Nguồn tin: Khuyến nông VN, 15/06/2018
Ngày cập nhật:
17/6/2018
Vùng đất Ninh Thuận nắng gió nhưng được thiên nhiên ưu đãi nên có khá nhiều điểm du lịch mới mẽ thu hút nhiều du khách ghé thăm. Với những thực khách ghé đến đây ngoài những món hải sản tươi sống, món dê, cừu ở các nhà hàng thì không thể bỏ qua các món dân giã từ gà. Thịt gà dai, thơm ngon, da vàng óng do những người dân nơi đây có cách nuôi gà nòi lai thả vườn truyền thống cung cấp cho thị trường.
Nhận thấy thị trường đầu ra ổn định, giá bán cao nên gia đình bà Chút ở khu phố 3, phường Văn Hải, thành phố Phan Rang-Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận đã thực hiện nuôi gà nòi lai theo cách chăn thả với quy mô lớn để phát triển kinh tế cho gia đình.
Bà Chút cho biết, thời gian trước đây, cuộc sống gia đình bà khó khăn do đất đai cằn cỗi, nhiều dốc cao thấp nên trồng nho, táo tốn nhiều công chăm sóc nhưng cũng không được lãi bao nhiêu. Để tận dụng diện tích vườn nhà và phát triển kinh tế gia đình, bà tiếp tục mở rộng thêm mô hình chăn nuôi vịt, heo,… nhưng đầu ra bấp bênh. Gà nòi cũng được gia đình nuôi nhưng chỉ để phục vụ trong gia đình. Năm 2013, tình cờ được người quen giới thiệu về giống gà nòi lai ở tận Bến Tre, hai vợ chồng bà nhờ cháu gái có chồng ở Bến Tre mua giúp 100 con gà giống về nuôi thử. Thấy giống gà này dễ nuôi, ít bệnh, thịt dai, ngon mang bán cho các mối đều yêu cầu cung cấp thêm, giá bán lại cao, ổn định nhưng không còn gà để bán. Bà bàn bạc với chồng vào đến tận Bến Tre để học hỏi thêm kinh nghiệm, tích lũy kiến thức. Bà nhập thêm 500 con giống, xây dựng lại chuồng trại, mở rộng diện tích nuôi.
“Khi đã tích lũy được kinh nghiệm, tôi quyết định tăng số lượng đàn và vào đến tận Bến Tre để bắt gà con giống. Trong trại thường xuyên trên 500 con gà thịt đủ tiêu chuẩn xuất chuồng, chưa kể gà mới thả. Vì giống gà nòi chất lượng cao, nguồn gốc con giống rõ ràng, giá bán cao 80.000-90.000 đồng/kg nên rất an tâm trong việc đầu tư vào nuôi”, bà Chút nói.
Trang trại nuôi gà nòi lai của bà Chút
Theo bà Chút, bí quyết để thành công với giống gà nòi cần phải nắm vững kỹ thuật, trong đó việc hạn chế gà đá nhau và vệ sinh phòng dịch là yếu tố quyết định đối với việc thành bại. Kế đến là thức ăn phải đảm bảo chất lượng và tránh lãng phí thức ăn, nước uống cũng phải sạch.
Đặc biệt, phải tiêm vắc-xin cho đàn gà đúng theo lịch quy định. Thường xuyên kiểm tra đàn gà để có thể nhận biết được con gà nào có dấu hiệu bệnh, yếu để cách ly, “dưỡng” lại và tiến hành trị cả đàn để tránh lây lan. Rượu tỏi được gia đình bà ngâm để bổ sung định kỳ cho gà có thêm sức đề kháng, khỏe mạnh.
Các máng ăn và máng uống đều thường xuyên được phun thuốc khử trùng. Mỗi lần xuất chuồng phải làm vệ sinh thật kỹ, thay nền trấu mới nên chuồng trại giảm thiểu tối đa mùi hôi, thông thoáng. Tất cả chất lót nền cũ được đem ủ hoai cùng với phân bò để rải cho vườn nho, táo, và rau của gia đình.
Để đàn gà khỏe mạnh, mau lớn, chuồng trại phải được thiết kế đúng quy cách, nơi cao ráo, thoáng khí, đủ ánh sáng. Nền chuồng được phủ một lớp trấu dày 10cm, trên bề mặt chuồng phải được rải kín, dùng cào sơ qua lớp mặt đệm lót. Sau đó, rắc đều chế phẩm men Balasa lên bề mặt chất độn, tiếp tục dùng tay xoa trên bề mặt để men được phân tán đều. Xung quanh chuồng phải có tấm bạc che phủ, nhất là vào ban đêm hoặc vào những ngày mưa gió, đảm bảo ấm áp vì nơi ẩm thấp, gió lạnh, gà sẽ dễ bị cảm lạnh và lây nhiễm, nhất là bệnh hô hấp và tiêu chảy. Giai đoạn gà giò sau khi cho ăn bữa sáng, thả gà ngoài vườn táo để gà chạy nhảy, tự tìm thức ăn xanh, côn trùng, bố trí máng ăn, máng uống ngoài vườn để gà tập trung mổ thức ăn, sử dụng lưới rào xung quanh để gà không ra ngoài, buổi chiều cho gà vào chuồng trại tập trung.
Chuồng trại được thiết kế đúng quy cách
Về chế độ thức ăn, cho gà ăn thức ăn công nghiệp, ngày cho ăn 2 cữ vào buổi sáng và chiều. Vào buổi trưa cho ăn thóc, bắp nấu chung với rau lang, rau muống, rau dền, cây chuối,… trộn với cám, gạo, bắp, bổ sung vitamin C vào nước cho gà uống. Gia đình bà để một khoảng đất trồng rau lang, rau muống, chuối,… để bổ sung rau xanh cho đàn gà. Nếu thời tiết trở lạnh, trong thức ăn của gà phải bổ sung một ít chất men hoặc rượu tỏi để tăng sức đề kháng.
Hiện tại, mỗi tháng bà Chút xuất chuồng một lứa gà thịt, mỗi lứa khoảng từ vài trăm con, bình quân mỗi con nặng khoảng từ 1,6 – 2 kg (gà mái) và 2,2 – 2,5kg (gà trống). Với giá bán dao động từ 80.000 - 90.000 đồng/kg (thời gian nuôi khoảng 4 tháng), đem lại cho bà Chút lợi nhuận trên 30 triệu đồng/lứa. Sau mỗi lần xuất chuồng, bà lại thả thêm lứa mới, nhờ vậy mà trại gà lúc nào cũng đủ gà thương phẩm để cung cấp cho bạn hàng, thương lái.
Vợ chồng bà là một trong những thành viên tích cực của Hội nông dân phường, để có nguồn gà cung cấp thường xuyên cho thương lái bà và hơn 8 hộ chăn nuôi trong phường đã hình thành một nhóm chăn nuôi gà thả vườn trên địa bàn phường Văn Hải để học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau, giúp nhau cùng phát triển kinh tế gia đình.
Thời gian tới, gia đình bà Chút tiếp tục đầu tư mua máy ấp trứng để thử nghiệm và học hỏi thêm kinh nghiệm nhằm tự sản xuất giống, từ đó có thể tự cung cấp con giống cho bà con tại địa phương./.
Cơ Nguyên - Trung tâm Khuyến nông Ninh Thuận
- Kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm và các loại đặc sản
- Kỹ thuật trồng trọt cây ăn trái, rau màu và các loại cây lương thực, cây công nghiệp khác
Các tin mới:
Kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng và chế biến thủy hải sản
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.