• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Ngành yến Việt từng bước trưởng thành

Nguồn tin: Sài Gòn Giải Phóng, 27/8/2018
Ngày cập nhật: 28/8/2018

Theo các chuyên gia yến nhà Việt Nam, từ năm 2015 đến nay, ngành này đang ổn định và dần trưởng thành về nhiều mặt trong quá trình phát triển, cũng như từng bước tiếp cận Trung Quốc - thị trường tiêu thụ lớn nhất, ước tính khoảng 6 tỷ USD mỗi năm.

Chế biến tổ yến tại xã Tam Thôn Hiệp, huyện Cần Giờ, TP. HCM. Ảnh: PHIÊU NHIÊN

Tỷ lệ thành công lên 70% - 80%

Hiện cả nước có 41/63 tỉnh, thành xây dựng nhà yến. Tốc độ xây dựng nhà yến hiện nay được tính tăng mỗi tháng, thay vì năm như trước. Những nơi có tốc độ xây dựng tăng nhanh như TP. Rạch Giá và thị xã Hà Tiên (Kiên Giang), TP. Phan Rang - Tháp Chàm (Ninh Thuận), hay Phú Yên, Bình Thuận, tăng 10% - 12%/tháng. Trong đó, tỉnh Kiên Giang có hơn 1.000 nhà yến, Phú Yên hơn 800 nhà yến, An Giang hơn 650 nhà yến, Quảng Nam và TP Đà Nẵng 410 nhà yến, Bình Thuận trên 750 nhà yến. Dù chưa có con số chính thức của Bộ NN-PTNT, nhưng các chuyên gia trong ngành ước tính hiện có không dưới 11.000 nhà yến. Vốn xã hội đã đầu tư vào ngành nghề này gần 18.000 tỷ đồng.

Điểm nổi bật nghề yến giai đoạn sau năm 2015 trở lại đây là tỷ lệ nhà yến cải sửa, cơi nới trong khu dân cư giảm nhiều, nhà yến xây bê tông cốt thép chiếm khoảng 80%, diện tích sàn nuôi lớn từ 200m2 - 500m2/nhà, cá biệt 1.000m2/nhà. Tổng diện tích sàn nuôi ước tính 2.350.000m2. Do ngày càng nắm vững hơn về kỹ thuật nên tỷ lệ thành công khá cao. Nhà yến xây dựng từ năm 2015 trở lại đây đạt thành công 70% - 80%, so với con số 20% - 40% của nhà yến xây trước năm 2015.

Nhờ tự nâng cao tay nghề thông qua các tài liệu trao đổi, sách vở, kinh nghiệm thực tiễn, cũng như từ các chương trình bồi dưỡng kỹ thuật của Hiệp hội Yến sào Việt Nam (VSFA), các nhà tư vấn kỹ thuật có tay nghề và trình độ chuyên môn ngày càng vững. Số chim tăng đàn cơ học khoảng 13%/năm, nhờ được chăm sóc tốt trong nhà. Bên cạnh đó, do tác động của thời tiết, cháy rừng và di thực tìm mồi ăn, có sự ghi nhận yến từ Indonesia, Malaysia và Thái Lan di chuyển đến Việt Nam sinh sống. Hiện nay đàn yến trong nước trên 7,5 triệu con, sản lượng tổ yến khai thác năm 2017 hơn 70 tấn, dự kiến năm 2018 có thể 85 - 90 tấn. Có thể nói, lượng cung tổ yến trong nước gần đủ cầu, nếu tính cả đến nguồn tổ yến nhập từ Malaysia, Indonesia, Thái Lan và Campuchia. Người tiêu dùng Việt Nam hiện nay đã tiêu thụ hơn 100 tấn/năm. Giá tổ yến thô hiện khoảng 22 triệu đồng/kg.

Vai trò của VSFA

VSFA đã thành lập đội kỹ thuật ở mỗi khu vực (1 - 3 tỉnh) trong cả nước với các hội viên là những nhà tư vấn kỹ thuật trình độ chuyên môn vững, có khả năng xử lý những sai phạm, hỏng hóc, nhận biết các nguyên nhân và khả năng phục hồi năng lực sản xuất của các nhà yến bị thất bại hay khai thác kém hiệu quả. Số nhà yến này khoảng 1.500 căn.

Khi chủ nhà yến có yêu cầu, đội ngũ kỹ thuật sẽ đến khảo sát và lên phương án phục hồi, sửa chữa để chủ nhà tự thực hiện. Nếu yêu cầu đội kỹ thuật VSFA thực hiện, các kỹ thuật viên hướng dẫn chủ nhà yến tự mua vật tư, đội kỹ thuật nhận thù lao thi công. Xây dựng và hướng dẫn các biện pháp thi công sửa chữa để đảm bảo nhà yến vận hành tốt, sản lượng và chất lượng tổ yến đạt yêu cầu an toàn và chế biến xuất khẩu. VSFA sẽ tổ chức phổ biến thực hiện kỹ thuật, quy trình vận hành nhà yến.

Xây dựng và trình cơ quan thẩm quyền công bố tiêu chuẩn chất lượng tổ yến Việt Nam, đồng thời tổ chức các buổi tập huấn kỹ thuật để các chủ nhà yến tự thực hiện nâng cao chất lượng tổ. Nghiên cứu các biện pháp xử lý kỹ thuật ngâm rửa trong quá trình chế biến tổ yến để loại bỏ các vết nhiễm kim loại nặng; khuyến cáo chính quyền các tỉnh quy hoạch vùng nuôi yến không ở trong khu vực đô thị phát triển, không gần các khu công nghiệp và các nhà máy xử lý rác. Kiến nghị Bộ NN-PTNT ra quyết định ngăn cấm các hoạt động săn bắt giết hại, phóng sinh chim yến, thu giữ các dụng cụ săn bắt chim yến, xử phạt hành chánh người có hành vi săn giết và mua bán chim yến.

Cuối tháng 7/2018 vừa qua, Công ty cổ phần Phát triển tổ yến Việt Nam (Vinbirdnest) thay mặt VSFA đưa đoàn doanh nghiệp (DN) Việt Nam đến Malaysia tìm hiểu công nghệ chế biến tổ yến sạch, xây dựng nhà xưởng đạt chuẩn để có thể đưa sản phẩm xâm nhập vào thị trường Trung Quốc. 3 năm qua, tổ yến nhà Việt Nam đã chính thức được giới thiệu tại thị trường Trung Quốc, tham dự các triển lãm hội chợ. Vinbirdnest tham gia gần 10 cuộc triển lãm nhằm giới thiệu, tìm kiếm đối tác.

Năm 2017, công ty kết hợp với ban tổ chức Hội chợ triển lãm quốc tế “Con đường tơ lụa thế kỷ 21 Quảng Đông” đưa gần 10 DN đăng ký gian hàng triển lãm để giới thiệu sản phẩm tổ yến, học hỏi kinh nghiệm để tham gia các kỳ hội chợ và triển lãm khác sau này. Hiện tổ yến Vinbirdnest đã có mặt tại gian hàng bán sỉ lẻ ở Trung Quốc qua dạng tiểu ngạch. Khi DN Việt Nam đã có nhà xưởng chế biến đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và 2 nước đạt được thỏa thuận chung, tổ yến của các DN Việt có thể xuất khẩu chính ngạch với số lượng lớn.

Những bất cập

Điều lo ngại hiện nay là chất lượng tổ yến không ổn định, tuy có một số tổ hàm lượng đạm cao trên 55%, nhưng có khoảng 70% tổ yến chỉ đạt 20% - 30%, thậm chí có tổ 5% trở xuống. Trên 90% tổ yến không đạt chuẩn xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc cả về cảm quan và chất lượng. Đối với những nhà yến gần khu đô thị lớn, khu công nghiệp, tổ yến có thể bị nhiễm kim loại nặng, nhưng khi làm sạch, chế biến để sử dụng lại chưa có biện pháp giúp giảm tình trạng này.

Tổ yến khi được làm sạch, chưa thể phân biệt được tổ nào có hàm lượng dinh dưỡng cao, thấp hay rất thấp. Chưa có các quy chuẩn về xây dựng và vận hành nhà yến, quy định về chất lượng tổ yến. Vì vậy, người tiêu dùng bị thiệt và tốn tiền khi tiêu thụ tổ yến nhập (loại 2) hay tổ yến trong nước kém chất lượng.

Xảy ra tình trạng mất cân bằng sinh thái tại những vùng có mật độ nhà yến xây dựng dày đặc như Hà Tiên, Rạch Giá, Phú Yên, Bình Định, TP. Đà Nẵng. Mồi ăn là côn trùng bị khan hiếm, nên yến phải bay xa để kiếm mồi. Số chim vào nhà ở chậm, có nơi gần như không tăng. Số chim sinh sản thấp - không tới 50%, tổ nhỏ, mỏng và không đầy đủ; chim thường chỉ đẻ 1 trứng/tổ. Gần đây lại xảy ra tình trạng chim yến bị săn bắt, giết làm mồi nhậu, làm vật phóng sinh, xảy ra khá thường xuyên ở các tỉnh Bình Phước, Phú Yên, Bình Thuận và Bình Định mà chưa có biện pháp ngăn chặn.

NGUYỄN CHUNG - Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Yến sào Việt Nam

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang