• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Duy trì mô hình nuôi trăn đất

Nguồn tin: Báo Hậu Giang, 22/08/2018
Ngày cập nhật: 23/8/2018

Nhiều năm nay, dù trải qua bao thăng trầm về giá do tác động của thị trường, nhưng người nuôi trăn đất vẫn hy vọng vào giá trị kinh tế mà loài vật này mang lại.

Hiện tại, giá trăn đất chưa cao nhưng người nuôi vẫn chăm sóc nuôi dưỡng kỹ, kỳ vọng khi xuất bán giá trăn đất sẽ tăng cao, thu lời nhiều.

Ở tỉnh Hậu Giang, trăn đất được nuôi nhiều ở vùng Ngã Bảy, tiếp sau đó là huyện Phụng Hiệp. Người nuôi cho biết hiện trăn loại 40 - 50kg/con đang được thương lái mua với giá 280.000 - 300.000 đồng/kg; trăn loại 6kg/con hiện có giá 100.000 - 110.000 đồng/kg. Mức giá này đã có chuyển biến tích cực hơn so với thời điểm tháng 3/2018, bởi khi đó giá trăn đất 6kg/con chỉ giữ mức khoảng 90.000 đồng/kg. Điệp khúc biến động giá đã không còn xa lạ với người nuôi trăn đất trên địa bàn. Bà con cho rằng, theo quy luật giá bán trên thị trường dù có rớt nhưng sau một khoảng thời gian cũng sẽ ổn định trở lại. Chuyện bỏ đàn chỉ xuất hiện rải rác đối với các trường hợp nuôi quy mô nhỏ lẻ.

Gắn bó với nghề nuôi trăn đất gần 20 năm, ông Nguyễn Minh Sơn, ở ấp Mỹ Lợi, thị trấn Cây Dương, huyện Phụng Hiệp, nhận thấy được giá trị kinh tế cao mà trăn đất mang lại. Ông Sơn kể, khoảng thời gian mới tập tành nuôi, do không am hiểu nhiều về kỹ thuật chăm sóc nên trăn đất thường bị bệnh, thất thoát. Lần hồi tích góp kinh nghiệm, học hỏi kỹ thuật chăm sóc, loài vật hoang dã này đã mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho gia đình. Ông khẳng định, với mức giá hiện nay người nuôi trăn đất vẫn có lời chút ít; trừ trường hợp con vật bị bệnh chết phải bán tháo với giá rẻ mới lỗ vốn.

Ông Sơn cho biết: “Tôi nuôi đến khi đạt trọng lượng khoảng 50kg/con thì mới xuất bán. Hiện tổng đàn có số lượng khoảng 40 con đủ loại, trong đó có 8 con trăn lớn từ 30 - 40kg/con. Gần nửa tháng trước tôi xuất bán 3 con trăn đất, khi đó trăn chỉ mới 30kg/con, giá bán chỉ 150.000 đồng/kg. Để nuôi một con trăn đất đạt trọng lượng khoảng 45 - 50kg phải mất thời gian hơn 2 năm. Loài vật này ăn ít nên chi phí thức ăn cho chúng không nhiều, chỉ lo bệnh khó trị, nhất là vào mùa mưa ẩm ướt như hiện nay. Dù giá trăn đất có rẻ nhưng tôi vẫn cố gắng duy trì đàn, nhất là đàn bố mẹ. Tôi vừa đầu tư nền đệm lót để giúp chúng có môi trường sống thoáng và ấm, hạn chế tối đa dịch bệnh”.

Theo các cơ sở thu mua trăn đất, hiện nay nhu cầu da trăn rất cao, ngoài phục vụ thị trường trong nước còn xuất khẩu. Da trăn đất được dùng làm nguyên liệu chế tạo ra các sản phẩm mặt đờn, mặt trống, các sản phẩm mỹ nghệ phục vụ du khách. Ông Nguyễn Chí Linh, ở ấp Mỹ Lợi, thị trấn Cây Dương, huyện Phụng Hiệp, chia sẻ: “Khi chọn mua trăn, tiêu chí quan trọng nhất là màu da và “hoa” trên da, từ đó quyết định giá mua mỗi con trăn. Tại đây, tôi thu mua trăn đất từ 6kg trở lên, vùng mình chủ yếu tập trung ở khu vực Ngã Bảy, Phụng Hiệp. Hiện giá trăn đất còn thấp, người dân cũng dưỡng nuôi tiếp vì chúng càng lớn đạt trọng lượng từ 45kg trở lên sẽ bán được giá cao. Đây cũng là cách mà bà con duy trì đàn trong thời gian giá trăn đất giảm. Theo tôi, khi thị trường nước ngoài tiêu thụ nhiều thì giá trăn đất sẽ tăng trở lại”.

Dù có khởi sắc, nhưng hiện mức giá của loài này vẫn còn rẻ hơn nhiều so với thời điểm năm 2015. Khi đó, trăn loại 45 - 50kg/con giá bán cao nhất cũng gần 400.000 đồng/kg; loại 6kg/con cũng giữ mức khoảng 280.000 đồng/kg (tùy chất lượng bề mặt da). Hiện dù có giảm đàn khoảng 50%, nhưng trường hợp bỏ nghề chủ yếu là các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ. Tính đến thời điểm hiện tại, đàn trăn trong tỉnh ước còn khoảng 30.000 con.

Ông Nguyễn Vĩnh Phúc, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh, cho biết: Về đầu ra hiện nay vẫn như các loài vật nuôi khác, vẫn tùy theo thị trường. Khi người dân chăn nuôi, ngành kiểm lâm luôn hỗ trợ về chính sách, kỹ thuật, thủ tục vận chuyển lưu thông hàng hóa. Đối với các cơ sở chăn nuôi trăn đất truyền thống, qua động viên người dân cho biết ý định vẫn giữ đàn. Người nuôi vẫn cố gắng duy trì đàn trăn bố mẹ, tập trung nhiều nhất ở thị xã Ngã Bảy và huyện Phụng Hiệp. Vừa rồi ngành có họp bàn với một số đơn vị về giải pháp cải tạo chất lượng con trăn đực để tránh hiện tượng trùng huyết, nhằm giúp nâng cao chất lượng con trăn đất trong thời gian tới.

Bài, ảnh: KỲ ANH

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang