Nguồn tin: Báo Đắk Lắk, 09/07/2018
Ngày cập nhật:
10/7/2018
Để khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường, hạn chế dịch bệnh và nâng cao hiệu quả trong chăn nuôi, thời gian qua nhiều hộ gia đình trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột (tỉnh Đắk Lắk) đã sử dụng đệm lót sinh học trong chăn nuôi heo, bước đầu mang lại hiệu quả cao.
Ông Nguyễn Thế Lương (đường Giải Phóng, phường Tân Thành) có hơn 14 năm chăn nuôi heo thịt và heo sinh sản theo cách truyền thống. Dù đã xây dựng hầm biogas để xử lý chất thải, nhưng vẫn không tránh được mùi hôi, ảnh hưởng đến môi trường xung quanh. Năm 2014, qua học hỏi trên mạng Internet và hướng dẫn kỹ thuật của Trạm Khuyến nông TP. Buôn Ma Thuột, ông đã tiến hành cải tạo chuồng trại. Trên nền chuồng cũ, ông Lương trang bị lớp đệm lót dày 60cm gồm hỗn hợp trấu, mùn cưa trộn với men vi sinh. Sau khi trộn hỗn hợp, ủ từ 3 đến 5 ngày ông bắt đầu thả 40 con heo thịt vào nuôi. Ông Lương cho biết, với chuồng nuôi 60m2 ông chỉ tốn gần 4 triệu đồng chi phí mua nguyên liệu. Chuồng trại sau khi sử dụng đệm lót sinh học không còn mùi hôi, giảm công lao động do không phải tắm heo, rửa chuồng. Bên cạnh đó, chuồng nuôi có không khí sạch cũng giảm vi sinh vật gây bệnh, vật nuôi phát triển tốt. Nhờ vậy trọng lượng của heo cũng tăng bình quân cao hơn 1-3 kg/tháng so với chuồng không sử dụng đệm lót. Qua một đợt chăn nuôi, ông tái sử dụng 50% đệm lót, lớp đệm thải ra được ông bán cho các nhà vườn làm phân hữu cơ bón cho cây trồng.
Mô hình chăn nuôi heo trên nền đệm lót sinh học của gia đình ông Nguyễn Thế Lương.
Tương tự, bà Nguyễn Thị Nghĩa (đường Nguyễn Tuân, phường Tân Thành) đã áp dụng đệm lót sinh học được gần 1 năm nay cho diện tích chuồng hơn 100m2 nuôi 74 con heo lai rừng. Bà Nghĩa chia sẻ, với chi phí gần 6 triệu đồng mua 2,5 tấn trấu, cám gạo và men vi sinh để làm lớp đệm lót nền chuồng nhằm phân hủy chất thải chăn nuôi, đến nay khu chuồng nuôi của gia đình bà hoàn toàn không có mùi hôi, ruồi muỗi. Thông thường từ 1-2 ngày, bà sẽ xới tơi đệm lót sâu 15cm để bảo đảm độ tơi xốp giúp vi sinh vật phân hủy tốt chất thải tại chỗ. Với nhiệt độ đệm lót sinh học luôn ấm từ 30-50oC, càng về phía đáy nền nhiệt độ càng cao nên một số vi khuẩn không có điều kiện để phát triển. Hiện tại, đàn heo của gia đình bà tăng trưởng khá tốt trong môi trường đệm lót, ít nhiễm các bệnh về đường tiêu hóa và hô hấp. Nhờ đó giảm chi phí sử dụng thuốc thú y, tiết kiệm được chi phí thức ăn, đặc biệt không còn tình trạng ô nhiễm môi trường.
Ông Hoàng Anh Dũng, Phó Trạm trưởng Trạm Chăn nuôi và Thú y TP. Buôn Ma Thuột cho biết, thành phố hiện có tổng đàn heo gần 150.000 con, trong đó khoảng 40% tổng đàn đã áp dụng đệm lót sinh học. Chăn nuôi heo theo hình thức này, hệ thống chuồng nuôi chỉ cần xây dựng đơn giản, cao ráo thoáng mát để tạo độ thông thoáng tối đa, chi phí đầu tư không cao vì nguyên liệu làm đệm lót dễ tìm (trấu, mùn cưa, lõi ngô nghiền, rơm…). Mô hình tiết kiệm tới 60% sức lao động trong việc vệ sinh chuồng trại, 80% chi phí điện, nước và giảm 10% chi phí thức ăn. Từ những hiệu quả rõ rệt, hiện nhiều hộ chăn nuôi heo đã chủ động chuyển đổi từ mô hình chăn nuôi truyền thống sang sử dụng đệm lót sinh học nhằm mang lại giá trị kinh tế cho gia đình, bảo đảm sức khỏe người chăn nuôi, hạn chế rủi ro, lây lan bệnh tật.
Đàn heo rừng lai của gia đình bà Nguyễn Thị Nghĩa phát triển khỏe mạnh, an toàn dịch bệnh nhờ áp dụng đệm lót sinh học.
Có thể thấy, chăn nuôi heo trên nền đệm lót sinh học rất phù hợp với điều kiện chăn nuôi của những hộ dân ở khu dân cư vì xử lý tốt vấn đề môi trường. Để nhân rộng và tiến đến áp dụng đại trà mô hình này thì công tác tuyên truyền đóng vai trò then chốt. Do vậy, thời gian tới, Trạm Chăn nuôi và Thú y sẽ phối hợp cùng các địa phương tăng cường các lớp tập huấn, tuyên truyền, cung cấp địa chỉ những hộ đã thực hiện thành công mô hình để nông dân học tập kinh nghiệm, hướng đến phát triển chăn nuôi thân thiện với môi trường.
Trong đệm lót sinh học có chứa các vi sinh vật có lợi luôn hoạt động và sinh nhiệt tiêu diệt vi khuẩn có hại, đồng thời làm ấm cho đàn vật nuôi. Sau 9 tháng đến 1 năm sử dụng, đệm lót được đưa ra và làm phân bón cho cây trồng rất tốt nhờ có hàm lượng dinh dưỡng cao, tăng nguồn thu cho người chăn nuôi.
Thùy Linh
- Kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm và các loại đặc sản
- Kỹ thuật trồng trọt cây ăn trái, rau màu và các loại cây lương thực, cây công nghiệp khác
Các tin mới:
Kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng và chế biến thủy hải sản
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.