Nguồn tin: Báo Bình Dương, 09/05/2018
Ngày cập nhật:
10/5/2018
Mưa bão là yếu tố ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của gia súc, gia cầm (GS,GC). Hiện đang bước vào mùa mưa, các cơ quan chức năng huyện Dầu Tiếng (tỉnh Bình Dương) đã và đang chủ động thực hiện tốt các biện pháp phòng chống dịch cúm gia cầm và dịch lở mồm long móng trên heo.
Trang trại gà của ông Lê Văn Dương, ở ấp Tân Định, xã Minh Tân, huyện Dầu Tiếng. Ảnh: H. NGA
Tăng cường công tác tuyên truyền
Ông Huỳnh Lê Khang, Phó trạm trưởng Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Dầu Tiếng cho biết, những năm gần đây, do điều kiện thời tiết cực đoan trên địa bàn huyện thường xảy ra mưa bão, ngập úng, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe GS,GC; khi mưa to có thể gây ngập úng cục bộ hoặc lụt trên diện rộng, tạo cơ hội phát tán mầm bệnh trên đàn GS,GC. Cụ thể, trong năm 2017, trên địa bàn huyện xảy ra 2 đợt dịch lở mồm long móng trên đàn heo; ổ dịch đầu tiên xảy ra vào đầu năm tại xã Long Hòa, cơ quan thú y đã tiến hành tiêu hủy 34 con heo; ổ dịch thứ hai xảy ra vào cuối năm tại xã Thanh Tuyền, ngành chức năng đã tiến hành tiêu hủy 48 con heo bị bệnh lở mồm long móng. Để dịch không tái phát, đồng thời chăm sóc tốt đàn GS,GC trong mùa mưa bão năm nay, UBND huyện đã ban hành kế hoạch về “Phòng chống dịch bệnh GS,GC trên địa bàn huyện năm 2018” và triển khai công tác tiêm phòng vắc xin đợt I trên đàn GS,GC.
Trên cơ sở đó, các cơ quan chức năng của huyện khẩn trương đề ra các biện pháp phối hợp thực hiện, trong đó chú trọng công tác truyền thông nâng cao nhận thức của người chăn nuôi và người tiêu dùng, công tác tiêm phòng, kiểm soát số lượng và dịch bệnh trên đàn GS,GC, nhất là những đàn mới phát sinh và từ nơi khác chạy đồng đến địa bàn.
Đến nay, ngành thú y huyện Dầu Tiếng đã phối hợp với các xã trong huyện tiến hành tiêm phòng trên đàn gia cầm đạt 90% và gia súc đạt trên 95%. Ngoài ra, ngành thú y huyện còn đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức phòng, chống dịch bệnh nguy hiểm đối với đàn vật nuôi cho người dân, qua đó góp phần khống chế, không để bùng phát dịch cúm gia cầm tại địa phương.
Ông Lê Văn Dương, người có nhiều năm gắn bó với nghề chăn nuôi gà, ở ấp Tân Định, xã Minh Tân, đang nuôi 120 con gà bằng công nghệ lạnh cho biết, ông luôn ý thức công tác phòng, chống dịch là rất quan trọng. Từ đó, gia đình ông thực hiện đúng theo hướng dẫn của cán bộ thú y xã thông qua việc tiêm phòng đầy đủ cho đàn gà, đồng thời vệ sinh chuồng trại sạch sẽ. Ông Dương chia sẻ kinh nghiệm, trong khẩu phần ăn của đàn gà cần thường xuyên bổ sung các loại vitamin, khoáng chất, men tiêu hóa và kháng sinh vào thức ăn khi thời tiết thay đổi để tăng cường sức đề kháng cho vật nuôi; cung cấp nguồn nước uống sạch cho gia cầm. Đối với nguồn nước bị ô nhiễm, cần sử dụng Chloramin-B, T để khử trùng nhằm bảo đảm nước uống sạch cho đàn gia cầm. Khi kiểm tra phát hiện đàn gà có gì bất thường, người nuôi cần chủ động báo ngay cho cán bộ thú y xã đến hỗ trợ, hướng dẫn cách giải quyết.
Phối hợp thực hiện nhiều giải pháp
Để phòng chống hiệu quả dịch bệnh trên đàn GS,GC, ngoài việc thường xuyên tiêm phòng theo định kỳ, ngành thú y huyện Dầu Tiếng còn rà soát số đàn mới phát sinh để hướng dẫn người dân vệ sinh chuồng trại, tiêm phòng vắc xin đầy đủ liều theo quy định. Gia đình ông Nguyễn Văn Hải, ở ấp Hòa Thành, xã Minh Hòa hiện đang nuôi 3.000 con heo thịt cho biết, mỗi lần tái đàn ông đều liên hệ với cán bộ thú y xã đến hướng dẫn các biện pháp bảo vệ cần thiết nhằm bảo đảm cho đàn heo phát triển tốt, đạt hiệu quả cao. Ông cũng chú ý đến các yếu tố như chuồng trại phải được vệ sinh kỹ, bảo đảm lượng thức ăn, nước uống; thường xuyên bổ sung các loại khoáng chất, vitamin, chất điện giải nhằm giúp cho heo nâng cao sức đề kháng, ngăn chặn mầm bệnh, nhất là trong thời điểm bước vào mùa mưa như hiện nay. Đồng thời, ông còn chủ động tiêm các loại vắc xin để phòng, chống các loại dịch bệnh nguy hiểm có thể xảy ra trong quá trình chăn nuôi.
Thời điểm này, ngành thú y huyện Dầu Tiếng đang khẩn trương triển khai thực hiện Tháng tiêu độc khử trùng. Theo đó, ngành tập trung ra quân phun tiêu độc khử trùng phòng, chống dịch bệnh trên đàn GS,GC tại các lò giết mổ tập trung, các điểm chợ, hộ chăn nuôi trên địa bàn. Tại các hộ dân, đơn vị thực hiện hóa chất phun xịt là 20ml/lần và phun trong 4 tuần; ở khu vực chợ là 100ml/lần và phun liên tục trong 30 ngày tại các quầy kệ bán GS,GC. Cán bộ thú y cũng hướng dẫn các hộ chăn nuôi cách vệ sinh chuồng trại nhằm tiêu diệt mầm bệnh trong môi trường. Ngành thú y còn tăng cường công tác kiểm dịch động vật nhằm kịp thời phát hiện và xử lý những sản phẩm động vật không rõ nguồn gốc, bảo đảm sức khỏe cho người tiêu dùng, tránh nguy cơ dịch cúm gia cầm bùng phát trên địa bàn.
Theo khuyến cáo của ngành thú y, trong mùa mưa, thời tiết ẩm ướt là tác nhân gây ảnh hưởng đến sinh trưởng và phát triển của GS,GC. Vì vậy, người chăn nuôi cần chủ động đề phòng dịch bệnh, đồng thời cung cấp dinh dưỡng cho gia súc, tiêm phòng dịch bệnh, sát trùng, vệ sinh chuồng trại, bổ sung thức ăn tinh và xanh... để GS,GC có thể chống chọi, chịu đựng thời tiết bất lợi.
HỒNG NGA
- Kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm và các loại đặc sản
- Kỹ thuật trồng trọt cây ăn trái, rau màu và các loại cây lương thực, cây công nghiệp khác
Các tin mới:
Kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng và chế biến thủy hải sản
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.