Nguồn tin: Báo Bắc Giang, 8/5/2018
Ngày cập nhật:
9/5/2018
Những ngày qua, giá lợn hơi tăng, có nơi đạt mức hơn 40 nghìn đồng/kg, cao nhất trong thời gian hơn một năm trở lại đây. Nhiều người rục rịch tái đàn nhưng cơ quan chuyên môn khuyến cáo cẩn trọng bởi giá không thể lên cao hơn và thị trường xuất khẩu chưa sáng sủa.
Chăn nuôi lợn tại HTX Chăn nuôi, giết mổ và tiêu thụ lợn sạch Tân Yên.
Hơn một tháng qua, giá lợn hơi, thịt lợn tăng cao. Từ mức ổn định khá lâu khoảng 30 nghìn đồng/kg, lợn thương phẩm tăng dần và hiện đạt khoảng 40 nghìn đồng/kg, cao nhất trong thời gian hơn một năm qua. Thôn Hà Mỹ, xã Chu Điện (Lục Nam) là nơi có nhiều điểm cân, thu mua lợn hơi cung cấp cho thị trường ngoài tỉnh.
Ông Nguyễn Văn Th, chủ một điểm ở đây cho biết, trước đây mỗi ngày gia đình “đóng” 5-7 tấn hàng vận chuyển sang Quảng Ninh tiêu thụ. Từ khi giá lợn xuống thấp, lượng hàng mang đi ít dần, nhiều chuyến bị lỗ vì nhu cầu tiêu dùng giảm. Hơn một tháng qua, giá lợn hơi tăng dần, tuy “đóng” nhiều hơn nhưng cũng chỉ bằng khoảng 50% so với trước. Về nguyên nhân giá lợn tăng, khó thu gom, theo lý giải của ông Th, nguồn lợn thương phẩm trong dân giảm mạnh do thời gian dài chăn nuôi lỗ vốn, bà con không vào đàn, quy mô đàn giảm mạnh.
Khảo sát tại một số hợp tác xã (HTX) chăn nuôi lợn ở Tân Yên, Yên Dũng và TP Bắc Giang cho thấy, những ngày qua, giá lợn thương phẩm được bán ở mức 39 đến 40,5 nghìn đồng/kg. Cùng chung quan điểm nguồn cung giảm, Giám đốc HTX Chăn nuôi và dịch vụ thực phẩm sạch Tín Nhiệm Lưu Văn Nhiệm (TP Bắc Giang) và Chủ tịch HĐQT HTX Chăn nuôi, giết mổ và tiêu thụ lợn sạch Tân Yên Ngô Xuân Lương (Tân Yên) cho rằng, thời gian dài, người chăn nuôi nhỏ lẻ bỏ trống chuồng hoặc nuôi cầm chừng. Những trang trại, HTX có liên kết sản xuất - tiêu thụ vẫn chăn nuôi nhưng giảm quy mô để hạn chế lỗ, thậm chí có thành viên HTX đã chuyển nghề kinh doanh. Số đầu lợn tại hai HTX này hiện cũng chỉ bằng 30-50% so với trước khi xảy ra khủng hoảng thừa.
Hiện nay, toàn tỉnh có 1 triệu con lợn, giảm 200 nghìn con so với cuối năm 2016 - thời điểm trước khi giá lợn lao dốc và chạm đáy. Do thị trường lợn hơi, lợn thịt ảm đạm, hơn một năm qua là khoảng thời gian Sở Nông nghiệp và PTNT tập trung cao chỉ đạo các địa phương, đơn vị tái cơ cấu lại đàn lợn theo hướng loại bỏ con nái, đực giống kém chất lượng, khuyến khích các HTX, doanh nghiệp (DN), trang trại liên kết sản xuất theo chuỗi để bảo đảm đầu ra ổn định. Đơn cử tại Công ty cổ phần Giống chăn nuôi Bắc Giang, mỗi năm đơn vị cung cấp hàng nghìn con lợn giống chất lượng cao cho thị trường trong và ngoài tỉnh. Do khủng hoảng, Công ty đã loại thải khoảng 20%, gồm những con nái già, kém chất lượng và giữ ổn định ở quy mô đàn gần 100 con. “Mấy ngày gần đây, giá lợn thịt tăng cao khiến nhiều người tái đàn, đẩy giá lợn giống lên vài nghìn đồng/kg”, Giám đốc Công ty cổ phần Giống chăn nuôi Bắc Giang cho biết.
Được biết, lần tăng giá này không phụ thuộc vào thị trường xuất, nhập khẩu mà do nguồn hàng trong nước giảm. Trước đây, nhiều thương nhân Bắc Giang chuyên thu gom, vận chuyển lợn hơi xuất sang Trung Quốc qua đường tiểu ngạch nhưng hiện nay, tại các tỉnh tiếp giáp với Việt Nam của nước này đều có nguồn tự sản xuất lớn, việc nhập khẩu bị kiểm soát chặt chẽ hơn, giá không “chênh” nhiều nên thương nhân ít xuất hàng sang đây, tập trung khai thác thị trường nội địa.
Cũng theo nhận định của chủ điểm cân lợn ở Hà Mỹ Nguyễn Văn Th, khi giá lợn hơi nhích lên, mấy ngày gần đây, nhiều hộ chăn nuôi, trang trại lớn cố tình chưa xuất bán để nghe ngóng, mong được giá cao hơn khiến thị trường khan hiếm tạm thời. “Giá lợn hơi có thể lên đến đỉnh là 43 nghìn đồng/kg nhưng không thể trở lại mức 45 nghìn đồng như trước đây bởi lượng lợn trong dân giảm nhưng vẫn đủ cung cấp cho tiêu dùng trong nước”, ông Th phân tích.
Theo quy hoạch phát triển chăn nuôi của tỉnh, đến năm 2020, Bắc Giang phấn đấu đạt quy mô đàn từ 1,3 đến 1,5 triệu con lợn. Tuy nhiên theo ông Lương Đức Kiên, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, trước những khó khăn cho ngành thời gian qua, mục tiêu này được tham mưu điều chỉnh ở mức ổn định chỉ còn khoảng 1 triệu con như hiện nay. Tín hiệu chăn nuôi khởi sắc nhưng khó có bước đột phá bởi thị trường xuất khẩu vẫn trầm lắng, giá lợn khó thể lên cao hơn, người dân cần thận trọng tái đàn, tránh mở rộng quy mô nuôi, dễ rơi vào “vết xe đổ”. Với quy mô đàn thời điểm này, nguồn cung ít hơn trước nhưng không khan hiếm, vẫn đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng nội địa.
Thực tế cho thấy, trong thời gian khó khăn nhưng nhiều trang trại, HTX chăn nuôi lợn, trong đó có HTX Dịch vụ tổng hợp và Sản xuất nông nghiệp Lúa Vàng (Yên Dũng) liên kết theo chuỗi, sản phẩm chất lượng cao, bảo đảm an toàn thực phẩm, có nhãn hiệu hàng hóa vẫn hoạt động ổn định. Vì thế các hộ chăn nuôi cần liên kết thành lập các tổ hợp tác, HTX chăn nuôi, ký hợp đồng với các DN cung cấp thức ăn, kiểm soát tốt dịch bệnh và lo đầu ra cho sản phẩm, bảo đảm duy trì sản xuất hiệu quả, bền vững.
Tín hiệu chăn nuôi khởi sắc nhưng khó có bước đột phá bởi thị trường xuất khẩu vẫn trầm lắng, giá lợn khó thể lên cao hơn, người dân cần thận trọng tái đàn, tránh mở rộng quy mô nuôi”.
Ông Lương Đức Kiên, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh
Bảo Khánh
- Kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm và các loại đặc sản
- Kỹ thuật trồng trọt cây ăn trái, rau màu và các loại cây lương thực, cây công nghiệp khác
Các tin mới:
Kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng và chế biến thủy hải sản
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.