Nguồn tin: Báo Bà Rịa - Vũng Tàu, 08/06/2018
Ngày cập nhật:
10/6/2018
Những năm gần đây, mô hình nuôi dê thịt đang dần khẳng định được hiệu quả, đem lại thu nhập cao cho nông dân, góp phần phát triển kinh tế của nhiều địa phương. Tuy nhiên, hiện nay đàn dê đang tăng đột biến, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tình trạng cung vượt cầu.
Ông Phạm Thanh Trung (xã Bàu Lâm, huyện Xuyên Mộc) chăm sóc đàn dê của gia đình.
Ông Phan Văn Trọng (ấp Bình Mỹ, xã Bình Ba, huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) đang có thu nhập khá cao từ đàn dê hơn 50 con đang được nuôi trong trại. Phần lớn đàn dê được nuôi bằng lá gòn, vông (cây làm trụ cho tiêu) nên không tốn nhiều chi phí. Theo tính toán của ông Trọng, mỗi năm dê cái sinh 2 lứa được 4 con dê con. Sau 4-5 tháng nuôi thì dê đạt trọng lượng từ 40-50kg. Hiện nay, dê thịt đang được bán với giá 80-90 ngàn đồng/kg, sau khi trừ phí, mỗi năm gia đình ông Trọng có thể thu lãi trên dưới 100 triệu đồng.
Thực tế, kỹ thuật và chuồng trại nuôi dê khá đơn giản, đàn dê cũng rất ít gặp phải bệnh dịch nghiêm trọng. Theo kinh nghiệm của nông dân, quan trọng nhất trong nuôi dê là chuồng phải xây cách mặt đất 0,7-1m do loại động vật này không chịu được ẩm thấp. Người nuôi cần luôn giữ chuồng trại sạch sẽ, thoáng mát.
Về thức ăn, ở một số vùng trọng điểm trồng hồ tiêu như Châu Đức, Xuyên Mộc, nguồn thức ăn tự nhiên cho dê khá dồi dào vì hầu hết trụ tiêu được làm bằng cây gòn - lá của loại cây này là thức ăn chính cho dê. Việc chăn nuôi dê kết hợp trồng tiêu còn mang đến rất nhiều lợi ích: Nguồn thức ăn chăn nuôi sẵn có; có thể tận dụng nguồn phân bón hữu cơ từ dê để bón cho cây tiêu.
Từ những yếu tố thuận lợi này, cộng thêm việc thịt dê đang rất được người tiêu dùng ưa chuộng nên nhiều nông dân ở Xuyên Mộc, Châu Đức đang mạnh dạn mở rộng quy mô chăn nuôi. Đơn cử như gia đình ông Phạm Thanh Trung (ấp 4, xã Bàu Lâm, huyện Xuyên Mộc) cách đây 3 năm chỉ duy trì đàn dê khoảng 5 con thì đến nay đã mở rộng lên tới 35 con.
Theo ông Lê Tấn Linh, Phó Chủ tịch HND huyện Xuyên Mộc: Tổng đàn dê trên địa bàn huyện khoảng 25 ngàn con. Thời gian qua, nghề nuôi dê đã đem lại hiệu quả kinh tế cao cho địa phương. Tuy nhiên, trong vòng 2 năm gần đây, khi tổng đàn dê tăng đột biến, giá thịt dê có xu hướng giảm, từ khoảng 110-120 ngàn đồng/kg xuống còn 80-90 ngàn đồng/kg. Do đó, hiện nay chính quyền địa phương đang khuyến cáo bà con giữ ổn định số lượng đàn, tập trung vào việc xây dựng quy trình phòng chống dịch bệnh, nâng cao chất lượng của thịt dê.
Ông Giao Văn Sỹ, Trưởng Phòng Chăn nuôi, Chi cục chăn nuôi và thú y cho biết, chỉ từ đầu năm 2017 đến nay, tổng đàn dê trên địa bàn tỉnh đã tăng gấp đôi, từ hơn 70 ngàn con lên hơn 140 ngàn con. Trong đó, huyện Châu Đức là địa phương nuôi nhiều nhất với gần 80 ngàn con. Ông Sỹ cho biết: “Hiện nay, thị trường tiêu thụ thịt dê của BR-VT vẫn khá nhỏ lẻ, chủ yếu trong tỉnh và một số địa phương lân cận. Do đó, việc đàn dê tăng quá nhanh tiềm ẩn nhiều rủi ro. Bà con nông dân cần chú ý đến nhu cầu thị trường. Bên cạnh đó, nên thành lập các HTX hoặc tổ hợp tác để chủ động trong liên kết về kỹ thuật sản xuất và tìm kiếm thị trường. Như vậy, nghề nuôi dê mới bền vững, đem lại hiệu quả, góp phần nâng cao đời sống người nông dân”.
Bài, ảnh: QUANG VINH
- Kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm và các loại đặc sản
- Kỹ thuật trồng trọt cây ăn trái, rau màu và các loại cây lương thực, cây công nghiệp khác
Các tin mới:
Kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng và chế biến thủy hải sản
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.