Nguồn tin: Báo Bình Phước, 14/07/2018
Ngày cập nhật:
16/7/2018
Những năm gần đây, phong trào nuôi dê ở xã Lộc Hiệp (Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước) phát triển khá mạnh và dê trở thành vật nuôi chủ lực của người dân địa bàn. Tuy nhiên, nuôi dê ở Lộc Hiệp vẫn mang tính tự phát, bị tư thương ép giá nên hiệu quả kinh tế chưa cao. Hợp tác xã kinh doanh chăn nuôi dê Lộc Hiệp ra đời đã mở hướng đi mới cho người nuôi dê nơi đây.
TỪ CHĂN NUÔI NHỎ LẺ
Rời Cà Mau từ năm 1983, gia đình bà Võ Thị Giang (1962) chọn ấp Hiệp Thành, xã Lộc Hiệp làm nơi lập nghiệp. Sau nhiều năm làm thuê, gia đình bà Giang đã nhận sang nhượng lại 5 sào đất để trồng tiêu. Thu nhập từ 5 sào tiêu không đủ chi phí sinh hoạt cho 4 người nên cuộc sống gia đình gặp nhiều khó khăn. Được sự tư vấn của Hội Liên hiệp Phụ nữ xã, năm 2014, bà Giang mua 5 con dê giống về nuôi, đến nay đã có 20 con. Bà Giang cho biết: “Dê rất dễ nuôi, sinh sản nhanh, sau 1 năm đã cho thu nhập. Thức ăn nuôi dê tận dụng từ lá cây keo trồng làm trụ hồ tiêu có sẵn trong vườn của gia đình nên chi phí thấp. Hiện tôi muốn mở rộng đàn dê nhưng thiếu vốn làm chuồng trại, trong khi đầu ra còn phụ thuộc thương lái...”.
Bà Đỗ Thị An, ấp Hiệp Thành, xã Lộc Hiệp đang chăm sóc đàn dê của gia đình
Cũng giống hộ bà Giang, gia đình bà Đỗ Thị An đến ấp Hiệp Thành lập nghiệp đã gần 30 năm nay. Hiện gia đình bà có hơn 1ha tiêu và đàn dê 30 con. Thời gian qua, hồ tiêu mất mùa, rớt giá nên thu nhập của gia đình dựa vào đàn dê. Bà An cho hay: “Với giá dê dao động từ 80 - 90 ngàn đồng/kg, mỗi năm gia đình tôi thu về trên 40 triệu đồng, đủ chi tiêu tiết kiệm và lo cho con ăn học”. Nuôi dê không chỉ tăng thu nhập, mỗi năm gia đình bà còn tiết kiệm hơn 10 triệu đồng tiền phân bón cho vườn tiêu. Phân dê rất tốt, chỉ cần ủ hoai là bón được cho cây tiêu, không chỉ hạn chế được phân hóa học mà còn giúp cây phát triển tốt hơn, ít bị sâu bệnh, năng suất cao, chất lượng tốt, hạn chế dư lượng thuốc bảo vệ thực vật.
Ấp Hiệp Thành nói riêng, xã Lộc Hiệp nói chung có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển đàn dê và xây dựng chuồng trại. Bởi người dân nơi đây hầu hết đều có vườn tiêu nên nguồn thức ăn từ cây keo rất dồi dào. Tuy nhiên, do chăn nuôi nhỏ lẻ, tự phát, đầu ra phụ thuộc tư thương nên nhiều gia đình chưa mạnh dạn mở rộng chuồng trại để phát triển đàn dê tăng thu nhập.
ĐẾN PHÁT TRIỂN THEO HƯỚNG BỀN VỮNG
Hiện xã Lộc Hiệp có 540 hộ chăn nuôi dê, mỗi hộ nuôi từ 5 - 50 con. Để xây dựng chuỗi liên kết, tháng 8/2017 các hộ dân đã thành lập Tổ hợp tác chăn nuôi dê Lộc Hiệp với 23 hội viên, sau 1 năm hoạt động đã tăng lên 42 hội viên, đến tháng 7/2018 nâng cấp lên thành hợp tác xã.
Bà Trần Thị Ngọ, Giám đốc Hợp tác xã cho biết: “Thành viên hợp tác xã chủ yếu là các hộ chăn nuôi dê trên địa bàn ấp Hiệp Thành với số vốn điều lệ 680 triệu đồng. Ngành nghề là chăn nuôi dê giống, dê thịt; chế biến kinh doanh các loại thịt dê; chuyên cung cấp nguồn phân dê đã ủ hoai. Theo phương án kinh doanh, dự kiến trong năm 2018, hợp tác xã sẽ triển khai quy trình sản xuất, hướng dẫn người dân xây dựng, sửa chữa lại chuồng trại, đánh dấu và định danh đàn dê của từng thành viên; phân loại dê, tạo lý lịch dê giống, dê thịt, dê hậu bị; xây dựng sổ theo dõi chăn nuôi của các hộ thành viên. Ký kết hợp đồng với nhân viên thú y về chăm sóc sức khỏe, tiêm phòng, khám chữa bệnh cho đàn dê theo định kỳ. Ngoài chăm sóc, phát triển đàn dê, dự kiến mỗi tháng, hợp tác xã sẽ ký hợp đồng tiêu thụ khoảng 1.000kg dê thịt. Những năm tiếp theo, sẽ mở rộng quy mô ra toàn xã Lộc Hiệp, ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm với các đầu mối. Đồng thời sẽ kêu gọi nhà đầu tư hoặc vay vốn thương mại thành lập cơ sở giết mổ với quy mô 50 con/ngày, xa hơn sẽ thành lập cơ sở chế biến các món ăn từ thịt dê để cung cấp cho thị trường trong và ngoài huyện. Thời gian tới, Ban giám đốc hợp tác xã sẽ hoàn thành các thủ tục để được cấp giấy chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm. Đây là cơ sở pháp lý để hợp tác xã thuận lợi trong việc tiếp cận các nhà hàng lớn, siêu thị trong việc tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm”.
Bà Ngô Thị Thùy Trang, Phó chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Lộc Ninh cho biết, thời gian tới, các cấp hội phụ nữ sẽ đẩy mạnh công tác phối hợp tạo điều kiện cho hội viên tiếp cận khoa học - kỹ thuật, vốn vay để phát triển quy mô chuồng trại cũng như số lượng, chất lượng đàn dê.
X.Túc
- Kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm và các loại đặc sản
- Kỹ thuật trồng trọt cây ăn trái, rau màu và các loại cây lương thực, cây công nghiệp khác
Các tin mới:
Kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng và chế biến thủy hải sản
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.