mặc dù HTX thành lập dựa trên tinh thần “tự nguyện, tự chủ, tự chịu trách nhiệm”. Chính vì vậy, tôi đề nghị HTX phải lập phiếu lấy ý kiến về thức ăn tổng hợp số liệu nhằm thống nhất nên chọn thức ăn loại nào. Số tiền giữ lại trên mỗi kilogram sữa phải công khai; chấn chỉnh lực lượng gieo tinh, các kỹ thuật viên phải theo sát thời điểm bò lên giống gieo tinh kịp thời…”.
Trưởng Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh Nguyễn Văn Khởi kiến nghị cơ quan có thẩm quyền thực hiện một số nội dung như: “Chấn chỉnh ngay việc cung cấp thức ăn, dịch vụ thú y của HTX Nông nghiệp Evergrowth, không bắt buộc mà chỉ khuyến khích các thành viên mua thức ăn và sử dụng dịch vụ thú y, hộ dân được quyền lựa chọn thức ăn và các dịch vụ cho bò cũng như tự quyết định bán sữa cho đơn vị nào. Thanh toán đủ giá thu mua sữa cho thành viên theo giá của công ty thu mua, sau khi đã trừ chi phí hợp lý, hợp lệ. Lấy mẫu và công bố kết quả vi sinh hàng ngày cho thành viên; thanh tra toàn diện hoạt động HTX Nông nghiệp Evergrowth, đặc biệt là khoảng chênh lệch giữ lại, giữa giá bán và giá thanh toán cho thành viên từ năm 2014 đến nay để kịp thời chấn chỉnh”.
Từ các phản ánh của thành viên tham gia HTX và các cấp chính quyền địa phương, sở, ban ngành tỉnh, thiết nghĩ HTX Nông nghiệp Evergrowth cần chấn chỉnh ngay các phương án hoạt động kinh doanh cũng như có các giải pháp kịp thời, căn bản trong vấn đề sản xuất thức ăn chăn nuôi cung ứng đến thành viên HTX và tạo sự hài hòa, đồng thuận trong việc chia lợi nhuận cuối năm, chia đúng thời hạn cho thành viên. Như thế, thành viên tham gia HTX sẽ luôn cảm thấy được sự chia sẻ, đồng hành của HTX trong tất cả các khâu dịch vụ đầu vào, đầu ra đối với sản phẩm sữa tươi. Qua đó, HTX sẽ tiếp tục tạo dựng được lòng tin của thành viên cũng như duy trì sự phát triển bền vững, ổn định trong thời gian tới; tiếp tục giữ vững các thành tích đạt được và thể hiện trọng trách vai trò “đầu tàu” trong việc dẫn dắt, định hướng người dân chăn nuôi bò sữa trên địa bàn tỉnh; đóng góp vào công cuộc giảm nghèo tại các địa phương, nhất là đối với vùng có đông đồng bào Khmer; giúp bà con có hoàn cảnh khó khăn vươn lên ổn định cuộc sống thông qua việc nuôi bò sữa, góp phần vào việc thực hiện thành công dự án bò sữa của tỉnh.
T.L
- Kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm và các loại đặc sản
- Kỹ thuật trồng trọt cây ăn trái, rau màu và các loại cây lương thực, cây công nghiệp khác
Các tin mới:
Kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng và chế biến thủy hải sản
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.