Nguồn tin: Báo Quảng Trị, 16/01/2018
Ngày cập nhật:
18/1/2018
Ông Hoàng Đoán, Bí thư Đảng ủy xã Hải Thái (Gio Linh, Quảng Trị) cho biết: “Toàn xã có tổng đàn bò 1.798 con, trong đó có 300 con bò lai sind. Trước đây, người dân chủ yếu phát triển đàn gia súc theo hướng thả rông hoặc bán nuôi nhốt nên hiệu quả chưa cao. Đầu năm 2017, được sự hỗ trợ và tạo điều kiện từ chính quyền các cấp, nhiều hộ gia đình đã mạnh dạn xây dựng trang trại nuôi bò nhốt theo hướng thâm canh. Đây là hướng làm ăn mới, đang được nhiều địa phương chú trọng phát triển và hứa hẹn mang lại hiệu quả kinh tế cao”.
Người dân chăm sóc đàn bò lai trong trang trại vừa mới hoàn thành
Dưới cơn mưa phùn một ngày đầu năm 2018, dẫn chúng tôi men theo tuyến đường đất đỏ đến với những trang trại nuôi bò nhốt mới hoàn thiện, Bí thư Đảng ủy Hoàng Đoán nói rằng, từ cuối năm 2016 đến đầu năm 2017, nhằm thực hiện chủ trương phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới của Đảng bộ xã, chính quyền và người dân xã Hải Thái đã cùng chung tay xây dựng nhiều mô hình làm ăn khá mới mẻ. Trong đó, mô hình làm trang trại nuôi bò nhốt tập trung và trồng cỏ voi VA06 được đánh giá là có nhiều triển vọng. Hiện nay, xã đang hỗ trợ cho hai hộ gia đình xây dựng trang trại nuôi bò nhốt chuồng và trồng cỏ voi theo hình thức sản xuất khép kín, đó là hộ anh Phạm Thanh Hà và Nguyễn Xuân Hoàng.
Trước đây, gia đình anh Phạm Thanh Hà (44 tuổi) ở thôn Trung An làm gia trại nuôi bò và trồng 3 ha cao su tiểu điền với thu nhập bình quân khoảng 100 triệu đồng/năm. Anh nhận thấy, nếu cứ chăn nuôi theo hướng bán nuôi nhốt với nguồn thức ăn không đủ cung ứng và đầu ra không ổn định thì rất khó để phát triển đàn gia súc theo hướng thâm canh. Vào tháng 4/2017, anh Hà huy động mọi nguồn vốn đầu tư xây dựng trang trại trên thửa đất rộng rãi, bằng phẳng với diện tích 2,5 ha được xã cho mượn để chăn nuôi bò thâm canh và trồng cỏ voi VA06. Trang trại của anh Hà được xây dựng khép kín, có hàng rào bao quanh. Bên trong, cơ sở hạ tầng được sắp xếp khoa học gồm nhà ở, nhà chứa thức ăn, khu chăn nuôi, hệ thống xử lý vệ sinh… Hiện tại, anh Hà đã trồng được 8 sào cỏ voi và nuôi 30 con bò lai sind. Anh đang dự tính trồng thêm cây sắn và chuối để tăng cường lượng tinh bột cho đàn bò. “Tôi được xã tạo điều kiện cho mượn đất, còn huyện hỗ trợ 1 còn bò đực giống zebu trị giá 14 triệu đồng. Kỹ thuật chăn nuôi cũng được các cán bộ nông nghiệp huyện hướng dẫn, tư vấn nên gia đình tôi khá yên tâm. Sắp tới tôi sẽ phát triển đàn lên tối thiểu là 50 con, hoàn toàn theo hình thức nuôi nhốt thâm canh. Nếu thuận lợi thì trang trại của tôi sẽ cho thu nhập trên 200 triệu đồng/năm. Khi trang trại đã đi vào hoạt động ổn định, tôi sẽ mở rộng sản xuất để nâng cao thu nhập cho gia đình”, anh Hà nói.
Rời trang trại của anh Hà, chúng tôi đến thăm trang trại nuôi bò nhốt của anh Nguyễn Xuân Hoàng (47 tuổi) cách đó không xa. Anh Hoàng nhà ở thôn 4B. Cũng như anh Hà, từ năm 2013, gia đình anh Hoàng đã chăn nuôi đàn bò theo hình thức bán nuôi nhốt. Vì không có diện tích đất và đồng có tự nhiên dần bị thu hẹp nên anh không thể phát triển đàn gia súc của mình mà chỉ nuôi cầm chừng ở mức 20 con. Từ tháng 4/2017, sau khi được xã cho mượn đất theo chủ trương phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới, anh Hoàng huy động được gần 1 tỷ đồng xây dựng trang trại trên diện tích 2,5 ha. Hiện nay, trang trại của anh Hoàng đã hoàn thiện và nuôi 50 con bò (trong đó 50% bò lai sind, 50% bò cỏ), trồng được 1 ha cỏ voi VA06. Anh Hoàng cho biết, kế hoạch sắp tới của anh là tiếp tục trồng cỏ voi trên diện tích đất còn trống và phát triển đàn bò theo hướng thâm canh kết hợp nuôi thêm lợn, gà để lấy ngắn nuôi dài. “Lợi thế của nuôi bò nhốt thâm canh là không tốn công chăn thả, nguồn thức ăn luôn sẵn có vì cỏ voi được trồng trong trang trại. Bò nuôi nhốt nên dễ theo dõi sức khỏe hơn, ít xảy ra dịch bệnh và tăng trưởng nhanh. Hiện nay, thị trường đang rất ưa chuộng các sản phẩm được chế biến từ thịt bò nên khâu đầu ra luôn đảm bảo. Tôi mong muốn chính quyền các cấp sẽ tạo điệu kiện cho thuê đất dài hạn và hỗ trợ về nguồn vốn vay cũng như kỹ thuật chăn nuôi để chúng tôi có thể yên tâm phát triển trang trại, mở rộng sản xuất”, anh Hoàng chia sẻ.
Trao đổi với chúng tôi về phát triển đàn bò trên địa bàn huyện, Trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Gio Linh Lê Văn Viễn cho biết: “Thống kê đến cuối năm 2017, tổng đàn bò của huyện là 10.878 con; trong đó, bò lai 3.917 con (chiếm 35,7% tổng đàn, tăng 2,7% so với cùng kỳ). Phát triển đàn bò theo hướng nuôi nhốt thâm canh là hướng đi đúng đắn cần được khuyến khích và nhân rộng. Hai trang trại nuôi bò nhốt thâm canh ở xã Hải Thái đã được huyện hỗ trợ mỗi gia đình 1 con bò đực giống zebu để nâng cao chất lượng đàn bò. Thời gian qua, ngành nông nghiệp huyện đã tích cực phối hợp với chính quyền địa phương thường xuyên theo dõi, nắm bắt tình hình sức khỏe của đàn gia súc và mở nhiều lớp tập huấn kỹ thuật cho người dân. Sắp tới, Phòng Nông nghiệp sẽ tiếp tục tham mưu cho UBND huyện có chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện để người dân yên tâm phát triển đàn gia súc theo hướng nuôi nhốt thâm canh, mở rộng sản xuất, qua đó góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện chất lượng cuộc sống gia đình”.
Trần Tuyền
- Kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm và các loại đặc sản
- Kỹ thuật trồng trọt cây ăn trái, rau màu và các loại cây lương thực, cây công nghiệp khác
Các tin mới:
Kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng và chế biến thủy hải sản
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.