Nguồn tin: Báo Cao Bằng, 19/01/2018
Ngày cập nhật:
21/1/2018
Nghề chăn nuôi vịt với ưu điểm thời gian ngắn, dễ chăm sóc, có hiệu quả kinh tế nên được người dân các huyện miền Đông của tỉnh Cao Bằng, như: Hạ Lang, Trùng Khánh, Trà Lĩnh, Quảng Uyên... phát triển mạnh. Trong đó, vịt đàn có số lượng lớn được gọi là “pết ca”.
Hộ dân xã Quốc Phong (Quảng Uyên) phát triển chăn nuôi vịt.
Trong quá trình chăn nuôi, người dân đã đúc kết được những kinh nghiệm từ việc ấp trứng, chăm sóc lúc vịt còn nhỏ, cách chữa trị những loại bệnh thường gặp bằng phương pháp dân gian. Nhờ đó việc đầu tư chăn nuôi vịt được nhiều hộ nông dân khai thác đạt hiệu quả cao. Vịt được nuôi mỗi năm từ 3 - 4 lứa, tuy nhiên để khai thác hiệu quả nhất là tháng 8 âm lịch với lợi thế tận dụng sau mùa gặt có nguồn thức ăn dồi dào và phong phú. Vịt được chăn thả ở đồng ruộng và nhặt thóc rơi vãi. Thời điểm này, nhiều hộ tăng số lượng đàn từ 300 - 500 con vịt, cho thu nhập từ 30 - 40 triệu đồng.
Theo kinh nghiệm dân gian, để lựa chọn con giống, người dân thường lấy trứng của vịt thả đồng, vì vịt thả đồng có bổ sung nguồn thức ăn tự nhiên, được vận động trong không gian tự nhiên trong lành. Người chăn nuôi có thể soi quả trứng tương phản với đèn dầu, hoặc đèn pin, đồng thời quan sát trong quả trứng phần đầu to có màng khuyết là quả trứng tốt, khi ấp tỷ lệ vịt nở cao. Trước đây khi chưa có công nghệ ấp trứng bằng điện, nhu cầu chăn nuôi lớn, người dân ấp trứng vịt bằng vỏ trấu, hoặc thóc rang nóng; công cụ để ấp trứng chủ yếu dùng các loại tre nứa để đan thành chuồng. Quá trình ấp trứng, đòi hỏi người nông dân am hiểu về kỹ thuật ấp và nhiệt độ tương ứng. Thời gian ấp từ 28 - 30 ngày. Ấp trứng bằng thóc và trấu khi vịt nở ra ít dịch bệnh, chất lượng vịt con tốt hơn ấp bằng các trang thiết bị điện.
Hiện nay, có nhiều trang thiết bị chuyên dụng ấp trứng các loại gia cầm, phương pháp ấp trứng thủ công đã dần bị mai một, giảm về số lượng lò ấp. Tuy nhiên, một số địa phương vẫn còn duy trì ấp trứng theo phương pháp truyền thống như các xã: Đức Hồng, Khâm Thành, Lăng Hiếu... của huyện Trùng Khánh.
Những hộ gia đình đầu tư chăn nuôi vịt theo quy mô nhỏ có thể dùng gà để ấp. Để đạt được hiệu quả tối ưu trong việc đầu tư chăn nuôi vịt, theo kinh nghiệm truyền thống, khi vịt mới nở còn non là giai đoạn chăm sóc quan trọng nhất về nguồn thức ăn, nhiệt độ và cách chăn thả; qua đó người nông dân muốn đầu tư cho chăn nuôi cũng phải am hiểu được những điều kiện chăm sóc ban đầu. Thời gian đầu có thể dùng các loại thức ăn chính là cơm nguội và tôm, ốc, giun..., có thể rang đỗ tương, xay mịn trộn với cơm để kích thích cho vịt ăn nhiều hơn, tạo chất dinh dưỡng cho vịt phát triển. Hết tháng đầu tiên vịt có thể tự tìm kiếm nguồn thức ăn tự nhiên ở ngoài đồng.
Tại một số địa phương, để đầu tư phát triển vịt đàn, nhiều hộ dân đã chọn một số địa điểm thuận lợi với nguồn nước khi chăn thả ra đồng, dựng lán trại để tập kết vịt sau mỗi ngày chăn thả. Hằng ngày, khi phát hiện có một số con ốm yếu so với đàn, được gọi là “pết pai”, là một loại bệnh liên quan đến gân và bắp thịt; có thể chữa trị theo phương pháp truyền thống bằng cách lấy cây ngải cứu và một số loại lá cây có mùi thơm khác giã mịn cho vào lồng và sau đó tách vịt khỏi đàn nhốt vào. Sau một đêm vịt có thể đi lại được bình thường.
Vịt thả đồng của nông dân xã Đình Phong (Trùng Khánh).
Chủ tịch UBND xã Đình Phong (Trùng Khánh) Đoàn Hải Vân chia sẻ: Với lợi thế có nguồn nước phù hợp với việc đầu tư phát triển chăn nuôi vịt, do đó nhiều hộ dân trong xã đã đẩy mạnh chăn nuôi vịt, tăng thêm thu nhập. Hiện tại địa bàn xã có một số hộ nuôi từ 300 - 350 con/lứa, hằng năm nuôi từ 3 lứa trở lên. Vịt có mức giá bán từ 100 - 120 nghìn đồng/con, những hộ đầu tư với tổng đàn lớn mỗi năm cho thu nhập gần 100 triệu đồng.
Vịt thả đồng đã trở thành thương hiệu nổi tiếng như vịt cỏ Trùng Khánh và các địa phương lân cận khác; sau khi đã nuôi được 3 tháng là thời điểm vịt đã thay lông bóng mượt là thịt ngon nhất. Sản phẩm từ vịt không thể thiếu trong các ngày lễ, tết như Tết “So lộc”, Rằm tháng Bảy... Từ vịt có thể chế biến được nhiều món ăn. Đặc biệt, món vịt quay kèm theo gia vị lá cây mác mật, tỏi, hạt tiêu, gừng tạo thành mùi thơm tổng hợp hòa quyện vào nhau, tăng sự hấp dẫn đối với món thịt vịt.
Nghề nuôi vịt đàn hiện nay vẫn được người dân coi trọng, góp phần cải thiện bữa ăn hằng ngày, đồng thời tăng thu nhập cho gia đình.
Văn Hiếu
- Kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm và các loại đặc sản
- Kỹ thuật trồng trọt cây ăn trái, rau màu và các loại cây lương thực, cây công nghiệp khác
Các tin mới:
Kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng và chế biến thủy hải sản
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.