Nguồn tin: Báo Bình Phước, 25/05/2018
Ngày cập nhật:
29/5/2018
Từ 5 sào đất ban đầu, đến nay cựu chiến binh Lê Đức Liệu (60 tuổi), trú thôn Phước Thiện, xã Phước Tín (Phước Long, tỉnh Bình Phước) đã gây dựng được cơ ngơi khá lớn với 8 ha đất trồng cao su, điều và trang trại nuôi gà diện tích 1.500m2. Nhờ vậy, hằng năm gia đình ông Liệu thu hơn 1,2 tỷ đồng sau khi trừ chi phí, đồng thời tạo việc làm thời vụ cho nhiều lao động địa phương với mức thu nhập ổn định từ 4-5 triệu đồng/tháng.
KHỞI ĐẦU TỪ 5 SÀO ĐẤT
Năm 1998, ông Lê Đức Liệu đưa gia đình từ Hưng Yên vào Bình Phước lập nghiệp. Để ổn định cuộc sống, ông Liệu đã sang nhượng 5 sào đất trồng điều tại thôn Phước Thiện, xã Phước Tín làm kế sinh nhai và nơi ở cho gia đình. Ngoài thời gian chăm sóc vườn cây, vợ chồng ông Liệu còn làm thuê nhiều việc từ lượm điều, hái tiêu đến bốc vác. Nhờ chăm chỉ lao động nên kinh tế gia đình ông dần ổn định.
Ông Liệu cho rằng, muốn làm giàu trước hết nhà nông phải có đất sản xuất. Vì vậy, số tiền tích góp được hằng năm ông dành để mở rộng diện tích sản xuất. Đến nay, gia đình ông Liệu đã có 8 ha đất canh tác, trong đó 3 ha trồng cao su và 5 ha điều đang trong giai đoạn thu hoạch. Để vườn cây phát triển tốt và cho năng suất cao, ông Liệu tham gia các lớp tập huấn do UBND xã phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức; đồng thời học hỏi kinh nghiệm từ các mô hình trồng cây hiệu quả trên địa bàn các huyện lân cận. Ông cũng tìm đọc sách báo, xem truyền hình và internet để áp dụng chăm sóc vườn cây.
Từ nuôi gà đã mang lại lợi nhuận cho hộ ông Lê Đức Liệu khoảng 1 tỷ đồng/năm
Ông Liệu cho biết: “Mỗi loại cây có đặc điểm sinh trưởng và phát triển khác nhau. Cây cao su thường mắc các bệnh như: Phấn trắng, nấm hồng, khô miệng cạo, nứt vỏ cây. Cây điều hay mắc bệnh thán thư, sâu đục thân... Vì vậy, tôi thường xuyên thăm vườn. Khi thấy cây có các triệu chứng của bệnh tôi mua thuốc bảo vệ thực vật xử lý ngay. Nhờ đó, vườn cây của gia đình ít bị sâu bệnh và cho năng suất cao. Hằng năm, trừ chi phí gia đình tôi thu lợi nhuận hơn 200 triệu đồng, giải quyết việc làm thời vụ cho 4 lao động với mức lương từ 4-5 triệu đồng/tháng”.
THU TIỀN TỶ TỪ NUÔI GÀ
Năm 2015, ông Liệu mạnh dạn xây dựng trại nuôi gà dưới tán cao su. Ông chọn nuôi giống gà Minh Dư của Bình Định. Ưu điểm của giống gà này là ngoại hình đẹp, sức đề kháng cao, ít dịch bệnh, thịt thơm ngon và dai nên được người tiêu dùng ưa chuộng. Trọng lượng 1 con gà mái trưởng thành từ 1,5-1,8kg, gà trống từ 2-2,5kg. Sau khi tìm hiểu kỹ thuật, ông Liệu nhập 3.000 con gà đầu tiên về nuôi. Nhờ chuẩn bị tốt về chuồng trại, tuân thủ nghiêm quy trình kỹ thuật chăm sóc nên lứa gà này cho lợi nhuận hơn 100 triệu đồng.
Từ thành công ở lứa gà đầu tiên, ông Liệu tiếp tục mở rộng chuồng trại, đến nay có 5 trại gà, mỗi trại rộng 300m2. Với quy mô 3.000 con/trại, mỗi tháng ông Liệu nhập gà giống 1 lần, mỗi lần 3.000 con. Ông Liệu cho biết: “Quan trọng nhất là đảm bảo vệ sinh chuồng trại và tạo ra sản phẩm chất lượng. Vì vậy, điều kiện đầu tiên là gà phải được ăn sạch, ở sạch và phòng chống dịch bệnh thường xuyên. Trại nuôi phải khô ráo, đủ ánh sáng, thoáng khí. Mật độ nuôi phù hợp với diện tích chuồng trại để gà có không gian vận động”. Muốn đàn gà phát triển tốt, giảm thiểu dịch bệnh, người nuôi phải nắm rõ quy trình chăm sóc. Quan trọng nhất là giai đoạn úm, bởi gà từ 1-2 ngày tuổi sức đề kháng yếu, dễ nhiễm các bệnh về hô hấp, tiêu chảy dẫn tới tỷ lệ chết cao. Kỹ thuật úm gà đòi hỏi sự cẩn thận, tỉ mỉ và khoa học. Chuồng úm phải đảm bảo sạch sẽ và nhiệt độ thích hợp nhằm giúp gà nâng cao đề kháng. Thời gian úm khoảng 21 ngày, sau đó được chuyển sang trại gà nhỡ nuôi và chăm sóc theo chế độ thích hợp. Sau thời gian nuôi từ 3-4 tháng là có thể xuất bán.
Trung bình 1 tháng ông Liệu xuất ra thị trường gần 3.000 gà thịt, với giá từ 50-60 ngàn đồng/kg. Sau khi trừ chi phí, 1 năm gia đình ông Liệu thu lãi khoảng 1 tỷ đồng. Nhờ nuôi gà, hằng năm ông Liệu tiết kiệm được vài chục triệu đồng tiền mua phân bón cho cây trồng và đã tạo việc làm thời vụ cho 5 lao động địa phương với mức thu nhập ổn định.
Thùy Hương
- Kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm và các loại đặc sản
- Kỹ thuật trồng trọt cây ăn trái, rau màu và các loại cây lương thực, cây công nghiệp khác
Các tin mới:
Kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng và chế biến thủy hải sản
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.