• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Phát triển chăn nuôi heo theo hướng tập trung

Nguồn tin: Báo Đồng Khởi, 17/08/2018
Ngày cập nhật: 20/8/2018

Giá heo hơi biến động giảm kéo dài trong năm qua đã dẫn đến tổng đàn của tỉnh Bến Tre tại thời điểm này sụt giảm khá mạnh. Mặc dù giá heo hơi trong tỉnh đã phục hồi trở lại từ 4,8 đến hơn 5 triệu đồng/tạ, nhưng hiện nay, người nuôi vẫn chưa dám tái đàn. Thậm chí, nhiều hộ chăn nuôi dù có muốn cũng không đủ khả năng để nuôi trở lại do vừa trải qua trận thua lỗ kéo dài đến lâm nợ.

Anh Bé Chín bên trang trại heo nuôi theo tiêu chuẩn VietGAHP, xã Cẩm Sơn (Mỏ Cày Nam).

Heo tăng giá nhưng chậm tái đàn

Điểm lại thang giá biến động của heo hơi trong hơn 10 năm qua, năm 2017 và đầu năm 2018 là thời điểm mức giá heo hơi tuột dốc chạm đáy, với mức giá có lúc chỉ còn 1,7 - 1,8 triệu đồng/tạ. Thậm chí, có nơi thương lái ngừng mua, khiến nông dân hoang mang. Phần lớn các hộ nuôi nhỏ lẻ, các trang trại từ 100 con trở lên đã bỏ chuồng trống. Khoảng hai tháng nay, mặc dù giá heo hơi đã tăng vọt trở lại nhưng hộ nuôi rất thận trọng trong việc tái đàn, do đa số người nuôi còn “ê càng”.

Mặc dù thua lỗ nặng nhưng các trang trại chăn nuôi lớn có nhiều khả năng để tái đàn hơn. Trang trại của anh Bé Chín nói riêng và Tổ hợp tác chăn nuôi VietGAHP xã Cẩm Sơn, huyện Mỏ Cày Nam đã bắt đầu có sức sống trở lại. Tuy nhiên, anh cho biết, với mức giá cao đỉnh điểm hiện nay thì người nuôi cũng chưa đủ sức khôi phục lại để bù vào mức thua lỗ thời gian qua.

Vấn đề hiện nay là dù có muốn nuôi lại thì cũng rất khó do giá heo con hiện nay tăng quá cao, từ 1 - 1,5 triệu đồng/con heo cai sữa (khoảng 10 - 12kg) thậm chí là không có heo con để mua. Anh Bé Chín cho hay, từ đàn nái trên dưới 70 con, anh đã giảm xuống chỉ còn khoảng 15 con để cầm chừng nhằm hạn chế thua lỗ trong thời gian qua. Vì thế, thời điểm này, muốn khôi phục lại trại đạt 1.000 con như trước là không thể. Hiện trại chỉ khôi phục lại với số lượng đàn khoảng vài trăm con. “Để có heo con nuôi, tôi phải nhập từ các tỉnh khác với giá 1,5 triệu đồng/con nhưng cũng dè chừng lắm vì giá đầu vào cao sẽ dẫn đến rủi ro thua lỗ cũng cao” - anh Bé Chín nói.

Theo hộ nuôi heo Trần Văn Một, xã Thành Thới A, huyện Mỏ Cày Nam, tâm lý người nuôi nói chung hiện nay là không dám tái đàn trở lại. Ông Một giải thích: Lý do thứ nhất là giá heo con bây giờ quá mắc. Thứ hai nếu gầy con nái thì phải mất đến 1 năm nữa mới cho ra heo con, rồi phải đến 6 tháng sau mới có bán. Thứ ba là hầu hết hộ nuôi đang nợ tiền thức ăn. “Như vậy, từ nay đến Tết, nếu hộ nào có vốn mạnh thì mới dám mua heo con để nuôi bán Tết. Ngược lại, không có vốn, nuôi dưới 30 con trở xuống thì chẳng khác nào làm công cho đại lý thức ăn vì không có lời” - ông Một nhận định.

“Giá cả là do thị trường quyết định. Giá heo hơi tăng cao nên heo con cũng tăng “vô chừng”. Với giá đầu vào hiện nay, để có lời thì người nuôi thường để heo vượt tạ, từ 120 - 130kg/con mới bán, bởi thời điểm này đạt từ 1 tạ trở lên, heo mau lên cân, nhờ vậy người nuôi mới có lời” - ông Một phân tích.

Còn theo ông Nguyễn Thanh Lâm - cán bộ kế hoạch thống kê xã Tân Trung, nhiều hộ nuôi đã buông tay, tỷ lệ này khoảng 30%. Có trại 300 - 400 heo nái nhưng đợt vừa qua, họ cũng bán hết chuồng.

Theo số liệu của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cuối năm 2017, tổng đàn heo của tỉnh là 610 ngàn con. Mỏ Cày Nam chiếm gần 50% so với toàn tỉnh, với hơn 13.000 hộ nuôi, trong đó hộ nuôi quy mô trên 100 con chiếm khoảng 15%. Tuy nhiên, theo nhận định của cán bộ kế hoạch thống kê các xã, đến nay, đàn heo các xã giảm từ 50 - 70% so với thời điểm đầu năm 2017. Hiện có một số hộ nuôi trở lại nhưng cũng rất dè chừng và chưa kịp phục hồi tổng đàn do việc gầy đàn cần thời gian.

Chăn nuôi heo theo tiêu chuẩn VietGAHP tại xã Cẩm Sơn (Mỏ Cày Nam).

Liên kết để phát triển bền vững

Đối với trang trại, việc khôi phục đàn nái và công suất nuôi của các trại đã khó và đang rất thận trọng thì đối với hộ nuôi nhỏ lẻ từ 10 đến vài chục con lại càng khó khăn. Bởi nếu có nuôi cũng không có lời do giá đầu vào (thức ăn và heo con) quá cao. Ông Ngô Văn Dũng - Trưởng ấp Tân An, xã Tân Trung cho biết: Các hộ nuôi trong ấp cũng có tái đàn nhưng rất dè dặt. Tỷ lệ đàn heo toàn ấp giảm khoảng 80%. Bài học kinh nghiệm cho hộ nuôi qua đợt này là phải trữ vốn để dự phòng rủi ro. “Chúng tôi luôn khuyến cáo người nuôi nếu có khôi phục lại chăn nuôi thì phải tham gia tổ hợp tác, hợp tác xã để nuôi tập trung với quy mô lớn, đồng thời liên kết với doanh nghiệp tiêu thụ để đảm bảo tính bền vững” - ông Dũng cho biết.

Tổ hợp tác chăn nuôi xã đang tiến hành liên kết với các công ty trong tiêu thụ nhưng hiện tiến độ còn chậm, chưa đi đến ký kết. Cũng theo ông, công ty này hứa nếu liên kết sẽ mua giá cao hơn thị trường 80 ngàn đồng/tạ.

Ông Dương Văn Thanh - Giám đốc Công ty TNHH Thanh Thêm, xã Tân Trung cho hay, hiện công ty đã kết nối với các tổ hợp tác chăn nuôi các xã, với khoảng 200 hộ nuôi. “Công ty đang chuẩn bị ký kết với Công ty VISSAN để cung cấp heo thịt đã qua giết mổ và đông lạnh” - ông Thanh tiết lộ.

Công ty TNHH Thanh Thêm được thành lập năm 2017, tiền thân là hộ kinh doanh heo hơi, thu mua và tiêu thụ heo hơi cho các tỉnh. Tuy nhiên, với chủ trương xây dựng chuỗi giá trị con heo huyện Mỏ Cày Nam, cơ sở này đã mạnh dạn phát triển lên doanh nghiệp và tham gia chuỗi. Công ty đang được Dự án AMD hỗ trợ đầu tư hệ thống giết mổ tự động, đạt chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm để cung cấp heo thịt sau giết mổ cho Công ty VISSAN.

Theo lộ trình phát triển chuỗi giá trị con heo của UBND tỉnh, đây là bước đi mới, mở đầu cho hoạt động kết nối tiêu thụ con heo theo hướng bền vững. Bước tiếp theo, tỉnh đang mời gọi các doanh nghiệp đầu tư nhà máy chế biến các sản phẩm từ thịt heo tại tỉnh.

Giải pháp ổn định nguồn cung

Trước tình hình bất ổn về giá cả, biên độ chênh lệch về giá không thể lường trước được rủi ro, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã có công văn chỉ đạo các tỉnh, thành phố có giải pháp kiểm soát hoạt động chăn nuôi, phát triển đàn heo; trong đó, khuyến cáo hộ nuôi phải thận trọng khi tái đàn. Hiện các địa phương có hoạt động chăn nuôi heo đang tiến hành rà soát, thống kê lại số lượng đàn heo để gửi về tỉnh tổng hợp. Qua đó có đề xuất giải pháp trong quy hoạch, tái cơ cấu vật nuôi phù hợp.

Công văn của Bộ cũng yêu cầu các tỉnh, thành có biện pháp ổn định nguồn cung mặt hàng này. Công văn của Bộ nêu rõ, giá thịt heo xuất chuồng hiện nay tăng quá cao và diễn biến phức tạp, ảnh hưởng lớn đến chỉ số giá tiêu dùng. Bộ khuyến cáo người tiêu dùng chuyển đổi cơ cấu tiêu dùng thực phẩm phù hợp hơn với nguồn cung thực phẩm trong nước. Vì hiện nay, sản phẩm thịt, trứng, gia cầm, nhất là gà, vịt đang sản xuất rất nhiều, giá cả đang ổn định.

Được biết, trước tình hình giá heo hơi tăng, giá các loại thực phẩm khác như gà, cá, vịt cũng nhấp nhỏm tăng giá theo nhưng không chênh lệch nhiều. Cụ thể, giá gà thả vườn trên địa bàn tỉnh hiện khoảng 80 ngàn đồng/kg, gà nòi 100 ngàn đồng/kg. Giá vịt cũng tăng từ 35 ngàn đến hơn 50 ngàn đồng/kg.

Từ thực trạng trên, đây là lúc để người chăn nuôi có dịp nhìn nhận lại một cách đúng đắn về việc phát triển chăn nuôi tự phát, thiếu bền vững để có giải pháp liên kết trong sản xuất và gắn với thị trường theo hướng chuỗi giá trị, hướng phát triển bền vững trong thời gian tới.

Bài, ảnh: Cẩm Trúc

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang