• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Không cam chịu thất bại

Nguồn tin: Báo Thái Nguyên, 09/06/2018
Ngày cập nhật: 11/6/2018

Mô hình chăn gà đẻ trứng cho thu nhập trên 500 triệu đồng/năm của bà Phạm Thị Lan

Trong quá trình chăn nuôi gà đẻ trứng, tôi gặp không ít thất bại, nặng nhất là đại dịch cúm A H5N1 năm 2009, thiệt hại hơn 1 tỷ đồng, nhưng được sự động viên của mọi người tôi lại gắng gượng tiếp tục đứng lên”. Đó là chia sẻ của bà Phạm Thị Lan (sinh năm 1966), xóm Ao Ngo, phường Cải Đan (T.P Sông Công, tỉnh Thái Nguyên) khi nói về công việc chăn nuôi dẫu thành công nhưng không ít gian nan của mình.

Trước đây, bà Lan ở nhà làm ruộng, khi nông nhàn bà tranh thủ buôn bán lẻ tẻ, song làm cật lực mà thấy cuộc sống vẫn khó khăn. Năm 2003, theo lời giới thiệu của người em họ, bà đi xuất khẩu lao động tại Đài Loan. Sau hơn 2 năm, kiếm được chút vốn bà trở về nhà và nhận thấy địa phương chưa có mô hình nuôi gà đẻ và lò ấp trứng trong khi nhu cầu của người dân cao, do vậy bà đã quyết định gây dựng trang trại chăn nuôi gà đẻ trứng. Ban đầu, dù chưa có kinh nghiệm nhưng bà Lan vẫn mạnh dạn vay mượn tiền ngân hàng, anh em bạn bè 1,5 tỷ đồng để đầu tư chuồng trại, mua 4 lò ấp trứng và nuôi hơn 10 nghìn con gà. Đến giờ nghĩ lại bà vẫn thấy đó là một quyết định vô cùng táo bạo và liều lĩnh. Bà chia sẻ: Thời điểm đó, địa phương chưa ai mua lò ấp nên số gà của tôi ấp được bao nhiêu đều có khách đặt mua hết, khi ấy bán gà ham lắm, có tuần tôi bán được 80 triệu - 100 triệu đồng.

Niềm vui không được bao lâu, đến năm 2009, đại dịch cúm A H5N1 xảy ra và lây lan rộng rãi trên cả nước. Đàn gà của trang trại cũng không tránh khỏi. Nhìn đàn gà béo tốt cứ chết dần bà Lan cảm thấy như bị xát muối vào ruột. Toàn bộ số gà phải mang đi tiêu huỷ, tính ra lỗ mất hơn 1 tỷ đồng. Bà suy sụp, nghĩ là khó có thể vượt qua khó khăn này, nhưng được sự động viên của anh em, bạn bè, chính quyền địa phương, cũng như phía Công ty cung cấp cám bà lại quyết định đứng dậy làm lại từ đầu. Khi đó, bà được Nhà nước hỗ trợ gần 270 triệu đồng, được Công ty Cổ phần Chăn nuôi CP Việt Nam tạm ứng con giống, cám. Sau trận dịch đó, ít nhiều bà cũng tích luỹ cho mình một chút kinh nghiệm. Để chăm sóc đàn gà tốt hơn, bà còn tích cực tham gia các lớp thú y do địa phương tổ chức, học hỏi những người có kinh nghiệm cũng như trao đổi thường xuyên với cán bộ kỹ thuật của Công ty…

Tham quan mô hình chăn nuôi của bà Lan, hẳn nhiều người sẽ ấn tượng bởi trang trại được xây dựng khá bài bản, khoa học. Với gần 4.000m2 diện tích đất vườn của gia đình, bà làm 4 dãy chuồng khép kín, mỗi dãy diện tích khoảng 360m2 có mái che, xung quanh quây bằng lưới sắt phủ bạt, đảm bảo độ thoáng và sáng, có hệ thống nước uống, khay đựng thức ăn, khay để gà đẻ trứng, quạt gió; khu vực lò ấp tự động, khép kín; nhà để thức ăn, thuốc men…

Đến nay, trang trại của gia đình bà chăn nuôi ổn định khoảng 8.000 con gà đẻ trứng, mỗi ngày thu được hơn 3.000 quả trứng. Gà đẻ đến đâu, bà mang đi ấp đến đó. Việc ấp trứng bằng máy tự động nên tỷ lệ nở luôn đạt trên 80%. Thông thường mỗi lứa cho ấp khoảng 21 ngày. Mỗi tháng bà xuất ra thị trường được 60.000 con gà sinh sản, đạt doanh thu gần 3 tỷ đồng/năm, trừ chi phí cho thu lãi khoảng 500 triệu đồng. Không chỉ làm giàu cho bản thân, bà còn tích cực giúp đỡ về vốn, chia sẻ kinh nghiệm với người dân quanh vùng về cách chăn nuôi gà đẻ hiệu quả, tạo công ăn việc làm cho 4 - 5 lao động (ăn ngủ tại chỗ) với mức 4 triệu đồng/người/tháng.

Theo bà, cách phòng tránh dịch bệnh tốt nhất cho đàn gà là vệ sinh sạch sẽ chuồng trại. Khi chuyển gà về chuồng bà rửa chuồng, sát khuẩn bằng vôi, rải trấu, một tuần phun 2 lần chế phẩm sinh học EM (một loại chế phẩm giúp giảm mùi hôi, tăng sức đề kháng cho vật nuôi), phun thuốc sát trùng vòng quanh chuồng trại, mùa mưa dầm, bà rắc vôi xung quanh nhà. Mới đây, bà còn dùng thêm men vi sinh để phân gà được phân hủy tốt hơn, giảm mùi hôi, mang đến môi trường sống trong lành, tạo điều kiện cho gà phát triển tốt… Với phương châm phòng bệnh hơn chữa bệnh, mỗi năm bà tiêm mũi A H5N1 một lần, định kỳ hàng tháng cho gà uống thuốc phòng bệnh gà rù, chỉ sử dụng thuốc kháng sinh cho đàn gà khi thời tiết bất thường. Ở mỗi cửa chuồng, bà để một thùng thuốc sát khuẩn cho người cũng như gà khi ra, vào chuồng…

Mô hình chăn nuôi của bà Lan được các cấp, ngành khen thưởng và trở thành địa chỉ tin cậy, uy tín với nhiều người dân trong vùng đến mua gà cũng như học hỏi kinh nghiệm. Bà cũng là một trong 31 cá nhân điển hình tiên tiến được UBND tỉnh khen thưởng trong phong trào thi đua yêu nước năm 2018.

Lưu Phượng

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang