Nguồn tin: Báo Phú Yên, 09/06/2018
Ngày cập nhật:
10/6/2018
Người nuôi bổ sung thức ăn thô xanh để tăng sức khỏe cho bò - Ảnh: THỦY TIÊN
Gần đây, giá các sản phẩm chăn nuôi tăng mạnh, đem lại lợi nhuận khá nên người dân tập trung tăng đàn. Nhằm hạn chế rủi ro, bảo toàn đàn gia súc, gia cầm, cơ quan chức năng và người chăn nuôi đã chủ động thực hiện nhiều biện pháp phòng ngừa dịch bệnh.
Gia súc, gia cầm tăng giá
Nhiều tháng nay, nhu cầu tiêu dùng tăng, trong khi nguồn cung lại hạn chế nên các sản phẩm chăn nuôi đều có giá cao, người chăn nuôi lãi khá. Ông Nguyễn Đặng ở xã Hòa Quang Bắc (huyện Phú Hòa) cho biết: Những ngày gần đây, giá trứng vịt tăng khá. Ban đầu nhà lò thu 18.000 đồng/chục (10 trứng), còn nay tăng lên 22.000 đồng/chục, so với năm ngoái giá trứng cao hơn khoảng 6.000 đồng. Năm nay, gia đình tôi nuôi 4.000 con vịt, bình quân mỗi đêm đẻ được 3.200 trứng. Nhờ đang trong mùa chạy đồng, chi phí thấp nên mỗi đêm lãi được 1,5 triệu đồng. Lúc này, tôi đang cho vịt chạy ăn đồng ở xã Hòa Quang Bắc, khoảng 10 ngày nữa, khi địa phương vào vụ gieo sạ thì sẽ đưa vịt vào ăn đồng ở tỉnh Đồng Nai. Tôi đã thuê được 10ha đồng ở tỉnh này để nuôi vịt.
Tương tự, từ sau Tết đến nay, giá gà thịt luôn đứng ở mức cao nên người nuôi rất phấn khởi và mạnh dạn tăng đàn. Hiện gà ta thả vườn bán ra tại trại có giá 85.000 đồng/kg, với giá này người nuôi lãi khoảng 40%. Bà Hồ Thị Tuyết Loan ở xã Ea Bar (huyện Sông Hinh) cho hay: Gia đình tôi vừa xuất bán lứa gà thịt hơn 300 con với giá 85.000 đồng/kg đối với gà mái và 80.000 đồng/kg đối với gà trống, trừ chi phí thu về được gần 20 triệu đồng. Hiện trại gà của tôi còn gần 500 con, trọng lượng 1,5kg/con. Gia đình đang tập trung chăm sóc để kịp bán vào dịp mùng 5 tháng 5 (âm lịch) tới, vì theo tôi thời điểm này nhu cầu tiêu thụ của thị trường tăng cao, hy vọng giá gà cũng tăng thêm. Gia đình tôi đang vệ sinh khu chuồng trống, cho ủ vôi để chuẩn bị vô lứa gà mới khoảng 600 con. Giống gà ta có thời gian sinh trưởng khá dài từ 5-6 tháng để kịp bán vào dịp Noel cuối năm nay.
Không riêng sản phẩm gia cầm tăng giá mà khoảng 2 tháng qua, giá heo hơi trên thị trường cũng tăng mạnh. So với dịp Tết Nguyên đán 2018, hiện giá heo hơi tăng thêm 20.000 đồng/kg, đạt mốc 47.000 đồng/kg nên người nuôi phấn khởi. Theo ông Lê Văn Khải ở xã Hòa Thắng (huyện Phú Hòa), sau thời gian dài giá heo hạ thấp, thì nay đã tăng trở lại, người nuôi heo có lãi. Vừa qua, gia đình ông Khải xuất bán 10 con heo thịt, tổng trọng lượng hơn 900kg với giá bán 47.000 đồng/kg. “Nhờ gia đình tôi nuôi 2 con heo nái, tự sản xuất giống nên chi phí giảm đáng kể, trừ các khoản đầu tư thì lứa heo vừa bán cho lãi hơn chục triệu đồng. Hiện trong chuồng vẫn còn 2 lứa heo dự kiến xuất vào tháng tới”, ông Khải nói.
Chủ động phòng ngừa dịch bệnh
Bà Huỳnh Thị Cơ ở xã Hòa An (huyện Phú Hòa) cho biết: Sau đợt heo mất giá kéo dài, gia đình tôi tạm dừng nuôi hơn 1 năm qua. Mới đây, khi thị trường heo thịt tăng giá, tôi thả giống nuôi lại. Để gầy được đàn heo 2 lứa với 25 con, tôi đã đầu tư hơn 30 triệu đồng. Vì vậy, tôi rất quan tâm đến việc chăm sóc, phòng dịch cho vật nuôi. Việc vệ sinh chuồng nuôi được thực hiện hàng ngày, chất thải thu gom về hầm biogas xử lý, định kỳ mỗi tuần tôi phun thuốc tiêu độc sát trùng môi trường khu vực chăn nuôi 2 lần.
Trong khi đó, vấn đề mà người nuôi vịt đặc biệt quan tâm hiện nay là thực hiện việc tiêm phòng các loại vắc xin theo quy định. Ông Nguyễn Đặng cho hay: Mùa nắng là thời điểm các loại dịch bệnh cúm gia cầm, dịch tả, tụ huyết trùng, phó thương hàn... bùng phát. Muốn phòng ngừa hiệu quả các loại dịch bệnh này, phương pháp hữu hiệu nhất là tiêm phòng vắc xin. Ngoài ra, đối với những người nuôi vịt chạy đồng như tôi thì việc tiêm phòng vắc xin là điều kiện bắt buộc để có thể đưa đàn xuất, nhập tại các địa phương khác.
Tại các huyện miền núi Sông Hinh, Sơn Hòa và Đồng Xuân có đàn bò phát triển mạnh, mùa này, người dân tập trung tìm kiếm thức ăn phục vụ chăn nuôi gia súc. Theo ông Nguyễn Khắc Sự, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Sông Hinh, tổng đàn bò của huyện này khoảng 18.700 con. Để đảm bảo nguồn thức ăn chăn nuôi, người dân địa phương đã biết tích trữ, tận dụng các loại phụ phẩm nông nghiệp như rơm rạ, đọt mía, sắn... và trồng cỏ để làm thức ăn cho bò. Ngoài ra, bà con còn tuân thủ quy định tiêm phòng vắc xin phòng dịch bệnh cho gia súc. Trong đợt tiêm phòng vắc xin LMLM vừa rồi, toàn huyện đã tiêm phòng được hơn 85% tổng đàn.
Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Nguyễn Văn Lâm khuyến cáo: Phòng ngừa dịch bệnh là vấn đề được ngành Thú y, các địa phương và người chăn nuôi chú trọng. Trong điều kiện thời tiết bất lợi như hiện nay, bà con phải quan tâm đến việc chăm sóc sức khỏe và phòng dịch để hạn chế rủi ro, đặc biệt là việc tiêm phòng. Vừa qua, chi cục triển khai tiêm phòng vắc xin đàn vật nuôi của tỉnh. Đến nay, đơn vị đã tiêm được 123.216 liều vắc xin LMLM, gần 40.000 liều vắc xin tụ huyết trùng cho đàn trâu, bò và 259.000 liều vắc xin cúm gia cầm cho gà,vịt.
THỦY TIÊN
- Kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm và các loại đặc sản
- Kỹ thuật trồng trọt cây ăn trái, rau màu và các loại cây lương thực, cây công nghiệp khác
Các tin mới:
Kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng và chế biến thủy hải sản
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.