• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Cải tạo đàn bò theo hướng chuyên thịt

Nguồn tin: Báo Bình Phước, 19/08/2018
Ngày cập nhật: 20/8/2018

KINH NGHIỆM TỪ HUYỆN BA TRI

Nói đến chăn nuôi tại huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre, nhiều người nghĩ đến đàn bò chuyên thịt, chất lượng cao. Với diện tích khoảng 350km2, tổng đàn bò tại huyện Ba Tri hiện gần 100 ngàn con, gấp gần 3 lần so với tỉnh Bình Phước. Ông Nguyễn Ngọc Phúc, Trưởng trạm và các cán bộ Trạm Khuyến nông huyện Ba Tri cho biết, ở huyện có khoảng 80% hộ chăn nuôi bò thịt. Hầu hết diện tích đất canh tác được tận dụng trồng cỏ nuôi bò với quy mô từ 3 - 20 con/hộ.

Nuôi bò F1 (Charolais x Sind) chuyên thịt cho hiệu quả kinh tế cao đang là niềm tự hào của nông dân Ba Tri (Bến Tre)

Nuôi bò mang lại thu nhập, tạo việc làm và cho giá trị kinh tế cao. Theo chia sẻ kinh nghiệm từ đội ngũ cán bộ thú y và người dân Ba Tri cho biết: Đa số bò cái ở đây là giống Brahman, Sind, hoặc bò lai F1 được lai tạo bởi những giống bò này với bò Angus, Charolairs. Còn nuôi thịt chủ yếu là bò lai F1 giữa con Charolais, Angus, 3B với bò Brahman, Sind hoặc lai chéo giữa các con Charolai, Angus, 3B với con lai F1 nêu trên. Kết quả tạo nên con lai có trọng lượng lớn, phát triển nhanh, cho nhiều thịt. Cụ thể, sau khi đẻ đến 6 tháng tuổi, bê đạt từ 180 - 220kg/con. Bê đực bán nuôi thịt hiện có giá khoảng 18 - 20 triệu đồng/con, bê cái khoảng 10 - 12 triệu đồng/con. Bê đực đa số được nuôi thịt thêm 12 tháng đạt trọng lượng từ 850 - 1.050kg/con, xuất bán giá 45 - 65 triệu đồng/con. Trung bình mỗi gia đình nuôi bò đực vỗ béo sau 1 năm cứ 10 con bò thịt cho lợi nhuận trên 100 triệu đồng.

Bò dễ nuôi, thức ăn chủ yếu là cỏ và tận dụng các phụ phẩm nông nghiệp. Chi phí thú y thấp, chủ yếu chích ngừa vắc-xin lở mồm long móng và tụ huyết trùng hay chích phòng nội ngoại ký sinh trùng. Tuy nhiên, phải đảm bảo đủ nguồn thức ăn thô xanh, chuồng trại khô ráo, sạch sẽ. Bò được chăm sóc, tắm rửa thường xuyên và hầu như hộ chăn nuôi nào cũng đều mắc lưới xung quanh chuồng để phòng tránh muỗi đốt vào ban đêm. Người nuôi bò chủ yếu tận dụng nhân công nhàn rỗi và tận dụng nguồn thức ăn tự nhiên kết hợp trồng cỏ nên chi phí đầu tư thấp và giá trị lợi nhuận cao. Từ đó, chăn nuôi bò chuyên thịt không chỉ phát triển và cung cấp tại chỗ sản phẩm mà sản phẩm thương hiệu “Bò Ba Tri” đã được xuất bán khắp cả nước, kể cả xuất khẩu không chỉ về chất lượng sản phẩm mà còn cả công nghệ, văn hóa chăn nuôi.

BÀI HỌC CHO NGƯỜI NUÔI BÒ Ở BÌNH PHƯỚC

Thời gian qua, tỉnh Bình Phước đã ban hành nhiều chính sách thúc đẩy phát triển chăn nuôi nói chung và chăn nuôi bò chuyên thịt nói riêng. Đến nay, tổng đàn bò 35.000 con, trong đó ước khoảng hơn 10.000 con bò sinh sản giống lai Zebu (Brahman, Sind). Đây là điều kiện thuận lợi để hướng tới đẩy mạnh cải tạo đàn bò tại Bình Phước.

Với điều kiện thuận lợi về đất đai, khí hậu, cơ chế chính sách, giao thông, thị trường tiêu thụ, người chăn nuôi cần tận dụng tối đa lợi thế để đầu tư phát triển chăn nuôi bò hướng thịt thông qua các biện pháp cải tiến về con giống. Ví như sử dụng tinh bò giống chuyên thịt Angus, Charolais, 3B để phối giống với đàn bò cái sẵn có nhằm tạo con lai có tốc độ sinh trưởng phát triển tốt và cho giá trị kinh tế cao. Theo một số nông dân nuôi bò hướng thịt tại địa bàn tỉnh (Trần Huy Tiến, phường Tân Xuân, thị xã Đồng Xoài; Lưu Văn Thanh, ấp Thái Dũng, xã Tân Tiến, huyện Đồng Phú), con lai được tạo ra từ việc lai tạo các giống bò cho tốc độ tăng trưởng nhanh, thích nghi tốt với điều kiện tự nhiên tại địa phương, khả năng tận dụng thức ăn tốt; kháng ve và ký sinh trùng cao. Bò đực lai F1 (Charolais x Brahman) nuôi dưỡng tốt có con cho trọng lượng 1.000kg chỉ sau 18 - 20 tháng nuôi. Tuy nhiên, bò nên nuôi nhốt trong điều kiện thoáng mát, tránh chăn thả ở vùng ít bóng che vì bò không thích nghi với nắng nóng trực tiếp.

Để chất lượng đàn bò những năm tới cải tiến rõ rệt và áp dụng trên toàn tỉnh, rất mong các cơ quan, ban, ngành liên quan đẩy mạnh tuyên truyền về lợi ích của việc nuôi bò chuyên thịt và các biện pháp kỹ thuật để nông dân biết, ứng dụng. Đối với người chăn nuôi cần mạnh dạn ứng dụng tiến bộ của công tác giống và biện pháp gieo tinh nhân tạo để phối cải tiến, phát triển đàn bò từ trang trại đến nông hộ, để tạo đàn bò có tỷ lệ thịt xẻ cao nhất.

Nguyễn Xuân Trường

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang